Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Tăng cường đối thoại, thương lượng tập thể, kịp thời giải quyết các bức xúc, khiếu nại của người lao động ngay tại cơ sở

Quang cảnh toạ đàm.

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 24/11, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM tổ chức tọa đàm giải pháp nâng cao vai trò đại diện của tổ chức Công đoàn tại cơ sở trong tình hình mới. Đến dự có Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM Phạm Chí Tâm.

Tại tọa đàm, đa số các đại biểu cho rằng, cần sửa đổi hành lang pháp lý liên quan để tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn có thể tiến hành khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, không cần đến sự ủy quyền của người lao động.

Bên cạnh đó, thủ tục, hồ sơ khởi kiện cần đơn giản hóa, nhanh gọn. Do nhiều cán bộ công đoàn cơ sở và người lao động nhận thức pháp luật còn hạn chế, khó có thể hoàn tất đầy đủ giấy tờ khởi kiện theo yêu cầu của tòa án.

Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội (BHXH) cần hỗ trợ thông tin và cùng bám sát việc thu hồi nợ BHXH từ các doanh nghiệp để các quy định về công tác khởi kiện của Công đoàn được đồng bộ, thống nhất. Điều quan trọng hơn, mỗi người lao động cần mạnh dạn lên tiếng, tố cáo các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm về BHXH, nhằm đảm bảo các quyền lợi chính đáng cho chính mình.

Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TPHCM Dương Văn Thuận cho rằng, đội ngũ cán bộ làm công tác pháp luật trong hệ thống công đoàn cần chuẩn bị hồ sơ khởi kiện; hòa giải vụ án lao động; chuẩn bị tham gia phiên tòa. Bên cạnh đó, cán bộ Công đoàn tham gia bảo vệ người lao động tại tòa án cần am hiểu kỹ về các loại tranh chấp lao động, tranh chấp BHXH am hiểu các quy định pháp luật liên quan, nhất là Bộ Luật Lao động, ... Luật BHXH, Bộ Luật Tố tụng dân sự, Luật an toàn, vệ sinh lao động, Luật việc làm; Cán bộ cần có kinh nghiệm thực tế trong tham gia bảo vệ người lao động càng có hiệu quả cao.

Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TPHCM Dương Văn Thuận cho rằng, LĐLĐ TP, các sở, ban ngành cần tiếp tục kiến nghị đến các cơ quan Trung ương có thẩm quyền để kiến nghị xem xét và sửa đổi bổ sung kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật còn bất cập trong thực tế. Bên cạnh đó, cần có các chương trình đào tạo cán bộ Công đoàn từ Cử nhân Luật trở lên để nâng cao trình độ, cập nhật thông tin kiến thức dành cho cán bộ Công đoàn trong tình hình mới.

Để nâng cao chất lượng thương lượng tập thể, đại biểu Nguyễn Đình Hòa, đại diện Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho rằng, cần ban hành quy định luật xác định quyền ưu tiên đại diện người lao động thương lượng tập thể. Bên cạnh đó, quy định của luật cũng cần quy định người sử dụng lao động và công đoàn cần có thiện chí khi thương lượng tập thể và nếu vi phạm sẽ bị xử phạt và công đoàn các cấp có quyền kiện doanh nghiệp nếu phát hiện.

Theo đại biểu Nguyễn Đình Hòa, Công đoàn trong các doanh nghiệp cũng cần được hướng dẫn và đào tạo thường xuyên hơn, có thể hàng năm hoặc 6 tháng/ lần về thương lượng tập thể. Bên cạnh đó, Công đoàn cấp trên cần lắng nghe công tác chuẩn bị của công đoàn cơ sở cho buổi thương lượng tập thể để có sự hỗ trợ kịp thời cho công đoàn cơ sở và góp ý về nội dung, phương án đề xuất của công đoàn cơ sở.

Đại biểu Nguyễn Đình Hòa, đại diện Trường Đại học Tôn Đức Thắng phát biểu tại tọa đàm Đại biểu Nguyễn Đình Hòa, đại diện Trường Đại học Tôn Đức Thắng phát biểu tại tọa đàm

Đồng thời, Công đoàn cấp trên có thể tham gia vào buổi thương lượng tập thể để giám sát người sử dụng lao động có thiện chí trong buổi thương lượng tập thể không. Qua đó, mới có thể đánh giá được chính xác chất lượng thương lượng tập thể. Ngoài ra, Công đoàn cấp trên cũng nhận dạng được các công đoàn cơ sở chưa thực hiện tốt thương lượng tập thể và thực hiện thoả ước lao động tập thể để tập trung hỗ trợ và kiểm tra.

Cũng tại tọa đàm, một  số ý kiến cho rằng, cần phát huy, nhân rộng mô hình đối thoại xã hội nhóm doanh nghiệp theo địa bàn, ngành nghề và thoả ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa tranh chấp lao động và đình công trái pháp luật.

Đồng thời, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến quyền lợi của người lao động gắn liền với công tác tuyên truyền, hướng dẫn thi hành pháp luật lao động, công đoàn, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; Tăng cường các hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể, kịp thời giải quyết các bức xúc, khiếu nại của người lao động ngay tại cơ sở, góp phần ổn định quan hệ lao động và phát triển sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, phối hợp tổ chức tập huấn công tác an toàn vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện làm việc, giảm thiểu rủi ro trong lao động; nâng cao chất lượng bữa ăn ca, giám sát việc thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật, thực hiện chế độ phụ cấp vị trí việc làm độc hại, nguy hiểm; tập trung tuyên truyền công tác an toàn vệ sinh lao động cho các nghiệp đoàn và lao động phi chính thức, nhất là lao động trong ngành xây dựng.

Ngoài ra, cần phát động và triển khai các phong trào thi đua phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp, vận động đoàn viên, người lao động tích cực phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất, hiệu quả công tác, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo