Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cần xem xét đến chế độ, chính sách, số lượng cán bộ phụ trách phù hợp

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chủ trì phát biểu tại hội thảo

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 28/3, tại TPHCM, Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo góp ý về 3 dự thảo nghị định thực hiện trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn tới, gồm: Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; Nghị định quy định tinh giản biên chế; Nghị định quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có 21 Giám đốc Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, đây là 3 dự thảo nghị định hết sức quan trọng. Hiện nay Bộ Nội vụ đang tập trung cao độ để tham mưu cho các cấp có thẩm quyền chuẩn bị cho việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, vậy nên cần thiết phải hết sức chủ động cho việc xây dựng các cơ chế, chính sách thực hiện tinh giản biên chế để sắp xếp cán bộ và công chức dôi dư khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, trong điều kiện và bối cảnh hiện nay, cần có những cơ chế đủ mạnh để nâng cao được chất lượng đội ngũ cán bộ công chức cấp xã, đảm bảo số lượng, chất lượng cũng như yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với cán bộ công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

Những kiến nghị của cử tri và đề xuất, kiến nghị của các địa phương trong những năm qua tập trung rất cao cho vấn đề đội ngũ cán bộ công chức cấp xã và đội ngũ cán bộ không chuyên trách cấp xã. Chính vì vậy, theo tinh thần chỉ đạo của Quốc hội cũng như của Chính phủ, Bộ Nội vụ đang tập trung xây dựng, sửa đổi 3 nghị định và 1 quyết định để làm tốt việc xây dựng đội ngũ cán bộ công chức cấp xã và đội ngũ cán bộ không chuyên trách cấp xã.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, một vấn đề quan trọng là trong lúc Đảng, Nhà nước đang tập trung cao cho công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, có một bộ phận cán bộ muốn "an toàn", không dám làm, làm thì sợ sai. Bởi vậy, cấp thiết Bộ Nội vụ phải tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Chia sẻ tại hội thảo, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Thanh Nhân bày tỏ đồng ý cao với dự thảo nghị định và cho biết tháng 10/2022, UBND TPHCM ban hành kế hoạch cụ thể hoá Kết luận 14 của Bộ Chính trị. Theo đó, mỗi cơ quan đăng kí ít nhất một sáng kiến đột phá nhằm tập trung giải quyết vướng mắc pháp lý. Đến nay, các cơ quan đã đăng ký 92 đề án, trong số này 33 sáng kiến đang được thẩm định.

Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Thanh Nhân góp ý tại hội thảo Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Thanh Nhân góp ý tại hội thảo

Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Trị Ngô Quang Chiến nêu ý kiến về việc sắp xếp, bố trí đối với cán bộ Đoàn quá tuổi quy định gặp nhiều khó khăn do không có vị trí cán bộ, công chức để sắp xếp, bố trí, ảnh hưởng đến tâm tư cán bộ và lãng phí nguồn nhân lực (nếu không bố trí được phải nghỉ việc). Vì vậy, Sở Nội vụ Quảng Trị kiến nghị Bộ Nội vụ xem xét, có cơ chế tạo điều kiện cho địa phương sắp xếp, bố trí sử dụng đối với cán bộ Đoàn quá tuổi.

Còn đối với chính sách cho người hoạt động không chuyên trách ở xã, thôn, tổ dân phố, dự thảo nghị định quy định 3 chức danh hoạt động không chuyên trách và mức khoán quỹ phụ cấp đối với thôn, tổ dân phố theo quy mô số hộ gia đình là hợp lý. Tuy nhiên, qua thực tiễn công tác sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố thì đối với một số tổ dân phố mặc dù quy mô chưa đạt 350 hộ gia đình nhưng địa bàn rộng, việc đi lại giải quyết công việc khó khăn hơn trước nhưng chế độ chính sách đối với những thôn này không có gì thay đổi so với trước lúc sắp xếp.

Đồng quan điểm trên, Giám đốc Sở Nội vụ Đồng Nai Trần Quang Tú cho biết, trên địa bàn tỉnh có một số phường dân số khá đông, có nơi trên 135.000 dân nhưng số lượng cán bộ, công chức theo quy định chỉ có 45 người, do đó, trong quá trình làm việc, hoạt động, lãnh đạo, chỉ đạo là vô cùng khó. TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai đều gặp tình trạng này. Vì vậy, Sở Nội vụ Đồng Nai đề xuất nên cân nhắc, xem xét tăng lượng công chức cho các địa phương đông dân hoặc có quy định cụ thể, ví dụ trên 100.000 dân thì số lượng công chức, viên chức là bao nhiêu người để các địa phương theo đó thực hiện.

Tiếp thu các ý kiến, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết dự thảo nghị định về bảo vệ cán bộ rất khó, mang tính chính trị và pháp lý rất cao. Đây là nghị định không căn cứ trên luật nào mà chỉ dựa trên Kết luận 14 của Bộ Chính trị thẩm quyền của Chính phủ, đồng thời báo cáo Quốc hội. Do vậy cũng cần có hội đồng đánh giá kết quả thực hiện, bảo vệ cán bộ.

Trước đó, Bộ Nội vụ đã tổ chức hai hội thảo chuyên đề, lấy ý kiến của 28 tỉnh phía Bắc và 14 địa phương miền Trung. Tiếp theo, cơ quan này sẽ lấy ý kiến bộ, ngành, cơ quan tư pháp, Bộ Công an, và Ủy ban Kiểm tra, Ban Nội chính Trung ương. Dự kiến, dự thảo Nghị định sẽ được Bộ Nội vụ trình Chính phủ đầu quý II/2023.

M.Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo