Thứ Ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024

TPHCM tiếp tục đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp dạy học theo hướng phát huy năng lực, phẩm chất của người học

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn (đứng) phát biểu khai mạc tại buổi làm việc

(Thanhuytphcm.vn)- Sáng 27/3, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội làm trưởng đoàn giám sát làm việc tại TPHCM về thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.  Tham gia cùng đoàn có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh.

Tiếp đoàn giám sát, lãnh đạo TPHCM có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM Phan Văn Mãi; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ.

Tập trung đánh giá đổi mới phương pháp giáo dục; đổi mới sách giáo khoa

Phát biểu định hướng tại buổi giám sát, đồng chí Trần Thanh Mẫn cho rằng, trong năm 2023, Quốc hội quyết định thực hiện 4 chuyên đề gồm:"Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng"; "Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030"; "Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông" và "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”.

Riêng chuyên "Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông" và "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giám sát.

Theo đồng chí Trần Thanh Mẫn, TPHCM là địa bàn tập trung dân cư đông, địa bàn rộng. Bên cạnh đó, là địa bàn triển khai các cơ chế mới, chính sách mới của Trung ương.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn đề xuất TP tập trung đánh giá chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhất là đổi mới phương pháp giáo dục; đổi mới sách giáo khoa; nâng cao việc dạy, học, thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất, thiết bị…thời gian qua chưa đáp ứng được yêu cầu mong mỏi của người dân nói chung. Bên cạnh đó, đổi mới chất lượng giáo dục và kinh phí thực hiện chương trình của TP…

Cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu của chương trình mới

Báo cáo với đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết, trong 3 năm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, đối với đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được triển khai thực hiện đúng lộ trình, bám sát chủ trương đổi mới giáo dục và các văn bản chỉ đạo của các cấp. Quá trình triển khai thực hiện nghiêm túc, đảm bảo theo hướng dẫn chuyên môn của Sở giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) TP.

Đồng thời, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, phù hợp nhu cầu sử dụng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cơ bản đáp ứng yêu cầu của chương trình mới. Theo đó, trong giai đoạn trung hạn 2016-2020, ngân sách TP đã đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng được 415 dự án với 7.478 phòng học, kinh phí đầu tư 25.788 tỷ đồng; năm 2020 đưa vào sử dụng 1.371 phòng học mới với kinh phí 4.575 tỷ đồng, năm 2021 đưa vào sử dụng 801 phòng học mới với kinh phí 2.277 tỷ đồng. Đến nay, tỷ lệ học 2 buổi/ngày đối với tiểu học là 74,1%, đối với trung học cơ sở là 63,2%, đối với trung học phổ thông là 95,3%.

Theo đồng chí Dương Anh Đức, việc triển khai đồng bộ, phát huy tính chủ động, sáng tạo, sự phối hợp có trách nhiệm giúp nâng cao hiệu quả trong tổ chức triển khai chương trình giáo dục phổ thông; chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch truyền thông về đổi mới chương trình này nhằm tuyên truyền, định hướng các chủ trương, chính sách mới về giáo dục; chủ động xử lý các vấn đề truyền thông tại nhà trường; nâng cao việc phân tích và xử lý thông tin để đáp ứng yêu cầu truyền thông của ngành GD-ĐT; đẩy mạnh truyền thông về nội dung, giải pháp, lộ trình và điều kiện thực hiện nhiệm vụ giáo dục trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp để tạo sự đồng thuận giữa nhà trường, gia đình và xã hội.

Đối với đổi mới phương pháp dạy học, đồng chí Dương Anh Đức cho biết, TP tiếp tục đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp dạy học theo hướng phát huy năng lực, phẩm chất của người học. Giáo viên tích cực, thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên môn trong tổ, nhóm chuyên môn, hạn chế nội dung tính hành chính trong sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn, giáo viên có nhiều hoạt động trao đổi chuyên môn, giảng dạy thử để mọi người cùng tham gia ý kiến, lựa chọn nội dung và phương pháp để thực hiện các chủ đề dạy học, xây dựng kế hoạch bài dạy tạo được kết quả tốt.

Đối với lựa chọn sách giáo khoa, đồng chí Dương Anh Đức cũng cho biết, TP đã triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn, kế hoạch thực hiện của các cấp đến đội ngũ; lập kế hoạch cụ thể, phân công thực hiện nhiệm vụ rõ ràng, có kiểm tra việc thực hiện và điều chỉnh, bổ sung kịp thời theo từng giai đoạn và đúng tiến độ…

Sớm xây dựng cơ chế chính sách cho giáo viên dạy 2 buổi/ngày

Tại buổi giám sát, đồng chí Dương Anh Đức kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ sớm xây dựng cơ chế chính sách cho giáo viên dạy 2 buổi/ngày; cho phép nhà trường được hợp đồng với các vị trí việc làm không tuyển dụng được và ngân sách cấp bù để chi trả lương cho đối tượng này khi thực hiện quy định không thu tiền học phí buổi thứ 2 đối với học sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đồng chí Dương Anh Đức báo cáo tại buổi giám sát Đồng chí Dương Anh Đức báo cáo tại buổi giám sát

Đối với Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ GD-ĐT và các bộ liên quan cần có văn bản - hướng dẫn liên Bộ về việc ngân sách Nhà nước đảm bảo kinh phí và bổ sung kinh phí cho công tác tập huấn bồi dưỡng chương trình phổ thông 2018 để Sở GD-ĐT có căn cứ đề xuất TP Thủ Đức, huyện cấp bổ sung kinh phí và các quận dự toán kinh phí cho các cơ sở giáo dục thực hiện. Cần có cơ chế tài chính riêng cho công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ viên chức ngành giáo dục và đào tạo TP.

Bên cạnh đó, chỉ đạo Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ điều chỉnh vị trí việc làm trong trường phổ thông, cụ thể là bổ sung vị trí việc làm đối với giáo viên hai môn tiếng Anh, Tin học, đồng thời có văn bản hướng dẫn về tuyển dụng, xây dựng cơ chế và chế độ riêng cho giáo viên tiếng Anh, Tin học để thu hút và giữ chân đội ngũ này gắn bó với giáo dục tiểu học; Có thêm các chính sách ưu đãi cụ thể, đất đai, thủ tục hành chính để huy động thêm nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nhà nước phát triển mạng lưới trường học được trang bị cơ sở vật chất đảm bảo điều kiện của Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đối với bộ, ngành trung ương, đồng chí Dương Anh Đức đề nghị Bộ GD-ĐT cần quy định cụ thể định biên cho ngành giáo dục khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, xây dựng bổ sung vị trí việc làm, đảm bảo đủ định biên theo định mức số tiết quy định và thành phần giáo viên bộ môn đủ và cân đối hợp lý giữa các môn theo quy định của chương trình.

Bên cạnh đó, có sách giáo khoa Tiếng Trung và Tiếng Pháp để đáp ứng yêu cầu học tập ngoại ngữ 1 của học sinh về hai môn ngoại ngữ này; Có quy định cho phép các địa phương linh hoạt trong việc mua sắm thiết bị dạy học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; Ban hành hướng dẫn thống nhất về việc quy định học sinh thay đổi môn học lựa chọn, chuyên đề học tập tự chọn sau mỗi năm học, trong đó xác định rõ thời gian, thời điểm và chế độ chính sách cho giáo viên phụ trách việc dạy kiến thức, kiểm tra đánh giá việc học môn lựa chọn thay thế đối với học sinh.

Đối với Bộ Nội vụ, kiến nghị có cơ chế linh hoạt trong tuyển dụng giáo viên; nhà trường tổ chức tuyển dụng và thời gian tuyển dụng linh hoạt ngay khi có nhu cầu. Bên cạnh đó, cần có văn bản chỉ đạo cụ thể định biên cho ngành giáo dục khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, xây dựng bổ sung vị trí việc làm, đảm bảo đủ định biên theo định mức số tiết quy định, đảm bảo đủ số lượng giáo viên theo định mức và thành phần giáo viên bộ môn đủ và cân đối hợp lý giữa các môn theo quy định của chương trình.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo