Củng cố niềm tin, mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp người lao động
Phát biểu bế mạc tại Đại hội, Chủ tịch LĐLĐ TP Trần Thị Diệu Thúy cho biết, sau 4 buổi làm việc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, đoàn kết, trách nhiệm, Đại hội Công đoàn TPHCM, lần thứ XII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra.
Với tinh thần “Đổi mới, dân chủ, đoàn kết, phát triển”, đồng chí Trần Thị Diệu Thúy nhấn mạnh, các đại biểu đã tập trung nghiên cứu, dân chủ thảo luận và nhất trí thông qua báo cáo của Ban Chấp hành LĐLĐ TP khóa XI trình Đại hội XII Công đoàn TP; thông qua báo cáo tổng hợp ý kiến tham gia đóng góp vào dự thảo văn kiện Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, báo cáo tổng hợp ý kiến tham gia đóng góp sửa đổi Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Đại hội đã lựa chọn và bầu Ban Chấp hành LĐLĐ TP khoá XII gồm 55 đồng chí. Ban Chấp hành LĐLĐ TP khóa XII đã tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ nhất bầu Ban Thường vụ, các chức danh Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Ủy ban Kiểm tra và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra. Ban Chấp hành LĐLĐ TP khóa XII đã ra mắt và nhận nhiệm vụ trước Đại hội; đồng thời khẳng định đoàn kết, quyết tâm triển khai thực hiện các nội dung, giải pháp do Đại hội đề ra trở thành hiện thực.
Đại hội đã bầu 47 đại biểu chính thức và 5 đại biểu dự khuyết đại diện cho tiếng nói và nguyện vọng của đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động TP đi dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam; đồng thời sẽ mang tình cảm, đóng góp chất liệu thực tế, phản ánh sức sống của phong trào công nhân, viên chức, lao động TPHCM đến với sự kiện chính trị quan trọng của Công đoàn cả nước.
Theo đồng chí Trần Thị Diệu Thúy, Đại hội đã thể hiện quyết tâm, nhất trí cao với mục tiêu của nhiệm kỳ 2023 - 2028 là “Tập trung thực hiện chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tăng cường củng cố niềm tin, mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp người lao động, xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất của công nhân lao động; tích cực xây dựng tổ chức Công đoàn là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng bộ, chính quyền TP, đóng góp vào phát triển TPHCM trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á; góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh”.
Với truyền thống 94 năm của Công đoàn Việt Nam và truyền thống Anh hùng của giai cấp công nhân và Công đoàn TPHCM, đồng chí Trần Thị Diệu Thúy nhấn mạnh ngay sau Đại hội, sẽ phát huy bằng việc khẩn trương tuyên truyền về kết quả Đại hội, lan tỏa tinh thần “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển” của Đại hội đến với mỗi đoàn viên, người lao động và các cấp Công đoàn TP; tổ chức nghiên cứu, quán triệt và cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội thành các chương trình, kế hoạch cụ thể và triển khai thực hiện, để sớm đưa Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn TP đi vào thực tiễn, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động Công đoàn TP, nhiệm kỳ 2023 – 2028, xứng đáng với sự kỳ vọng và niềm tin của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang tặng hoa chúc mừng đoàn đại biểu dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam ra mắt Đại hội.Triển khai thí điểm tích hợp Đề án “Kết nối đoàn viên” tại TPHCM
Trước đó, thay mặt đoàn viên, người lao động tại Đại hội, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM Phạm Chí Tâm kiến nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất với Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ cần được thể chế hóa nhanh Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” và đột phá bằng các quy định pháp luật, tạo hành lang pháp lý minh bạch, thuận lợi cho Công đoàn Việt Nam tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Đồng thời, ban hành Luật Tiền lương tối thiểu, thúc đẩy thực hiện nhanh việc cải cách chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nhất là đối tượng giáo viên, nhân viên ngành y tế và cán bộ cấp xã, phường, thị trấn để đoàn viên, người lao động có thu nhập đủ nuôi sống bản thân và gia đình.
Bên cạnh đó, đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành liên quan xử lý nghiêm các đơn vị, doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, không nên để nợ bảo hiểm xã hội quá lớn rồi mới tiến hành xử lý hành chính hoặc hình sự, vì khi tiến hành xử lý thì quyền lợi hợp pháp của người lao động đã bị thiệt hại; Kiến nghị trong sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội cần có quy định xác định cơ quan quản lý nhà nước xử lý việc doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng Bảo hiểm xã hội cho người lao động làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người lao động.
Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM Phạm Chí Tâm đề xuất Tổng LĐLĐ Việt Nam chấp thuận cho LĐLĐ TP triển khai thí điểm tích hợp Đề án “Kết nối đoàn viên” tại TPHCM trong tổng thể Chương trình chuyển đổi số của Công đoàn Việt Nam giai đoạn 2023- 2028. Đồng thời, chấp thuận một số cơ chế đặc thù về nguồn lực con người tạo điều kiện cho LĐLĐ TP tổ chức thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của công đoàn trong thời gian tới.
Về công tác tài chính công đoàn, đề xuất Tổng LĐLĐ Việt Nam sớm nghiên cứu cơ chế đặc thù trong chi chăm lo, bảo vệ đoàn viên, người lao động với mức chi phù hợp với từng khu vực hoặc đối tượng hưởng lương theo khu vực; Cho phép LĐLĐ TP nghiên cứu, đề xuất cơ chế sử dụng tài chính công đoàn tích lũy thông qua hợp tác ủy thác tín dụng với các ngân hàng lớn nhằm tạo điều kiện hỗ trợ cho các đơn vị kinh tế, sự nghiệp hoạt động, phát triển; tham gia cùng chính quyền TP trong tạo chỗ ở cho đoàn viên, công tác đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vốn cho người lao động. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu đổi mới, cải tiến chế độ kế toán, đẩy mạnh công tác kiểm toán nội bộ, tăng cường công cụ, hiện đại hóa hệ thống kế toán công đoàn, giảm tải áp lực cho công đoàn cơ sở và công đoàn cấp trên cơ sở.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trao đổi với các Đại biểu tại Đại hộiNghiên cứu các giải pháp khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội
Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM Phạm Chí Tâm kiến nghị Thành ủy chỉ đạo các cấp ủy tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về việc thực hiện quy chế dân chủ xây dựng quan hệ lao động hài hòa ở cơ sở tại nơi làm việc, việc tổ chức hội nghị người lao động đối thoại định kỳ trong các đơn vị, doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước và doanh nghiệp, đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài.
Đồng thời, chỉ đạo Ban cán sự Đảng UBND TP quan tâm tổ chức triển khai thực hiện Chương trình hành động số 25-CTr/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về triển khai thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” trong các cơ quan, đơn vị, tạo điều kiện cho Công đoàn TP thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của công đoàn trong tình hình mới.
Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM Phạm Chí Tâm cũng kiến nghị UBND TP chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường phối hợp với tổ chức công đoàn trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, tăng cường công tác thanh tra kiểm tra giám sát việc chấp hành pháp luật lao động Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ sinh lao động, an toàn thực phẩm nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lao động, có biện pháp chế tài, xử lý đối với những doanh nghiệp cố tình vi phạm pháp luật.
Đồng thời, tạo điều kiện cho LĐLĐ TP tham gia tích cực, thực chất, hiệu quả, và thụ hưởng lợi ích từ công cuộc chuyển đổi số của TP nhằm đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn; tạo điều kiện để LĐLĐ TP tham gia hiệu quả hơn vào công tác đào tạo chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho đoàn viên, người lao động, đặc biệt là trong bối cảnh có những tác động lớn đối với các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, chế biến gỗ,...
Bên cạnh đó, quan tâm triển khai Quyết định 338/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030"; nghiên cứu các giải pháp khuyến khích các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân, hỗ trợ chủ nhà trọ sửa chữa nâng cao chất lượng khu nhà trọ cho công nhân.
Ngoài ra, chỉ đạo các sở ngành TP tiếp tục đẩy nhanh việc xây dựng trường, lớp mầm non cho con người lao động; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, đảm bảo chất lượng hoạt động của các cơ sở giữ trẻ tư nhân, nhóm trẻ gia đình để tạo điều kiện cho người lao động có nơi gửi con đảm bảo yêu cầu, an tâm hơn trong lao động, sản xuất, công tác.