Thứ Ba, ngày 28 tháng 11 năm 2023

Quan tâm chăm lo hỗ trợ công nhân lao động

Đồng chí Nguyễn Văn Nên và đồng chí Nguyễn Đình Khang tham dự Đại hội.

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 24/9, Đại hội Công đoàn TP HCM lần thứ XII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 với chủ đề “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển” đã diễn ra phiên thứ 4.

Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP Lê Thanh Hải; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng; Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thành Hải; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ; Phó Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Hồ Hải; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Trần Kim Yến; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Phan Nguyễn Như Khuê; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Quận ủy Quận 1 Tô Thị Bích Châu.

Nâng cao kiến thức tài chính, giúp người lao động phòng tránh “tín dụng đen”

Phát biểu tham luận tại Đại hội, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổ chức Tài chính vi mô CEP Hoàng Văn Thành cho rằng, giai đoạn hiện nay, do tác động của đại dịch Covid-19, điều kiện việc làm, thu nhập không ổn định, không có tiết kiệm dự phòng, nhiều công nhân lao động đã vướng vào nạn “tín dụng đen”. “Tín dụng đen” là nhân tố gây mất ổn định đời sống, việc làm của công nhân, lao động và an ninh trật tự xã hội nói chung. Trước bối cảnh đó, CEP đã đăng ký tham gia thực hiện 3 nhóm giải pháp như: Mở rộng mạng lưới CEP thông qua việc thành lập thêm các chi nhánh, phòng/điểm giao dịch, điểm tư vấn tại các địa phương, các khu công nghiệp, khu chế xuất, giúp công nhân lao động dễ dàng tiếp cận nguồn vốn CEP. Đồng thời, nâng  cao chất lượng phục vụ đa dạng hóa sản phẩm, cải thiện quy trình và thủ tục, cải tiến sản phẩm tiết kiệm đoàn viên, giúp công nhân lao động thói quen tiết kiệm để dự phòng cho các rủi ro phát sinh, tránh vay “tín dụng đen”; Thực hiện chiều sâu dịch vụ phát triển cộng đồng, hỗ trợ hiệu quả cho công nhân, lao động thông qua các chương trình như “mái nhà CEP”, “học bổng CEP”, “hỗ trợ tài chính khẩn cấp”; triển khai hệ thống core banking, hoàn thiện App CEP nhằm tăng hiệu quả quản lý khách hàng, phát triển các dịch vụ trực tuyến, giúp khách hàng chủ động đăng ký khoản vay, cập nhật thông tin sản phẩm dịch vụ, lịch sử giao dịch; kết nối với Ngân hàng thương  mại đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; tối ưu và đẩy mạnh truyền thông số nhằm tiếp cận và phục vụ nhiều công nhân lao động hơn nữa.

Bên cạnh đó, nâng cao kiến thức tài chính, giúp người lao động phòng tránh “tín dụng đen” và quản lý hiệu quả tài chính cá nhân; Nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông, kết hợp tuyên truyền tác hại “tín dụng đen”, chương trình giáo dục tài chính qua App CEP, kênh Zalo, Youtube của CEP. Xây dựng công cụ tính toán lãi suất và xác định mức vay phù hợp tích hợp trên web CEP, giúp công nhân chủ động lựa chọn phương án vay vốn phù hợp.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổ chức Tài chính vi mô CEP Hoàng Văn Thành phát biểu tham luận tại Đại hội Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổ chức Tài chính vi mô CEP Hoàng Văn Thành phát biểu tham luận tại Đại hội

Ngoài ra, tăng  cường huy động nguồn vốn vay ưu đãi trong và ngoài nước; Đẩy mạnh huy động tiền gửi có kỳ hạn từ tổ chức, cá nhân, nguồn tiền gửi có kỳ hạn từ các cấp Công đoàn; Tăng cường huy động tiết kiệm đoàn viên từ công nhân lao động.

Theo đồng chí Hoàng Văn Thành, mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2023 – 2028, CEP  hỗ trợ trên 1.4 triệu lượt công nhân lao động với tổng doanh số cho vay trên 50.000 tỷ đồng; huy động tiền gửi có kỳ hạn là 2.500 tỷ đồng; huy động tiết kiệm từ đoàn viên, người lao động là 1.200 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển cộng đồng cho 195.000 lượt công nhân lao động với tổng kinh phí 60 tỷ đồng; tổ chức cho 63.000 lượt công nhân tham gia các hoạt động phòng chống “tín dụng đen” và tư vấn tài chính cá nhân cho 76.000 công nhân.

Để tham gia hiệu quả vào chương trình hành động của Tổ chức Công đoàn TP trong nhiệm kỳ tới, đồng chí Hoàng Văn Thành đề nghị: Tổng LĐLĐ Việt Nam có chủ trương để LĐLĐ các cấp tham gia gửi tiền có kỳ hạn tại CEP, góp phần gia tăng nguồn vốn phục vụ công nhân, lao động; kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sửa luật, thông tư, tạo hành lang pháp lý phù hợp với thực tiễn hoạt động tài chính vi mô.

Đối với LĐLĐ TP, tiếp tục quan tâm chỉ đạo Công đoàn các cấp, các đơn vị trực thuộc phối hợp và tích cực hỗ trợ CEP triển khai hoạt động đến người lao động; có cơ chế khuyến khích các cấp Công đoàn trực thuộc gửi tiền gửi có kỳ hạn tại CEP.

Đối với LĐLĐ TP Thủ Đức, LĐLĐ các quận, huyện, Công đoàn các Khu chế xuất và công nghiệp TP, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, công đoàn cơ sở phối hợp chi nhánh CEP triển khai hoạt động đến các đơn vị trên địa bàn; duy trì, bổ sung nguồn tiền gửi có kỳ hạn; phối hợp truyền thông, giới thiệu, tạo điều kiện để CEP đẩy mạnh triển khai chương trình phòng chống “tín dụng đen” trong công nhân người lao động.

Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam Củ Phát Nghiệp phát biểu tham luận tại Đại hội. Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam Củ Phát Nghiệp phát biểu tham luận tại Đại hội.

Chủ động thương lương, ký kết thỏa ước lao động tập thể

Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam Củ Phát Nghiệp cho rằng, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác gắn với từng công việc cụ thể của công đoàn cơ sở công ty mang lại hiệu quả rất tích cực trong đời sống, việc làm của đoàn viên, công nhân lao động với tinh thần tiến bộ, đoàn kết, thấu hiểu, chia sẻ cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn năm 2023. Đặc biệt, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Bác là động lực để Công đoàn tiếp tục thương lượng Ban giám đốc chăm lo cho đoàn viên, công nhân tốt hơn thời gian tới, nhất là vào dịp cuối năm 2023.

Để thực hiện được phương châm đó, Công đoàn đã chủ động thương lương, ký kết thỏa ước lao động tập thể với doanh nghiệp có nhiều nội dung có lợi hơn so với quy định Bộ Luật Lao động. Năm 2021, 2022, do ảnh hưởng Covid-19, Công đoàn đã thương lượng công ty chi trả tiền lương tối thiểu vùng cho toàn bộ công nhân phải nghỉ việc ở nhà; vận động Công ty hỗ trợ kinh phí cùng Công đoàn chăm lo 68.000 lượt công nhân đang thực hiện cách ly tại nhà trọ với 13,8 tỷ đồng.

Năm 2023 là năm rất khó khăn, doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất. Công đoàn đã trao đổi, thương lượng với Ban Giám đốc chăm lo đoàn viên, công nhân lao động như: tiền thưởng sản xuất, thưởng Tết, điều chỉnh lương tối thiểu vùng, chăm lo cho công nhân về quê đón tết, cải thiện bữa ăn giữa ca, ….

Từ đầu năm đến nay, có 9.284 đoàn viên, công nhân giảm biên chế do không có đơn hàng, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Quận ủy quận Bình Tân, LĐLĐ quận, Công đoàn đã thương lượng Ban giám đốc trợ cấp số tiền 1.129 tỷ đồng. Tổ chức đối thoại định kỳ với Ban giám đốc, quản đốc xưởng và đoàn viên, công nhân, kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng và xử lý thỏa đáng. Vận động quyên góp Hội tương trợ cho 89 công nhân không may qua đời, tổng số tiền quyên góp được 4,4 tỷ đồng.

Chủ tịch LĐLĐ Quận 12 Nguyễn Thị Ngoãn tham luận tại Đại hội Chủ tịch LĐLĐ Quận 12 Nguyễn Thị Ngoãn tham luận tại Đại hội

Vận động thành lập và trực tiếp quản lý 3 nghiệp đoàn cơ sở

Chia sẻ về giải pháp vận động người lao động khu vực phi chính thức tham gia Tổ chức Công đoàn”, Chủ tịch LĐLĐ Quận 12 Nguyễn Thị Ngoãn cho biết, trên địa bàn quận có 261 nhóm lớp mầm non đang hoạt động với hơn 1.300 giáo viên, bảo mẫu; hàng trăm lao động chạy xe ôm và lao động giúp việc nhà là nhóm lao động hoạt động tương đối ổn định. Do vậy, LĐLĐ quận xác định chọn nhóm, lớp mầm non tư thục để vận động thành lập nghiệp đoàn trước.

Sau đó, LĐLĐ quận vận động chủ các nhóm lớp, giáo viên và người lao động tại các nhóm, lớp mầm non ngoài công lập tham gia nghiệp đoàn. Cuối năm 2019 đã thành lập được 4 nghiệp đoàn mầm non tại 4 phường, với 315 đoàn viên, đến đầu năm 2022 có 11/11 phường thành lập nghiệp đoàn giáo viên mầm non với 994 công đoàn viên. Đến tháng 11/2022, LĐLĐ quận đã tiến hành sáp nhập và thành lập Nghiệp đoàn cơ sở giáo viên mầm non ngoài công lập Quận 12 bao gồm 11 nghiệp đoàn cấp  phường. Song song đó, LĐLĐ tiếp tục vận động thành lập Nghiệp đoàn cơ sở xe ôm và nghiệp đoàn cơ sở giúp việc nhà.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Ngoãn, qua thời gian hoạt động các nghiệp đoàn cơ sở dần đi vào ổn định, đến tháng 5/2023, 3 nghiệp đoàn cơ sở đã tổ chức thành công Đại hội lần I nhiệm kỳ 2023-2028. Các nghiệp đoàn cơ sở được chia thành 11 tổ theo địa bàn 11 phường.

Từ khi thành lập đến nay, các tổ Nghiệp đoàn đã thực hiện tốt mọi nhiệm vụ công tác; tham gia học tập các quy định mới của pháp luật, tích cực tham gia các phong trào do LĐLĐ quận và địa phương tổ chức. Qua đó, các nghiệp đoàn cơ sở đã giới thiệu hơn 40 lượt đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp, trong đó có 9 lượt đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng. Tính đến nay, LĐLĐ quận đã vận động thành lập và trực tiếp quản lý 3 nghiệp đoàn cơ sở: 1 Nghiệp đoàn giáo viên mần non Quận 12 có 11 tổ nghiệp đoàn ở 11 phường với tổng số 994 đoàn viên; 1 Nghiệp đoàn xe ôm Quận 12 với 49 đoàn viên và 1 Nghiệp đoàn giúp việc nhà với 12 đoàn viên đang sinh hoạt ổn định.

Thời gian qua, LĐLĐ quận đã tổ chức lớp bồi dưỡng kỹ năng sơ cấp cứu, phòng cháy chữa cháy; phối hợp với cửa hàng Honda tổ chức các chương trình thi lái xe an toàn, thay nhớt và kiểm tra xe miễn phí cho 350 lượt đoàn viên nghiệp đoàn xe ôm với tổng trị giá gần 140 triệu đồng; chăm lo cho 75 em là con đoàn viên nghiệp đoàn với 126 triệu đồng; trao tặng 123 thẻ bảo hiểm tai nạn; nhân dịp lễ, Tết và trong đợt dịch Covid-19, LĐLĐ quận đã hỗ trợ chăm lo 3.533 phần quà với gần 4 tỷ đồng.

Long Hồ - Nguyễn Nam


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo