Thứ Bảy, ngày 7 tháng 12 năm 2024

Vở kịch “Đồng chí” khai diễn Liên hoan Sân khấu TPHCM lần I

Buổi thi vở kịch Đồng chí nhận được sự cổ vũ của đông đảo khán giả

(Thanhuytphcm.vn) - Sau lễ khai mạc (12/11), vào tối 13/11, tại Nhà hát Kịch sân khấu Nhỏ (5B Võ Văn Tần), Hội Sân khấu TPHCM đã dự thi Liên hoan Sân khấu TPHCM lần I với vở kịch Đồng chí (kịch bản: Lê Thu Hạnh, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu - Quốc Thịnh).

Đồng chí là kịch bản đạt giải A từ Trại sáng tác kịch bản Hội Sân khấu TPHCM năm 2024 với sự đồng thuận cao của hội đồng nghệ thuật.

NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, cũng là đồng đạo diễn của vở kịch Đồng chí, đặc biệt đánh giá cao tính tư tưởng của vở: sự xung đột về lý tưởng, lối sống, cách nghĩ của các thế hệ trong gia đình mà rộng ra là cả xã hội. Càng đáng suy ngẫm hơn khi vấn đề xung đột đó gói gọn trong 2 chữ “đồng chí”. Có sự khác nhau như thế nào trong cách hiểu về từ “đồng chí” giữa thời chiến và thời bình, giữa những người thuộc các thế hệ khác nhau, hay thụ hưởng môi trường giáo dục, đời sống khác nhau?

Tác giả Lê Thu Hạnh đã đặt 1 vấn đề lớn của thời đại vào 1 gia đình cụ thể với 3 thế hệ cùng tham gia phục vụ trong quân đội. Người sau noi gương người trước và xem đó là thần tượng mẫu mực. Người đi trước chỉ muốn dành những gì tốt đẹp nhất cho người đi sau và xem đó là niềm tự hào của mình. Nhưng trước những “viên đạn bọc đường” thì có người đã gục ngã và kéo theo sự sụp đổ niềm tin, lý tưởng của những người còn lại.

Trong vở, cả 3 nhân vật: người ông - một cựu chiến binh trọn đời kiên trung với lý tưởng cách mạng, người cha - một sĩ quan làm kinh tế quân đội “tự tha hóa, tự diễn biến”,  hay người con - một tân binh luôn nhìn ông và cha bằng đôi mắt ngưỡng mộ đều có những quan điểm, lý lẽ riêng cho sự lựa chọn của mình và đều tự vấn, trăn trở xem mình đã làm đúng hay chưa. Trong quá trình đối diện với chính mình đó, nếu có được sự ủng hộ, sẻ chia đúng cách từ những người thân yêu, từ đồng đội thì phải chăng con người không dễ sa ngã? Ngược lại, sự im lặng thỏa hiệp trước cái sai của những người bên cạnh đã góp phần đẩy ngã những kẻ thiếu vững vàng.

Tham gia trong vở, ngoài nghệ sĩ Chánh Trực có nhiều kinh nghiệm trong các tác phẩm đề tài truyền thống cách mạng thì còn lại đều là diễn viên trẻ, ít khi tiếp xúc đề tài này. Lần đầu thể hiện hình tượng một cựu chiến binh, nghệ sĩ Quốc Thịnh không tránh khỏi áp lực, nhưng anh rất thích và đồng cảm với những nỗi niềm của ông Trung – một người lính kiên trung, cả đời liêm khiết lại phải chạy đôn chạy đáo nhờ vả khắp nơi mong “cứu” được con mình trước những sai phạm. Một câu chuyện tưởng như khô khan nhưng lại rất đời và có thể nhìn thấy trong nhiều gia đình xung quanh, thậm chí trong chính gia đình mình.

Đồng chí có sự tham gia của các diễn viên: Quốc Thịnh, Chánh Trực, Trọng Hiếu, Kỳ Thiên Cảnh, Lâm Thắng, Đặng Phương Trâm, Khánh Đăng, Quốc Cường, Minh Quốc, Huỳnh Phương.

Minh Khang


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo