Thứ Hai, ngày 17 tháng 6 năm 2024

Tưởng niệm để nhắc nhớ…

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 19/11/2021, gần như đồng loạt các báo điện tử của TPHCM và cả nước đã chuyển giao diện từ nhiều màu sắc trở thành hai màu đen trắng. Đó là một trong những việc làm cụ thể tham gia hoạt động tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Covid-19. Từ những ngày trước, nhiều người dùng mạng xã hội đã thay đổi ảnh đại diện (avatar) hoặc đưa các cập nhật, trạng thái (status) về hoạt động tưởng niệm với ánh nến, với biểu tượng trái tim, với những bàn tay ở cạnh nhau…

Gần nửa năm diễn ra đại dịch, cả nước có khoảng 23.400 người đã ra đi, trong đó hơn 17.000 người ở TPHCM. Có lẽ từ sau chiến tranh, nước ta chưa bao giờ có sự tổn thất về nhân mạng nhiều đến như vậy. Nỗi đau đó không có gì đong đếm được, cũng rất khó có thể sẻ chia và có khi còn dai dẳng đến nhiều năm. Nỗi đau đó còn gắn với nhiều hậu quả khác của từng cá nhân, từng gia đình và cả xã hội, khiến điều chúng ta “gọi vui” là “năm Covid thứ hai” có thể sẽ còn đọng lại rất sâu trong nhiều người.

Nỗi đau đó có liên quan trực tiếp đến rất nhiều vấn đề của xã hội như sụt giảm tăng trưởng kinh tế, tác động tiêu cực đến nhận thức, lối sống, khủng hoảng niềm tin…, có thể không chỉ với một bộ phận người có liên quan mà còn của rất nhiều người trong xã hội. Nỗi đau đó đã bộc lộ ra những hạn chế, thiếu sót, yếu kém của nhiều vấn đề, nhiều trạng thái của xã hội, từ việc giáo dục ý thức của người dân đến việc tổ chức các hoạt động khẩn cấp, xây dựng bộ máy… Nỗi đau đó hẳn còn liên quan đến chuỗi dịch diễn ra trên toàn thế giới trong suốt gần 2 năm qua với hàng triệu người tử vong, để thấy rằng trong thế giới phẳng, vận mệnh của từng quốc gia - dân tộc luôn gắn liền với nhau, để cùng nhau có trách nhiệm với các vấn đề của nhân loại.

Trong nỗi đau tột cùng ấy, chúng ta vẫn thấy có rất nhiều điều lấp lánh. Đó là tinh thần đoàn kết, sẻ chia chí tình chí nghĩa của người dân trong cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài, không chỉ bằng vật chất mà còn sự động viên, đồng hành, san sẻ. Đó là tinh thần tương thân tương ái, nhân văn được nêu cao hơn bao giờ hết với rất nhiều hành động, nghĩa cử, thấm đẫm tình đất nước, nghĩa đồng bào. Đó là sự cộng đồng trách nhiệm của mọi người dân, của tất cả các lực lượng, để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình, xã hội và từ đó làm bật lên trách nhiệm chung của Việt Nam đối với thế giới trong cuộc chiến chống Covid-19. Đó là sự hy sinh, xả thân, tận tụy của các lực lượng, nhất là các đội ngũ ở tuyến đầu, là các y bác sĩ, là lực lượng vũ trang, là nhiều cán bộ công chức, là các tình nguyện viên…

Đó là sự điều chỉnh rất nhanh chóng, kịp thời trong việc thực hiện các giải pháp phòng chống dịch nói riêng và trong quản lý, điều hành xã hội nói chung, với sự lắng nghe, sự bám sát thực tiễn, sự linh hoạt trong xử lý tình huống và trên hết là tinh thần “vì sức khỏe nhân dân là trên hết, trước hết”, “không ai bị bỏ lại phía sau”…

Tưởng niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống là một dịp để nhắc nhớ tất cả chúng ta về rất nhiều điều cần suy nghĩ và hành động ngay trước mắt cũng như về lâu dài. Có những việc rất cụ thể và gắn với từng cá nhân, như ý thức về việc tự bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bản thân gắn với bảo vệ và chăm sóc sức khỏe gia đình, cộng đồng; hay điều chỉnh lối sống, hành vi cho phù hợp với các biến động của xã hội; hoặc có thái độ trách nhiệm hơn với các vấn đề của cộng đồng bởi bản thân không thể tách rời với cộng đồng, xã hội… Có những việc mang tính gợi mở cho nhiều người trong suy nghĩ và hành động, như cách ứng xử của chúng ta với các khủng hoảng, cách hành xử trong những điều kiện thay đổi khác nhau của cuộc sống, sự tham gia của mỗi người ra sao trước các thảm họa… Có những việc thuộc vấn đề quản lý rủi ro ở tầm vĩ mô, như công tác xây dựng nền y tế gắn với những tình huống thảm họa, việc củng cố chính quyền cơ sở, nhất là với “cánh tay nối dài” ở tổ dân phố/tổ nhân dân, khu phố/ấp, hay việc thích ứng, điều chỉnh như thế nào trước các biến động nhanh chóng và khó lường của điều kiện khách quan…

Không chỉ vậy, tưởng niệm là dịp để tất cả chúng ta cùng tri ân sự hy sinh, những đóng góp của đồng bào, y bác sĩ, chiến sĩ, cán bộ công chức, các tình nguyện viên… đã xả thân để bảo vệ từng vùng xanh, giữ an toàn từng người, giành giật từng mạng sống… Chúng ta cũng tri ân sự sẻ chia, giúp đỡ chí tình của bà con trong khu phố với nhau, của người dân trong từng địa phương, của đồng bào ở các địa phương khác đã hành động theo phương châm “một địa phương gọi cả nước trả lời”. Chúng ta càng không quên sự ủng hộ, đồng hành của cộng đồng quốc tế, các tổ chức, các quốc gia, các cá nhân đã ủng hộ Việt Nam không chỉ bằng những liều vaccine, những thiết bị y tế, những khoản viện trợ… mà còn bằng cả tấm lòng.

Bước qua bóng tối, vượt qua nỗi đau, chúng ta sẽ càng mạnh mẽ hơn, vững vàng hơn, tự tin hơn. Chúng ta không mong muốn có những thảm kịch khác nhưng dẫu có điều gì không hay khác xảy ra chắc chắn chúng ta sẽ ứng phó tốt hơn, để bảo vệ cho sự bình yên của mỗi người dân hiệu quả hơn.

Và dĩ nhiên, không chỉ có các hoạt động tưởng niệm trong ngày 19/11 này mà ở rất nhiều ngày khác, rất nhiều dịp khác, chúng ta cũng sẽ luôn nhắc nhớ về những ngày diễn ra dịch Covid-19 với những tang thương, mất mát mà đâu đó vẫn có những điểm sáng lung linh. Nhìn về đau thương và điểm sáng để mỗi chúng ta thấy rằng trong bi kịch ta vẫn luôn tìm thấy những điều có ích, những bài học, để sự mất mát kia luôn có ý nghĩa, không chỉ trong ngày hôm nay, năm nay mà mãi đến những ngày sau!

Trúc Giang


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo