Thứ Năm, ngày 5 tháng 12 năm 2024

Cách mạng tháng Tám và bài học lịch sử về giữ chính quyền

“Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền khó hơn” là tổng kết thiên tài của Lênin - là sự phát hiện một nguyên lý phổ quát. Phải chăng, sau thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, Việt Nam đã phải vượt qua những thử thách, khó khăn hơn rất nhiều để giữ vững chính quyền cách mạng và bảo vệ nền độc lập cho đến ngày nay?

Tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” thể hiện rõ từ thực tế từ sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công: nền độc lập của Việt Nam chưa được quốc tế công nhận giữa lúc có hơn 30 vạn quân của 4 nước đồng minh đang kéo vào, trong đó quân Pháp và quân Tưởng đều có âm mưu thủ tiêu chính quyền cách mạng. Lực lượng Việt Minh chỉ có khoảng 8 vạn người với vũ khí thô sơ. Một nửa số bộ trong Chính phủ lâm thời nằm trong tay hai đảng đối lập do nước ngoài chi phối (Việt quốc, Việt cách). Ngân khố quốc gia cạn kiệt, hậu quả của nạn đói làm chết hơn hai triệu người năm 1945 chưa khắc phục xong, 90% dân mù chữ, năng suất nông nghiệp quá thấp (khoảng 12 tạ/ha)... Đó là những khó khăn to lớn và chồng chất trên vai chính quyền non trẻ. Nếu chỉ so sánh tương quan lực lượng vật chất thì chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thực sự đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn trong một thời gian ngắn.

Mặt khác, trước tình thế hiểm nghèo, Việt Minh buộc phải nhượng bộ mềm dẻo nhưng khôn ngoan là: chấp nhận cho quân Pháp ra miền Bắc thay thế quân Tưởng, nhằm loại bỏ được một kẻ thù, nhưng đồng thời lại nêu khẩu hiệu “Hoa - Việt thân thiện” nhằm phân hóa kẻ thù. Trong bối cảnh chính trị lúc đó, việc tuyên bố giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương đã che mắt được kẻ thù nhưng Đảng vẫn lãnh đạo cách mạng dưới danh nghĩa Việt Minh. Sự hợp tác với các đảng đối lập trong Chính phủ lâm thời đã làm giảm mâu thuẫn nội bộ dân tộc. Đối với thực dân Pháp, việc ký kết Hiệp định Sơ bộ (6-3) và Tạm ước (14-9) là sách lược kéo dài thời gian hòa hoãn để tranh thủ củng cố chính quyền, xây dựng lực lượng chuẩn bị cho cuộc đấu tranh lâu dài.

Lòng tin và sự ủng hộ của nhân dân dành cho Việt Minh là yếu tố quyết định mọi thắng lợi: hàng triệu người đã xuống đường ở Hà Nội, Sài Gòn đánh đổ chế độ cũ và chào mừng chính quyền cách mạng. Chỉ trong “Tuần lễ vàng”, các tầng lớp nhân dân đã quyên góp 370 kg vàng và 20 triệu đồng cho “Quỹ độc lập” và “Quỹ đảm phụ quốc phòng”. Toàn dân đã tích cực hưởng ứng phong trào thi đua sản xuất “diệt giặc đói” và góp lương thực nuôi quân. Đặc biệt là tinh thần phấn khởi tham gia phong trào bình dân học vụ - “diệt giặc dốt” và làm thay đổi hẳn nếp lạc hậu của thời thực dân, phong kiến. Từ khắp các vùng nông thôn, thành thị, trai tráng hăng hái tham gia du kích, tự vệ và tòng quân vào các đơn vị vệ quốc đoàn, tăng nhanh quân số lực lượng vũ trang, đủ sức bảo vệ chính quyền cách mạng.

Nếu ví tình thế cách mạng Việt Nam năm 1945 - 1946 như “ngàn cân treo sợi tóc” thì “sợi tóc” ấy có độ bền giữ được ngàn cân, vì đó là sự kết tinh của sách lược mềm dẻo, khôn khéo với lòng tin vững chắc của khối đại đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Trong năm 1946, Chính phủ Việt Nam đã hai lần hội đàm với Chính phủ Pháp và đã có nhượng bộ: chấp nhận là một quốc gia tự do trong Liên hiệp Pháp, nhưng thiện chí ấy đã bị khước từ nên nhân dân Việt Nam buộc phải đứng lên kháng chiến để bảo vệ độc lập. Như vậy nguồn gốc gây ra cuộc chiến tranh hoàn toàn thuộc về phía trách nhiệm của thực dân Pháp.

Trước ngày 19-12-1946, quân Pháp ở Hà Nội đã ba lần gửi “tối hậu thư” cho chính phủ Hồ Chí Minh đòi giải giáp các lực lượng tự vệ của Việt Minh và nắm quyền kiểm soát toàn bộ thành phố. Đó là giới hạn cuối cùng của sự nhượng bộ nên phía Việt Minh quyết định phát động cuộc kháng chiến. Trong lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông đàn bà không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, bất kỳ người già, người trẻ. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm. Không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”. Lời kêu gọi đó là mệnh lệnh chiến đấu đối với toàn dân Việt Nam, cũng là lời tuyên chiến với thực dân Pháp bằng ý chí quyết chiến của cả một dân tộc. Chiến sự bắt đầu nổ ra dữ dội ở các thành phố lớn.

Khi nói đến chiến tranh, ngoài ý chí phải so sánh tương quan sức mạnh từng mặt và sức mạnh tổng hợp. Về quân sự, quân Pháp lớn hơn Việt Minh nhiều lần cả về quân số và vũ khí. Ở nhiều nơi, chúng ta đã thành lập được một số đơn vị “Vệ quốc đoàn” nhưng còn lại là các đội tự vệ, du kích chưa qua huấn luyện quân sự. Nếu chỉ so sánh sức mạnh quân sự đơn thuần thì tương quan đó như là “trứng chọi với đá”, “châu chấu đá voi” nhưng so sánh “sức mạnh tổng hợp”, bao gồm tính chính nghĩa, tinh thần dũng cảm, trí thông minh và khát vọng độc lập tự do của cả một dân tộc, thì phía Việt Nam hơn hẳn vì có những chiến sĩ “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Lực lượng kháng chiến không chỉ có tinh thần chiến đấu dũng cảm mà còn có tài năng chỉ đạo chiến lược và chỉ huy chiến đấu, đó là đường lối chiến tranh nhân dân: kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện, tự lực cánh sinh… Thực chất đó là những kinh nghiệm trong lịch sử ngàn năm chống ngoại xâm của dân tộc đã có: trăm họ đánh giặc, toàn dân vi binh, lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít đánh nhiều, xây dựng ba thứ quân, chủ động tiến công, đánh vào lòng người… Quân và dân Việt Nam đã chấp nhận những hi sinh to lớn, làm suy yếu dần quân Pháp để cuối cùng giáng một đòn tiến công chiến lược quy mô lớn ở Điện Biên Phủ, buộc chúng phải ký kết hiệp định Genève năm 1954, giành lại độc lập cho một nửa đất nước.

Sau Hiệp định Genève, quá trình bảo vệ nền độc lập và thống nhất của nhân dân Việt Nam bước sang một giai đoạn mới với những khó khăn, thử thách lớn hơn gấp bội vì phải đối phó với kẻ thù mới là đế quốc Mỹ có tiềm lực kinh tế, quân sự lớn nhất thế giới và có chiến lược thực dân kiểu mới thâm độc hơn rất nhiều. Về tương quan lực lượng, người Mỹ đã xây dựng cho chính quyền miền Nam một đội quân mạnh nhất vùng Đông Nam Á, có đủ quân, binh chủng hiện đại với hàng chục sư đoàn cùng rất nhiều máy bay, tàu chiến, xe tăng, pháo binh… và xây dựng nhiều căn cứ quân sự lớn từ vĩ tuyến 17 trở vào. Phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa phải khắc phục hậu quả chiến tranh nặng nề, vừa phải chi viện cho cuộc đấu tranh ở miền Nam nên tiềm lực kinh tế, quốc phòng nhỏ hơn Mỹ rất nhiều. Riêng ở miền Nam, theo Hiệp định Genève, bên kháng chiến không được xây dựng chính quyền và quân đội.

Nhìn vào tương quan đó nhiều nước trên thế giới vô cùng lo ngại cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam và trên thực tế cuộc kháng chiến đó đã kéo dài 21 năm với nhiều tình thế hiểm nghèo mà quân và dân ta phải chịu đựng gian khổ hi sinh hết sức to lớn để vượt qua. Tình thế hiểm nghèo thứ nhất đến từ khi chính quyền Ngô Đình Diệm tiến hành “tố cộng, diệt cộng” với “luật 10/59” đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, khiến đến cuối năm 1959, lực lượng kháng chiến đã mất gần 90% số cán bộ đảng viên (chỉ còn lại hơn 5.000 người). Nhưng tình thế ấy đã làm bùng nổ cuộc Đồng khởi 1960 - 1961 và lực lượng kháng chiến thoát khỏi nguy cơ bị tiêu diệt.

Tình thế hiểm nghèo thứ hai đến từ khi Mỹ áp dụng “chiến lược chiến tranh đặc biệt” và chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện chương trình bình định “ấp chiến lược”, nhằm “tát nước bắt cá”, chúng đã kiểm soát được phần lớn nhân dân ở các vùng nông thôn bằng hàng rào dây thép gai khiến cho lực lượng kháng chiến khó khăn trầm trọng. Nhưng trong phong trào “phá ấp chiến lược, trở về làng cũ làm ăn” của quân và dân miền Nam đã làm phá sản chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ.

Tình thế hiểm nghèo thứ ba đến từ sau khi Mỹ áp dụng chiến lược “chiến tranh cục bộ”; cuối năm 1965, Mỹ đã đưa vào miền Nam 18 vạn quân để tiến hành “phản công chiến lược”. Đến cuối năm 1966, chúng tăng lên hơn 40 vạn quân cùng với hơn nửa triệu quân Sài Gòn mở cuộc phản công chiến lược lần thứ hai vào đầu năm 1967. Cũng trong thời kỳ này, Mỹ còn thực hiện chiến tranh phá hoại bằng không quân trên toàn lãnh thổ miền Bắc nhằm hạn chế sự chi viện cho miền Nam. Để đối phó với chiến lược của Mỹ, quân và dân hai miền Nam - Bắc đã phải chấp nhận những hi sinh rất to lớn mới bảo tồn được lực lượng kháng chiến.

Tình thế hiểm nghèo thứ tư đến từ sau cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968. Mỹ đã tận dụng tình thế ta bị tổn thất lực lượng, tăng quân lên hơn nửa triệu cùng với gần một triệu quân Sài Gòn tiến hành nhiều chiến dịch phản kích quyết liệt, đánh bật các đơn vị chủ lực của quân giải phóng, đồng thời đẩy nhanh chương trình “bình định đặc biệt”, kiểm soát phần lớn các vùng nông thôn ở miền Nam. Tình thế này kéo dài đến sau khi ta đánh bại âm mưu mở rộng chiến tranh ra toàn cõi Đông Dương của Mỹ và mở cuộc tiến công chiến lược 1972 chuyển thế tấn công về miền Nam.

Tình thế hiểm nghèo thứ năm đến từ cuộc tập kích quy mô lớn và bất ngờ của không quân Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng, đặc biệt vào cuối năm 1972. Mỹ đã sử dụng lực lượng hiện đại và lớn chưa từng thấy vào một chiến dịch. Để bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng, quân và dân Việt Nam phải chịu thiệt hại rất lớn với hàng ngàn người thiệt mạng, nhiều cơ sở vật chất của ta bị phá hủy. Nhưng bằng chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, Mỹ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán với tư thế kẻ bại trận và phải chấp nhận ký Hiệp định Paris năm 1973 và rút hết quân về nước.

Từ đây, ta dần phản công và giành thế chủ động trên chiến trường. Đến đầu năm 1975, thế và lực cả trên chiến trường và về chính trị, ta gần như giành ưu thế hoàn toàn. Ưu thế nhanh chóng chuyển thành cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đánh đổ chế độ Sài Gòn, giành độc lập trọn vẹn, non sông thu về một mối.

*

“Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền khó hơn” hiểu theo nghĩa rộng là “Giành lại độc lập đã khó, giữ vững độc lập, chủ quyền khó hơn”. Bài học ấy không chỉ ứng nghiệm từ Cách mạng tháng Tám đến nay mà còn trong suốt chiều dài lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam. Nếu chỉ ca ngợi các chiến thắng đánh bại các thế lực hùng mạnh của phương Bắc như: Tống, Nguyên, Minh, Thanh… thì sẽ coi nhẹ một thực tế quan trọng hơn là các triều đại phong kiến dù giành được độc lập bằng những chiến công rất hiển hách nhưng sau đó lại tha hóa nên lại để mất nước và lại phải tốn rất nhiều xương máu của các thế hệ sau mới giành lại được. Không thể để cho sự lặp lại ấy như những “chu kỳ định mệnh”. Phải chăng dòng lịch sử bi hùng ấy tự nó là bài học “thời cơ để kẻ thù xâm lược là khi ta tự yếu đi chứ không phải lúc chúng mạnh hơn” vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay và cho muôn đời sau.

TS. NGUYỄN HỮU NGUYÊN

tin khác

Thông báo