Thứ Năm, ngày 7 tháng 11 năm 2024

Tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm, không đùn đẩy trách nhiệm

Quang cảnh buổi giám sát

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 14/10, đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM do đồng chí Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM làm trưởng đoàn, giám sát đối với Sở An toàn thực phẩm, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công thương, Sở Y tế, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông TP về công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn TPHCM.

Quản lý an toàn thực phẩm từng bước đạt được hiệu quả hơn

Báo cáo với đoàn giám sát, Phó Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP Lê Minh Hải cho biết, thời gian qua, công  tác bảo đảm an toàn thực phẩm từng bước đạt được hiệu quả hơn; xác định rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của lực lượng phối hợp, qua đó huy động được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, phương tiện thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Đồng thời, công tác giáo dục truyền thông được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, tiên quyết trong các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm. Việc nâng cao kiến thức và thực hành về an toàn thực phẩm cho các đối tượng được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dang, phong phú.

Với mục tiêu “Xây thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn trên địa bàn TP”, đồng chí Lê Minh Hải cho biết, Sở An toàn thực phẩm triển khai quyết liệt có trọng tâm, trọng điểm các hoạt động cải cách hành chính và tăng cường tuyên truyền - giáo dục, hướng dẫn các thông tin về thực phẩm an toàn, xây dựng và triển khai thực hiện các dự án, đề án, chương trình đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn TP như “Chuỗi thực phẩm an toàn”, “Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm và trứng gia cầm” và “Dự án mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm”. Song song đó, Sở đã triển khai công tác giám sát lấy mẫu; công tác thanh tra, kiểm tra chặt chẽ và rộng khắp nhằm kiểm soát, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hoài Nam cho biết, trong năm nay đã có 2 vụ việc liên quan đến ngộ độc thực phẩm. Đó là vụ việc 19 sinh viên ở ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM ngộ độc thực phẩm. Gần đây, có 6 học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn có triệu chứng ngộ độc sau bữa ăn ở trường. Theo đồng chí Lê Hoài Nam, tháng 2/2024, có 2 trẻ bị ngộ độc botulinum sau khi ăn chả. Tuy nhiên, sau khi về quê, 2 trẻ này mới có triệu chứng ngộ độc và cùng nhập viện thì mới phát hiện ngộ độc khi ăn chung tiệc.

Theo đồng chí Lê Hoài Nam, với các ca ngộ độc nhỏ lẻ, người dân thường tự nhập viện và không biết nguyên nhân do đâu nên không báo cáo với Sở Y tế TPHCM. Ngoài ra, người dân có ngộ độc thường nhập viện khác nhau nên khó phát hiện ra là ngộ độc thực phẩm.

Tại buổi giám sát, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông TP cho biết, Sở tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng chỉ đạo, định hướng cho các cơ quan báo, đài TP tổ chức tuyên truyền về những vấn đề liên quan đến chủ trương, chính sách, pháp luật, các giải pháp cụ thể, thiết thực trong tuyên truyền nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân về vai trò quan trọng của việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sức khỏe con người…

Đồng thời, phối  hợp cùng các cơ quan, đơn vị có liên quan, cung cấp thông tin cho báo chí để đảm bảo tuyên truyền kịp thời, chính xác các chủ trương, chính sách của UBND TP nhằm thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, tăng cường các bài viết biểu dương những tấm gương điển hình người tốt, việc tốt; các cá nhân, tập thể tiên tiến, các doanh nghiệp với mô hình, giải pháp, sáng kiến có giá trị về phát triển nông nghiệp, thủy sản công nghệ cao đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…

Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm

Tại buổi giám sát, Phó Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP Lê Minh Hải kiến nghị, TP cần chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc việc sử dụng các bộ xét nghiệm nhanh để sàng lọc ban đầu các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ công tác kiểm tra, giám sát mối nguy gây mất an toàn thực phẩm. Đồng thời, sớm trang bị xe chuyên dụng cho Sở An toàn thực phẩm để nâng cao hiệu quả công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn; tăng cường biên chế làm công tác quản lý về an toàn thực phẩm từ xã, phường, thị trấn, quận, huyện, TP Thủ Đức, đến cấp TP. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện công thanh tra, tác kiểm tra an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm cũng như có cảnh báo an toàn thực phẩm kịp thời đối với người tiêu dùng. Ngoài ra, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về an toàn thực phẩm cho người làm công tác quản lý an toàn thực phẩm các cấp.

Đại diện Sở Công thương TP cũng kiến nghị đẩy mạnh xây dựng các chuỗi liên kết, hình thành vùng trồng ổn định, lâu dài tại các tỉnh, thành; đảm bảo được công tác truy xuất nguồn gốc thực phẩm từ khâu sản xuất cho đến người tiêu dùng. Đồng thời, cần có chính sách, chương trình ưu đãi, hỗ trợ trong việc đầu tư, nâng cấp chợ và hỗ trợ nguồn vốn các tiểu thương kinh doanh trong việc nâng cấp, sửa chữa định kỳ các trang thiết bị, vật tư, quầy sạp, cơ sở vật chất đáp ứng đầy đủ các yêu cầu để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh.

Đồng chí Cao Thanh Bình khảo sát an toàn thực phẩm tại phố ẩm thực. Đồng chí Cao Thanh Bình khảo sát an toàn thực phẩm tại phố ẩm thực.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TP kiến nghị cơ quan chức năng tăng cường công tác giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các cơ sở cung ứng thực phẩm, cung cấp dịch vụ ăn uống. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng công bố danh sách các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn trên địa bàn TPHCM, theo đó nêu rõ số lượng suất ăn được cấp trong ngày, địa chỉ đơn vị,… để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở giáo dục lựa chọn cơ sở cung cấp suất ăn sẵn phù hợp với nhu cầu về số lượng, chất lượng và phạm vi di chuyển hợp lý; tăng cường kiểm tra, kịp thời có biện pháp giải quyết triệt để tình trạng hàng rong trước cổng trường và khu vực xung quanh trường học…

Đại diện Sở Y tế TPHCM cũng đề xuất cần có cơ chế dự trữ thuốc quý hiếm. Đối với trường hợp ngộ độc, hiện thuốc không có, khi mua 1 lọ giá đến hàng trăm triệu đồng, mà khi có ngộ độc mới đặt hàng thuốc ở nước ngoài thì rất chậm.

Kết luận tại giám sát, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP Cao Thanh Bình ghi nhận và đánh giá cao các sở ngành liên quan đã thực hiện hiệu quả về công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn TPHCM trong thời gian qua. Đồng chí Cao Thanh Bình cho rằng, qua các buổi khảo sát của đoàn tại chợ đầu mối vẫn còn nhiều hiện tượng bất cập như: nhập nhằng nhãn mác, hóa đơn trái cây nhập khẩu; chợ tự phát vẫn còn; vệ sinh môi trường tại chợ còn kém... Tuy nhiên, mong muốn của người dân TP là an toàn sức khỏe phải được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, cần có biện pháp để nguồn hàng nhập vào chợ đầu mối phải được kiểm soát chặt chẽ, sản phẩm bán ra cho người dân phải đảm bảo chất lượng.

Đồng chí Cao Thanh Bình cho rằng tình trạng buôn bán tự phát trước các chợ đầu mối đang được UBND TP chỉ đạo rất mạnh để các đơn vị tập trung siết chặt và có nhiều giải pháp như gắn camera phạt nguội, ra lệnh cấm tụ tập buôn bán ngoài lòng lề đường, không cho xuất hiện xe lôi, xe kéo xung quanh chợ. Nếu quản lý tốt các chợ đầu mối lớn, các nguồn sản xuất hương liệu, người dân sẽ yên tâm hơn về an toàn thực phẩm của TP.

Đồng chí Cao Thanh Bình đề nghị Sở An toàn thực phẩm TP phối hợp với các quận huyện tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm tại các cơ sở cung cấp suất ăn, kiểm tra xử phạt vi phạm hàng rong trước cổng trường, không đùn đẩy trách nhiệm.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo