Thứ Tư, ngày 11 tháng 12 năm 2024

Thành ủy ban hành Chương trình hành động về nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát

Ngày 2-8-2016, Thành ủy TP.HCM đã ban hành Chương trình hành động 08-CTrHĐ/TU thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng bộ thành phố về “Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp giai đoạn 2016 - 2020”.

Theo đó, Thành ủy xác định, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ thành phố còn những hạn chế, yếu kém: một số cuộc kiểm tra, giám sát chưa đi vào thực chất, chưa sát với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị và chưa góp phần ngăn ngừa, khắc phục kịp thời những yếu kém của các đơn vị; nhiều cấp ủy, tổ chức đảng chưa chú trọng thực hiện việc tự kiểm tra; nhiều khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên chậm được phát hiện, việc xử lý; việc phát hiện vi phạm qua công tác kiểm tra, giám sát chưa phản ánh đúng thực tế, chưa đạt yêu cầu ngăn chặn và đẩy lùi sai phạm; việc thực hiện kết luận kiểm tra, giám sát ở một số nơi chưa nghiêm…

Để khắc phục các biểu hiện đó, Thành ủy đề ra 9 giải pháp chủ yếu, gồm:

Thứ nhất, các tổ chức đảng xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm gắn với việc thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ cấp trên và cấp mình; tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của chi bộ góp phần ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên.

Thứ hai, ủy ban kiểm tra các cấp tham mưu, giúp cấp ủy cùng cấp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát; hướng dẫn cấp ủy cấp dưới thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng; phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan phát huy vai trò của các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; chủ động tham mưu, giúp cấp ủy nhận xét, đánh giá đối với cán bộ, đảng viên trong việc tham gia thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị, bức xúc của nhân dân.

Thứ ba, các tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp, các cơ quan quản lý nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, phát huy vai trò giám sát của nhân dân. Tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác cán bộ và kê khai tài sản của cán bộ; việc thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí; công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, tài chính, ngân sách, công sản, môi trường, quy hoạch kiến trúc; việc thực hiện các dự án, chính sách gắn với quốc kế dân sinh; các ngành quản lý thị trường, thuế, hải quan, công an; công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; việc quản lý, đầu tư tài chính, hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước; việc thực thi công vụ, việc thực hiện quy định về những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm…

Thứ tư, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên xây dựng kế hoạch thực hiện việc lấy ý kiến góp ý, phản ánh của nhân dân về hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền các cấp; phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong, ngôn phong, thái độ ứng xử, giải quyết công việc của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức...

Thứ năm, các tổ chức đảng, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu, tăng cường làm việc với cơ sở, nắm chắc tình hình thực tế, giảm hội họp; tập trung chỉ đạo, thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc tiếp công dân, thiết lập các kênh thông tin để tiếp nhận và xử lý góp ý của nhân dân. Nếu việc giải quyết chậm trễ, chưa thỏa đáng thì ngoài việc xin lỗi hoặc giải thích lý do để người dân được biết, còn phải xác định nguyên nhân, đề ra biện pháp khắc phục, làm rõ trách nhiệm, có hình thức xử lý phù hợp...

Thứ sáu, ủy ban kiểm tra các cấp phát huy trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc phối hợp, cung cấp thông tin phục vụ công tác thẩm tra, xác minh, kiểm tra, thanh tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo (kể cả tố cáo giấu tên, mạo tên...) nhằm bảo vệ uy tín cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng, cơ quan nhà nước (nếu là vu khống) hoặc xử lý tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên (nếu có vi phạm); làm rõ, tham mưu, đề xuất việc xử lý cán bộ, đảng viên không thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh của nhân dân, thực hiện không nghiêm chỉ đạo của cấp trên và những cán bộ, đảng viên thực hiện việc tố cáo không đúng quy định, đánh giá tùy tiện người khác hoặc đe dọa, trù dập, trả thù người tố cáo, phê bình, góp ý mình…

Thứ bảy, phải xác định rõ trách nhiệm, có kết luận cụ thể về các hành vi vi phạm, hạn chế, khuyết điểm của tổ chức, cá nhân; đề xuất nội dung chỉ đạo nhằm khắc phục, ngăn ngừa khuyết điểm và xử lý nghiêm minh, đúng với tính chất, mức độ vi phạm của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên; kịp thời phát hiện nhân tố tích cực, mô hình tốt, cách làm hiệu quả để nhân rộng, biểu dương, khen thưởng, đề bạt...

Thứ tám, kiên quyết điều động, chuyển vị trí công tác hoặc tinh giản biên chế đối với cán bộ ngành kiểm tra, thanh tra có các biểu hiện nể nang, ngại đấu tranh, sợ trách nhiệm, thiếu công tâm; năng lực, chuyên môn nghiệp vụ yếu, phương pháp công tác kém hiệu quả; có những hành vi dung túng, bao che khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên, công chức, viên chức. Tăng cường tuyển chọn, tiếp nhận cán bộ có đủ chuẩn, chất theo quy định...

Thứ chín, căn cứ kết quả đánh giá cán bộ, công chức và phân loại chất lượng đảng viên, thủ trưởng cơ quan ủy ban kiểm tra các cấp chủ động đề xuất cấp ủy thực hiện việc điều động, luân chuyển, đề bạt cán bộ kiểm tra hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp, đồng thời kiên quyết bố trí công tác khác hoặc tinh giản biên chế đối với cán bộ kiểm tra không đảm bảo yêu cầu, tiêu chuẩn, uy tín, năng lực...

tin khác

Thông báo