Thứ Tư, ngày 11 tháng 12 năm 2024

Quán triệt nghị quyết đại hội đảng các cấp

Sự vận dụng, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh trong văn kiện Đại hội XII của Đảng

Tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin được Đại hội VII của Đảng ta chính thức đưa vào văn kiện Đại hội với sự khẳng định là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng, dân tộc ta. Từ đó đến nay, trong các lần đại hội, nhất là ở Đại hội IX và Đại hội XI, tư tưởng Hồ Chí Minh ngày càng được Đảng ta nhận thức sâu sắc, đúng đắn, đầy đủ. Tại Đại hội XII, mặc dù Đảng ta không đề cập trực tiếp liên quan đến tư tưởng Hồ Chí Minh, song tư tưởng Hồ Chí Minh đã được biểu hiện sinh động trong sự vận dụng sáng tạo, phát triển, thực sự trở thành giá trị to lớn đối với con đường đi lên của dân tộc. Trong đó có những điểm quan trọng, nổi bật:

Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội

Đây là bài học, kinh nghiệm được Đảng ta tổng kết, rút ra ở nhiều kỳ đại hội gần đây. Tuy nhiên, riêng ở Đại hội XII, khi rút ra một số bài học sau 30 năm đổi mới, Đảng ta không chỉ đặt lên hàng đầu bài học về kiên định “mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, không chỉ khẳng định cơ sở lý luận, tư tưởng của mục tiêu này là “chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” mà đã mở rộng ra, đến “kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam”(1). Đây là điều thể hiện đúng thực tế lịch sử và cả những chặng đường tiếp theo. Bởi, trong quá trình đổi mới nói chung cũng như trong sự nhận thức về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta không chỉ dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà còn có cơ sở của truyền thống, tinh hoa dân tộc, nhân loại và cả kinh nghiệm thực tiễn quốc tế.

Ở đây, có một điểm cần lưu ý khi nhấn mạnh vấn đề kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn hiện nay là việc cần phải đấu tranh mạnh mẽ, không khoan nhượng với những luận điểm xuyên tạc của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị về con đường, mục tiêu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn cho dân tộc. Bởi, chính trước và trong thời điểm Đại hội XII, những luận điểm này càng được dồn dập tung ra, tuyên truyền, với nhiều phương thức, thủ đoạn. Các thế lực thù địch vừa trực tiếp phủ nhận, xuyên tạc con đường, mục tiêu này từ gốc rễ tư tưởng, lý luận (khi cho rằng: không có tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội hoặc tư tưởng Hồ Chí Minh đã hết giá trị, Đảng ta dựa vào đó, bấu víu vào đó như một bức bình phong, lừa gạt nhân dân (?!)) đến thực tiễn về sự không phù hợp của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, cả trong lịch sử, hiện thực, tương lai, chỉ có con đường “tuần tự” đi lên chủ nghĩa tư bản, con đường “dân chủ” của Phan Châu Trinh mới là đúng đắn. Họ còn tin tưởng, hi vọng tại Đại hội XII, Đảng ta sẽ “đổi mới lần hai” với ý là sự từ bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Họ lập ra nhiều hội, nhóm, diễn đàn, viết bài, gửi đơn, kiến nghị… để tuyên truyền, cổ vũ cho luận điểm này. Chính vì vậy, việc Đại hội XII của Đảng ta tiếp tục khẳng định bài học hàng đầu là kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là minh chứng rõ ràng, dứt khoát phủ định những luận điệu chống đối, xuyên tạc.

Xây dựng Đảng về đạo đức

Trong phần mục tiêu chung xây dựng Đảng, Đại hội XII nêu rõ: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”. Điểm mới ở đây là lần đầu tiên trong văn kiện đại hội, cùng với chính trị, tư tưởng, tổ chức, Đảng ta coi xây dựng Đảng về đạo đức là một nội dung trong công tác xây dựng Đảng. Tuy nhiên, nói như vậy, không có nghĩa từ trước đến nay, vấn đề đạo đức trong Đảng, xây dựng Đảng về đạo đức không được Đảng ta quan tâm.

Thực tế, đây là vấn đề đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra ngay từ khi chuẩn bị thành lập Đảng cũng như trong suốt quá trình Người và Trung ương Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trong cuốn Đường kách mệnh, Người dành ngay trang đầu tiên để viết về tư cách đạo đức của người cách mạng. Sau này, đây là chủ đề trọng tâm xuyên suốt trong nhiều tác phẩm của Người như: Sửa đổi lối làm việc (năm 1947), Đạo đức cách mạng (năm 1958), Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân (năm 1969). Tổng kết 30 năm Ngày Đảng ta thành lập (năm 1960), Người khẳng định: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”(2). Như vậy, với Hồ Chí Minh, rèn luyện cán bộ, đảng viên phải chú trọng cả đức và tài, tài là quan trọng nhưng đức là gốc, “người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lớp lớp cán bộ, đảng viên đã rèn luyện, phấn đấu theo những giá trị và tấm gương đạo đức cao đẹp được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra như trung với nước, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Có thể nói, nếu cán bộ, đảng viên của Đảng không phải phần lớn có được những phẩm chất đạo đức ấy, Đảng ta không thể trở thành một đảng cách mạng vững vàng, chắc chắn, vượt qua mọi thử thách, được nhân dân tin yêu, lãnh đạo toàn dân làm nên những thắng lợi to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, như lịch sử đã thấy. Trong sự nghiệp xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, Đảng ta vẫn luôn khắc sâu những lời dạy đạo đức đó của Người. Nhiều nhiệm kỳ đại hội, Đảng ta đã phát động phong trào đẩy mạnh nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, rồi học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người. Trong ba vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Đảng ta đã coi việc “kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…”(3) trong cán bộ, đảng viên là vấn đề trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất. Cũng chính trên cơ sở những “kết quả quan trọng” đạt được trong công tác xây dựng Đảng của khóa XI, cùng những mặt hạn chế, yếu kém, khuyết điểm còn tồn tại, Đại hội XII đã nêu cao nhiệm vụ “đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI” và trong 6 nhiệm vụ trọng tâm Đại hội xác định cho nhiệm kỳ mới, nhiệm vụ thứ nhất là “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.

Đó là những nhận thức cơ bản trong xây dựng Đảng về đạo đức của Đại hội XII. Nó có cơ sở lý luận và thực tiễn rất sâu sắc từ tư tưởng, bài học kinh nghiệm lãnh đạo, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết

Tại Đại hội XII, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, Đảng ta rút ra kinh nghiệm thứ năm là “lấy lợi ích quốc gia - dân tộc làm mục tiêu cao nhất”. Còn bài học thứ tư trong 5 bài học được Đảng ta rút ra khi nhìn lại 30 đổi mới (1986 - 2016) là: “Phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết”. Như vậy, lần đầu tiên trong tổng kết quá trình lãnh đạo nói chung, Đảng ta khẳng định “phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết” là một trong những bài học quan trọng, cùng với các bài học về “kiên định”; “dân là gốc”; “tôn trọng quy luật, thực tiễn”, “nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”. Không chỉ vậy, trong phương hướng, nhiệm vụ hoạt động đối ngoại, văn kiện Đại hội XII đã nhấn mạnh, đặt lên hàng đầu là “bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc”. Đây là mục tiêu cao nhất, quan trọng nhất, có ý nghĩa chỉ hướng, chi phối mọi hoạt động đối ngoại trên tất cả các lĩnh vực. Nó không chỉ “vì lợi ích quốc gia, dân tộc” như các đại hội trước của Đảng xác định mà “phải lấy lợi ích quốc gia - dân tộc” làm xuất phát điểm, làm mục tiêu, đích hướng tới để lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động đối ngoại và tham gia hội nhập quốc tế của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

Những điểm chỉ ra ở trên phản ánh tư duy mới của Đảng ta về giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích quốc gia - dân tộc Việt Nam với các quốc gia trên thế giới trong tiến trình tham gia toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay. Tuy nhiên, xét trong tiến trình lãnh đạo cách mạng của Đảng ta, vấn đề lợi ích quốc gia - dân tộc Việt Nam đã được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định từ rất sớm, và thực tế, khi nào lợi ích quốc gia - dân tộc được đặt lên hàng đầu, mối quan hệ dân tộc và giai cấp được giải quyết nhuần nhuyễn thì khi ấy cách mạng thắng lợi và ngược lại.

Như chúng ta đã biết, động lực chủ đạo thúc đẩy, chi phối Hồ Chí Minh trên hành trình tìm đường cứu nước và đến với chủ nghĩa Mác - Lênin chính là tinh thần dân tộc và lợi ích dân tộc. Đối với Người, quyền lợi dân tộc chưa đòi được, thì “quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”(4). Vì vậy, khi thời cơ giải phóng dân tộc đến thì “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập”. Trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, Người đã viết: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Và thực tế, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, Người luôn giương cao ngọn cờ, chân lý của dân tộc và thời đại: Độc lập, tự do là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Lợi ích dân tộc đó, với Hồ Chí Minh, còn là cơ sở để phân biệt bạn - thù, tập hợp lực lượng: “Ai làm gì lợi ích cho nhân dân, cho Tổ quốc ta đều là bạn. Bất kỳ ai làm điều gì có hại cho nhân dân và Tổ quốc ta tức là kẻ thù. Đối với mình, những tư tưởng và hành động có lợi ích cho Tổ quốc, cho đồng bào là bạn. Những tư tưởng và hành động có hại cho Tổ quốc và đồng bào là kẻ thù”(5). Có thể nói, tôn chỉ và hành động của Người là suốt đời phấn đấu vì quyền lợi dân tộc, hạnh phúc của nhân dân.

Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, trong thực tiễn 86 năm từ khi ra đời đến nay, Đảng ta có được thành công trong lãnh đạo cách mạng Việt Nam, trước hết và chủ yếu là do Đảng đã nhập thân vào dân tộc, hi sinh vì lợi ích dân tộc và đem lại độc lập, thống nhất đất nước.

Nhìn trong lịch sử, chúng ta thấy, quyền lợi quốc gia - dân tộc luôn được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao. Hiện nay, trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, Đảng ta khẳng định “phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết”. Đó không chỉ là bài học rút ra qua 30 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, mà còn là vấn đề có tính quy luật của quá trình nhận thức và đổi mới tư duy của Đảng ta trong lãnh đạo đất nước.

Như vậy, Đại hội XII của Đảng thành công rất tốt đẹp trên nhiều phương diện, trong đó có thành công về văn kiện Đại hội. Đúng như lời khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khi bế mạc Đại hội: Các văn kiện Đại hội XII đã tiếp tục khẳng định, hoàn thiện quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng ta trên cơ sở vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tiếp thu những kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện nước ta.

-----------------------------------

(1) Các trích dẫn văn kiện Đại hội XII của Đảng trong bài viết đều được lấy từ Báo Nhân dân điện tử, ra ngày 25-3-2016.

(2) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 12, tr.403.

(3) Thông báo Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

(4) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 7, tr.113.

(5) Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tập 6, tr.18.

ThS. NGUYỄN VĂN ÐẠO Giảng viên Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Khu vực II

tin khác

Thông báo