Thứ Tư, ngày 13 tháng 11 năm 2024

Kỷ niệm 71 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 (1945 – 2016)

Tháng Tám năm 1945 lên đàng giành chính quyền

Ngày 10-5-1941, Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng họp ở Pắc Bó (Cao Bằng) đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu; phải thức tỉnh được tinh thần dân tộc xưa nay trong nhân dân; thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc. Ngày 19-5, Mặt trận Việt Minh ra đời, giương cao hơn bao giờ hết ngọn cờ cứu nước, giải phóng dân tộc, đã thu hút được đông đảo các giai cấp, các tầng lớp, các dân tộc tham gia vào mặt trận cứu nước.

Năm 1943, Đảng đưa ra bản Đề cương văn hóa Việt Nam. Cũng năm này, nhóm sinh viên Nam bộ được liên hệ với Mặt trận Việt Minh, và đầu năm 1944, nhận nhiệm vụ bỏ học về Nam vận động cách mạng. Cuối 1944, trong tuần báo Thanh niên số 40 xuất bản ở Sài Gòn, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước viết bài Bản tuyên ngôn về âm nhạc, trong đó nhấn mạnh chức năng phục vụ nhân sinh của nghệ thuật âm nhạc và đồng thời chủ trương đề cao bản sắc dân tộc trong tác phẩm.

Trong những buổi dạy hát, ở bài hát có nét nhạc hơi khó, nhân dân lao động thường hát sai, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước nhận thấy nếu làm bài hát mà nhân dân hát không đúng, đó là vì mình soạn sai, một khi đã chọn lý tưởng giải phóng đất nước thì không nên đề cao kỹ thuật quá sớm, mà cần làm sao cho đông đảo nhân dân có thể cùng hát lên những lời ca chiến đấu, đơn giản mà khỏe mạnh. Kể từ đó về sau, ông soạn ít bài có tính chất biểu diễn, và nhiều bài phù hợp với sinh hoạt của đông đảo quần chúng, và vận dụng mọi thứ kỹ thuật trong vốn hiểu biết ít ỏi của mình lúc đó để làm cho bài hát dễ phổ biến hơn và diễn đạt sát hơn.

Thời cơ đến, các cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng thông qua Mặt trận Việt Minh liên tục diễn ra, tác động, thúc bách. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước nhớ lại: “Có lúc yêu cầu sáng tác rất cấp bách, nhưng may vì tôi là người “trong cuộc” lại nhờ có mấy bạn sẵn tài văn hay chữ tốt cũng là người “trong cuộc”, chúng tôi đều cùng sống giữa phong trào thanh niên, tứ nhạc, ý thơ đều sẵn sàng, cho nên bài hát soạn rất nhanh”.

Bài hát Lên đàng được ra đời từ sự đòi hỏi cấp thiết của làn sóng đấu tranh cách mạng đang đến hồi cao trào. Nó được hình thành từ 5 nốt nhạc son, la, đô, rê, mi cùng với tiết tấu của nhịp đi. Năm nốt nhạc này có trong nhiều bài lý, như Lý ngựa ô, Lý bắc cầu, Lý cầu dừa, Lý con cóc, Lý dâng lộc, Lý dâng bông... của âm nhạc dân gian, chúng trùng với 5 âm hò, xư, xang, xê, cống của 6 bản Bắc trong 20 bài Tổ của Việt Nam. Bài Lên đàng có nhịp điệu, khúc thức đoạn đơn của những điệu lý nên dễ nhớ, dễ thể hiện, có nét nhạc khỏe mạnh, đơn giản, dễ phổ biến, tạo ngữ điệu, ngữ âm, ngữ khí, khơi dậy lòng tự hào, hào khí oai hùng, oanh liệt từ những trận đánh chống quân xâm lược trong lịch sử quật cường của dân tộc.

Trong không khí sôi sục tiến tới tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, bài hát Lên đàng “bỗng nhiên, thay thế cho tiền thân của nó, bài hát Tiếng gọi thanh niên, để trở nên bài-hát-kêu-gọi-khởi-nghĩa. Rồi trong điều kiện khởi nghĩa chín muồi, nó sẽ hiệu triệu, thúc giục hàng vạn, hàng chục vạn thanh niên thuộc đủ các tầng lớp xã hội xông lên phía trước” (lời Mai Văn Bộ) (1). Trong cuộc đấu tranh cách mạng, bài hát Lên đàng là vũ khí đấu tranh, là động lực thúc đẩy quá trình phát triển của cuộc đấu tranh cách mạng đang trào lên cuồn cuộn. Bài hát được quần chúng yêu nước và cách mạng vừa hát, vừa xông lên giành chính quyền. “Việc Xứ ủy cùng một lúc cho ra đời phong trào Thanh niên Tiền phong và lấy bài hát Lên đàng của Lưu Hữu Phước làm đoàn ca, đã thể hiện một sự hội tụ lịch sử của Tiếng hát và Cách mạng ở thành phố ta, đã đưa tới cuộc tuần hành thị uy vũ trang rầm rộ sáng ngày 25-8-1945 theo nhịp đi của bài hát Lên đàng của trên một triệu đồng bào thành phố và từ ngoại ô kéo vào, với sự hưởng ứng của một số tỉnh lân cận. Tiếng hát Lên đàng cất lên vang dội thành phố đã để lại một dư âm không bao giờ tắt”(2).

Nhà thơ Nguyễn Đình Thi nhận xét: “Những năm trước cách mạng, trong phong trào thanh niên và sinh viên yêu nước, tôi đã được biết những bài hát của Lưu Hữu Phước, nhất là Tiếng gọi thanh niênLên đàng, những bài hát khí phách hào hùng, lôi cuốn mạnh mẽ. Nét nhạc của Lưu Hữu Phước vừa khỏe vừa tươi tắn, mang đậm chất dân tộc và màu sắc Nam bộ, không thể lẫn được. Những bài hát ấy đã vang vọng trên các đường phố Sài Gòn cuồn cuộn hàng chục vạn người khởi nghĩa, tháng Tám năm 1945”(3).

Mới đây, nhà văn quân đội Hoàng Xuân Huy, năm nay 82 tuổi, kể rằng năm 11 tuổi, ông theo đoàn người vừa đi vừa hát vang bài Lên đàng. Đi bộ vòng vèo trong làng rất nhiều lần, rồi sau đó đi 32 cây số, cả đi và về không biết mệt, cùng đoàn người từ nhà ông ở làng Vĩnh Xuân thuộc Trà Ôn tỉnh Cần Thơ (nay là xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) đến Cầu Kè (nay là huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) tham gia cao trào Cách mạng tháng Tám năm 1945 giành chính quyền.

Nhà văn Trần Bạch Đằng thì nhận định: “Nói riêng ở Sài Gòn và Nam bộ, có lẽ những người lớn lên và trải qua thời gian sau khởi nghĩa Nam kỳ không ai không thuộc bài Tiếng gọi sinh viên, đặc biệt bài Lên đàng. Một bài hát được hàng triệu người đồng ca trên đường phố, trong các cuộc tập hợp, có lẽ Lên đàng “ngự trị” đỉnh cao của nhạc yêu nước và chiến đấu - tự nó đã nối kết quần chúng với nhau và nối kết quần chúng với cách mạng. Già cũng hát, trẻ cũng hát, nam nữ cùng hát, khăn đóng áo dài cùng hát, áo choàng linh mục, áo cà sa nhà sư cũng hát. Trong phong trào Thanh niên Tiền phong ở Nam bộ, tiếng đếm một hai, tiếng tu huýt và bài Lên đàng cùng chiếc nón rơm và ngọn tầm vông đi vào lịch sử. Về phương diện này, Lưu Hữu Phước là một nhạc sĩ của công chúng, một nhạc sĩ của hành động chưa có người thay thế ở Việt Nam”.(4)

Năm 1994, tại Đại hội lần thứ VII Hội người Việt Nam tại Pháp vang lên tiếng hát Lên đàng của 200 đại biểu và Lên đàng tiếp tục thắp sáng trong tim ngọn lửa yêu quê hương, đất nước, dân tộc của cộng đồng người Việt ở Pháp lên đàng làm tròn nhiệm vụ.

Bài Lên đàng với ca từ ca ngợi con người, nêu gương truyền thống oanh liệt của người xưa, của các anh hùng dân tộc, của những sự kiện lịch sử oai hùng, kết hợp với nghệ thuật âm nhạc dân gian, dân tộc phù hợp truyền thống đương đại. Nó góp phần vào khôi phục và phát triển bừng lên loại nhạc hùng, nối tiếp lại truyền thống hùng ca, tráng nhạc của nhịp trống đồng cha ông ta sau gần 100 năm dưới ách thực dân đô hộ, góp phần làm thức tỉnh và hun đúc tinh thần dân tộc, yêu quê hương, đất nước trong nhân dân, để rồi lôi cuốn, cổ vũ chuyển biến tinh thần đó thành hành động cách mạng, thúc đẩy quá trình đấu tranh cách mạng, góp phần thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc và hoàn thành nhiệm vụ “giải phóng dân tộc”.

Bài hát Lên đàng đã thể hiện nhất quán phương châm dân tộc, khoa học và đại chúng của Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943.

Bài hát Lên đàng là một ca khúc sử dụng âm hưởng truyền thống dân gian với nhịp điệu hành khúc, đóng góp tích cực vào cuộc khởi nghĩa tháng 8-1945, tạo nên bước ngoặt thời đại, mở ra một kỷ nguyên mới ở Việt Nam: kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Vì lẽ đó, Lên đàng mang dấu ấn lịch sử của thời đại và nghệ thuật âm nhạc đương đại của cuộc sống hôm nay, đồng thời tiếp tục trường tồn cùng đất nước, con người Việt Nam đến tương lai huy hoàng mai sau. Hiện nay, Lên đàng là bài hát chính thức của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

Bài hát Lên đàng (1944) cùng 12 ca khúc khác: Tiếng gọi thanh niên (1941), Hồn tử sĩ (1943), Hội nghị Diên Hồng (1944), Ca ngợi Hồ Chủ tịch (1947), Đông Nam Á châu (1948), Tuổi hai mươi (1950), Cả cuộc đời về ta (1958), Dưới cờ Đảng vẻ vang (1960), Bài hát giải phóng quân (1961), Thanh niên ba sẵn sàng (1965), Tiến về Sài Gòn (1966), Tình Bác sáng đời ta (1969) của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước được Nhà nước tặng giải thưởng cao quý đợt đầu (1996): Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học và nghệ thuật.

--------------------------------

(1) Lưu Hữu Phước, con người và sự nghiệp, Nxb Trẻ, 1989, tr.161.

(2) Tiếng hát và cách mạng, tham luận của đồng chí Mai Văn Bộ tại Hội thảo Sài Gòn 300 năm.

(3) Sđd, tr.41.

(4) Sđd, tr.23.

HỒ SĨ TÂM MINH

tin khác

Thông báo