Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Xử lý căn cơ các sai phạm về đăng kiểm

Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Nguyễn Văn Thắng

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 8/6, Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng tiếp tục trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực GTVT.

Trước đó, khi trả lời ĐB Trần Thị Kim Nhung (Quảng Ninh) rằng, việc thiếu hụt nhân viên đăng kiểm gây khủng hoảng trong công tác đăng kiểm có một phần trách nhiệm của Bộ GTVT khi không chủ động, chưa kịp thời phối hợp với các cơ quan để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng cho rằng, ngay từ khi nhận công tác đã có nỗ lực nghiên cứu, điều chỉnh lại các quy định đăng kiểm cho phù hợp với thông lệ quốc tế, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân.

Hiện Bộ GTVT đang triển khai khắc phục, khôi phục hoạt động đăng kiểm, đồng thời rà soát lại toàn bộ hoạt động đăng kiểm để đảm bảo yêu cầu hiện đại, thông thoáng, chặt chẽ. Trong đó, bộ cũng đang tập trung tuyển dụng, đào tạo cán bộ đăng kiểm, để có đủ lực lượng bố trí trở lại tất cả các trung tâm đăng kiểm (TTĐK) để tất cả dây chuyền đăng kiểm khi có đủ lực lượng sẽ trở lại hoạt động bình thường. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát chặt chẽ, giảm thiểu tối đa việc kiểm định thủ công, đồng thời thực hiện việc đăng ký, đăng kiểm qua mạng, thanh toán chuyển khoản.

ĐB Trần Thị Kim Nhung (Quảng Ninh) tranh luận cho rằng, Bộ trưởng chưa làm rõ có hay không sự chậm trễ của Bộ GTVT trong việc chủ động đưa ra hoặc phối hợp với các cơ quan, bộ ngành địa phương về phương án ứng phó thay thế, tạm dừng hoạt động TTĐK trong trường hợp thiếu đăng kiểm viên. ĐB cho rằng, đây không phải là sự cố bất thường, thiên tai, thảm họa, mà có sự chủ động của cơ quan hữu quan.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng tái khẳng định đây là điều rất đáng tiếc, là “sự cố đau xót” đối với lĩnh vực đăng kiểm nói riêng, ngành GTVT nói chung. Bộ GTVT đã tích cực phối hợp với ngành công an để xử lý.

Bộ trưởng cho biết thêm, trong công tác điều tra, khởi tố vụ án, khởi tố, bắt giam bị can do công an các địa phương thực hiện, không phải là Bộ Công an. Về nguyên tắc điều tra, công an không trao đổi trước với Bộ GTVT. Do vậy, với tinh thần khi xảy ra ở đâu, Bộ GTVT trực tiếp trao đổi, báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an để có phương án giải quyết. Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Bộ Công an tạo điều kiện, việc thu giữ máy móc, thiết bị và tài liệu niêm phong để phục vụ cho công tác điều tra có thể làm sớm, làm nhanh, sau đó bàn giao lại cho trung tâm kiểm để để Cục Đăng kiểm tiếp quản và bố trí lực lượng.

Quốc hội sáng 8/6 Quốc hội sáng 8/6

Nhưng 75% TTĐK là của tư nhân, nên không thể khôi phục sớm ngay được. Trong mỗi TTĐK thì đăng kiểm viên bậc cao cũng không thể thay thể ngay được, lực lượng bị khởi tố, bắt giam ở các TTĐK chủ yếu là nhân lực chủ chốt, đăng kiểm viên bậc cao, thường mỗi trung tâm chỉ có một người và thường giữ vai trò lãnh đạo của trung tâm. Thời gian đào tạo đăng kiểm viên không ngắn. Đó là lý do không thể khôi phục các TTĐK sớm. Đến giờ phút này, cơ bản đã giải quyết được tình hình (cả nước chỉ còn 2 tỉnh chưa mở lại TTĐK).

Về trách nhiệm, ngay từ đầu lãnh đạo Bộ GTVT đã trực tiếp chỉ đạo khi xảy ra các vụ việc tại các trung tâm đăng kiểm về các giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Ngày 7/6, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành Nghị định sửa đổi 139 liên quan về đăng kiểm, như vậy các điều kiện liên quan đến hoạt động của Trung tâm đăng kiểm cơ bản được đảm bảo. Chỉ còn vấn đề giá dịch vụ đăng kiểm thì tới đây sẽ được giải quyết khi Quốc hội xử lý Luật giá.

Bộ trưởng cũng cho biết, Nghị định 139 có nhiều điểm mới, tách bạch chức năng quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ, theo đó Cục Đăng kiểm chỉ quản lý nhà nước chung, còn phân cấp các dịch vụ đăng kiểm về cho các địa phương.

Đại biểu Trần Anh Tuấn - TPHCM Đại biểu Trần Anh Tuấn - TPHCM

ĐB Trần Anh Tuấn (TPHCM) chất vấn hiện hai tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương và TPHCM - Long Thành thường xuyên quá tải, tắc nghẽn, đặc biệt những ngày cuối tuần, đề nghị Bộ trưởng cho biết kế hoạch mở rộng hai tuyến này trong thời gian tới. Trả lời, Bộ trưởng cho biết, về tuyến cao tốc TPHCM – Trung Lương, Bộ GTVT đang chuẩn bị đầy đủ các nội dung để trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 về phương án đầu tư.

Đối với tuyến TPHCM – Long Thành do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư khai thác. Hiện VEC đang cùng Ủy ban Quản lý vốn và phối hợp với Bộ GTVT để trình Thủ tướng Chính phủ về vấn đề liên quan đến tái cơ cấu VEC, đặc biệt là đến vấn đề sử dụng các nguồn vốn tự có để đầu tư các dự án (nếu tài chính của VEC đảm bảo thì mới làm được). Thực tế VEC, đã có công văn gửi cho Bộ GTVT và Chính phủ xin được tiếp tục đầu tư mở rộng tuyến này.

ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM) cũng chất vấn dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành được phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2010, dự kiến hoàn thành vào năm 2022. ĐB đề nghị Bộ trưởng thông tin về tiến độ và cam kết thời gian hoàn thành của dự án này.  Trả lời, Bộ trưởng cho biết, dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành bị chậm trễ do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) khó khăn, dẫn tới các nguồn vốn vốn JICA (Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản), ADB không giải ngân được, khi hiệp định với ADB hết hạn thì không gia hạn được.

Để tháo gỡ, Bộ GTVT phối hợp với Ủy ban quản lý vốn và VEC để trình Quốc hội, Chính phủ tháo gỡ vấn đề tài chính cho VEC. Tới nay, các vướng mắc đã được giải quyết. Với nguồn JICA đã được Quốc hội giao, vốn đối ứng cũng được Chính phủ thống nhất chủ trương giao cho VEC. Tới nay các nhà thầu đã triển khai thi công trở lại. Hiện nay nguồn vốn đối ứng được giải quyết thì tuyến này sẽ tiếp tục bắt tay xây dựng.

Trả lời chất vấn ĐB Nguyễn Văn Thuận (Ninh Thuận) về vấn đề xây dựng các trạm dừng nghỉ ở các tuyến cao tốc, Bộ trưởng cho biết, sắp tới sẽ đấu thầu quyền khai thác 8 trạm dừng nghỉ. Bộ trưởng cam kết trước Quốc hội để khi hoàn thành các tuyến đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 sẽ có các trạm dừng nghỉ theo đúng quy hoạch. 

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo