Xây dựng bảng giá đất thận trọng
Tại chương trình, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM Nguyễn Toàn Thắng thông tin, sau khi Luật Đất đai năm 2024 được Quốc hội thông qua, điều chỉnh thời gian có hiệu lực (từ ngày 1/8/2024), UBND TPHCM đã có Kế hoạch số 1754 ngày 21/5/2024 để triển khai đồng bộ, kịp thời trên toàn địa bàn TP. Các đơn vị liên quan đã thông tin những điểm mới, những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ công dân được quy định…
Nhấn mạnh điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 là có quy định chi tiết việc tách thửa, hợp thửa, đồng chí Nguyễn Toàn Thắng cho biết, đối với nội dung tách, hợp thửa đất; hạn mức công nhận đất ở, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ trình ban hành trong tháng 8/2024.
Trao đổi về việc xây dựng bảng giá đất, đồng chí Nguyễn Toàn Thắng cho rằng, nội dung tác động nhiều người dân, các đối tượng, vì vậy TP làm hết sức thận trọng. TP tổ chức các hội nghị lắng nghe tiếp thu các ý kiến. Sở đã trình Hội đồng thẩm định Bảng giá đất TP vào ngày 30/7/2024. Sau khi Hội đồng thẩm định thông qua, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp thu, hoàn chỉnh, trình Sở Tư pháp thẩm định để UBND TP ban hành Quyết định.
Các đại biểu tham dự chương trình Liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Huỳnh Thanh Khiết cho biết, đây là công tác đã và đang được chính quyền TP hết sức quan tâm, chỉ đạo quyết liệt để các cơ quan liên quan kịp thời triển khai nhanh chóng, nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng. Ngoài việc vừa phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong khu vực giải tỏa (phải có nguồn nhà tái định cư trước để người dân lựa chọn), hạn chế thấp nhất khiếu nại, tố cáo của người dân, công tác tái định cư còn thể hiện quyết tâm chính trị, trách nhiệm của Đảng bộ và chính quyền TP đối với người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án chỉnh trang đô thị, góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Trong đó, theo khoản 6 Điều 91 Luật Đất đai năm 2024 quy định: “UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư để bảo đảm chủ động trong việc bố trí tái định cư cho người có đất thu hồi. Việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư phải được hoàn thành trước khi có quyết định thu hồi đất”.
Tại chương trình, đại diện Sở Kế hoạch – Đầu tư TPHCM cũng đã trả lời câu hỏi của cử tri về việc Luật Đất đai năm 2024 có nhiều thay đổi liên quan đến chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng của các dự án, TP đã chuẩn bị nguồn lực, kinh phí như thế nào cho các dự án khi thực hiện theo quy định của Luật Đất đai? Theo Sở kế hoạch – Đầu tư, để tạo sự thuận lợi trong quá trình triển khai dự án, có thêm sự đồng thuận của người dân trong quá trình thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hạn chế việc khiếu kiện, khiếu nại, nguy cơ làm phát sinh điểm nóng khi thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, đối với các dự án dự kiến sẽ triển khai công tác bồi thường trong quý 2 năm 2024 (theo dự kiến kế hoạch thực hiện dự án được xây dựng đầu năm 2024), UBND TP đã chỉ đạo nghiên cứu, cập nhật bổ sung các chính sách mới theo quy định để có phương án bồi thường giải phóng mặt bằng phù hợp.
Để chuẩn bị tốt cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng được áp dụng theo quy định của Luật Đất đai năm 2024, UBND TP đã chỉ đạo các sở, ngành, các đơn vị liên quan tổ chức rà soát nhu cầu phát sinh tăng vốn chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khi áp dụng quy định (sau ngày 1/8/2024).
Qua rà soát sơ bộ, Sở Kế hoạch và Đầu tư nhận thấy một số dự án có tăng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng nhưng vẫn nằm trong chi phí dự phòng của dự án, do đó, không phát sinh thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư. Để cân đối bổ sung vốn bồi thường giải phóng mặt bằng cho các dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã chủ động thực hiện, đánh giá khả năng giải ngân của các dự án được bố trí kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025, dự kiến sẽ ưu tiên bố trí vốn cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng bằng cách điều chuyển vốn của các dự án có tiến độ giải ngân thấp, hoặc có vướng mắc về các thủ tục có liên quan chưa thể triển khai ngay.
Đảm bảo được quyền lợi, nghĩa vụ của người dân
Liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đồng chí Nguyễn Toàn Thắng chia sẻ, theo Luật Đất đai năm 2024, cá nhân, hộ gia đình được giao đất không đúng thẩm quyền trước ngày 15/10/1993 đến nay không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại Khoản 1 Điều 140 Luật Đất đai 2024. Các trường hợp sử dụng đất sau ngày 15/10/1993 đến trước ngày 01/7/2014 do được giao đất không đúng thẩm quyền khi cấp Giấy chứng nhận phải phù hợp quy hoạch. Đối với trường hợp có nhà tạm trước thời điểm 01/7/2006 đang không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định tại Khoản 2 Điều 148.
Đối với thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp lên đất ở theo Luật Đất đai mới, đại diện Sở Tài nguyên – Môi trường TP cho biết, theo Khoản 5 Điều 116 Luật Đất đai năm 2024, thì việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trong khu dân cư, đất nông nghiệp trong cùng thửa đất có đất ở sang đất ở hoặc chuyển mục đích sử dụng các loại đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân chỉ căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt mà không cần phải đăng ký vào Kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện.
Trước câu hỏi của cử tri khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, hộ gia đình, cá nhân có đất nông nghiệp bị thu hồi nếu có đủ điều kiện bồi thường thì có thể được bồi thường bằng nhà ở không? Đại diện Sở Tài nguyên – Môi trường cho biết, khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp nếu đáp ứng đủ các điều kiện bồi thường theo quy định thì có thể được bồi thường bằng nhà ở.
Phát biểu tại chương trình, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, trong quá trình TPHCM tham gia, sửa đổi bổ sung Luật Đất đai năm 2024 có sự đóng góp rộng rãi các tầng lớp nhân dân các tổ chức chính trị - xã hội, các chuyên gia, các nhà khoa học, hiệp hội... giúp TP có tổng hợp, kiến nghị trên cơ sở thực tiễn của TP trên cơ sở triển khai Luất Đất đai năm 2013 và các văn bản dưới Luật để có tổng kết, đánh giá, xây dựng Luật Đất đai 2024. Quá trình ban hành, TP nhận thấy sự thống nhất, khả thi và phù hợp yêu cầu thực tiễn và sự cần thiết triển khai Luật Đất đai năm 2024 để giải phóng nguồn lực đất đai TP, tạo thêm động lực mới trong quá trình phát triển cũng như tạo được môi trường kinh doanh thuận lợi, đồng bộ phục vụ cho nhân dân, doanh nghiệp.
Đồng chí Bùi Xuân Cường và các khách mời tham gia chương trình Theo đồng chí Bùi Xuân Cường, UBND TP hết sức chủ động tổ chức triển khai Luật Đất đai năm 2024. Để triển khai cụ thể, ngoài luật, các nghị định, thông tư, TP chuẩn bị ban hành 14 văn bản dưới Luật, trong đó 13 văn bản thuộc quyền của UBND TP và 1 văn bản thuộc thẩm quyền của HĐND TP. Các bước thực hiện vừa qua đã theo đúng các trình tự, thủ tục trong ban hành có văn bản quy phạm pháp luật, lấy ý kiến để triển khai, có nhiều nội dung thời gian qua, nhất điều chỉnh bảng giá đất của TP được người dân và doanh nghiệp quan tâm trong quá trình triển khai các nội dung. “Để đảm bảo triển khai Luật Đất đai năm 2024, mục tiêu chính là đảm bảo quyền, nghĩa vụ của người dân trong quá trình triển khai, TP xác định khi tổ chức triển khai luôn luôn có sự lắng nghe và có sự điều chỉnh, tham mưu ban hành kịp thời trong quá trình triển khai” – đồng chí Bùi Xuân Cường nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường cũng đã trao đổi một số nội dung cần tiếp tục quan tâm trong thời gian tới qua các ý kiến tại chương trình như: bồi thường, tái định cư; việc tách thửa, hợp thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; cấp giấy chứng nhận sử dụng đất và tài sản trên đất; nhóm thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai...
Liên quan bảng giá đất áp dụng từ 1/1/2026 được xây dựng theo trình tự Luật Đất đai năm 2024, đồng chí Bùi Xuân Cường thông tin, nội dung này được chuẩn bị kỹ lưỡng. Đối với quá trình xây dựng điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất có nội dung, trong đó đã lấy ý kiến của người dân; Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM và Ban Dân vận Thành ủy đã tổ chức lấy ý kiến phản biện.
Hiện Ban Tuyên giáo Thành ủy tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi đông đảo người dân, doanh nghiệp,... Đầu tuần tới sẽ có báo cáo đại biểu HĐND TP trước khi báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy; trên cơ sở đó có định hướng thời gian tới, đảm bảo mục tiêu phù hợp các quy định Luật Đất đai năm 2024, áp dụng từ 1/8/2024 (trong bảng giá đất không tính hệ số) và đúng với tinh thần khoản 1, Điều 257, phù hợp tình hình thực tiễn địa phương trong quá trình triển khai và tháo gỡ các vấn đề phát sinh, ví dụ nghĩa vụ tài chính của người dân sau 1/8/2024 sẽ thực hiện theo bảng giá nào? “Hiện nay không chỉ có TP mà các địa phương khác cũng gặp vướng mắc. TP đã chuẩn bị văn bản để báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên – Môi trường, Bộ Tài chính để tháo gỡ nội dung này” – đồng chí Bùi Xuân Cường cho hay.
Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường cũng thông tin thêm, TP đang triển khai đồng bộ, kịp thời quy định Luật Đất đai năm 2024 và các quy định pháp luật khác liên quan về quy hoạch, xây dựng, nhà ở, đầu tư công… đảm bảo đồng bộ, đảm bảo được quyền lợi, nghĩa vụ của người dân và trách nhiệm của chính quyền.