Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giải trình, làm rõ một số vấn đề có liên quan(Thanhuytphcm.vn) - Đầu giờ chiều 4/6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Đặng Quốc Khánh tiếp tục trả lời chất vấn đại biểu (ĐB) Quốc hội.
Trả lời ĐB về xử lý nước thải, tái sử dụng nước thải tại các khu công nghiệp tập trung, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định, việc tái sử dụng nước thải, phục vụ kinh tế tuần hoàn là rất cần thiết. Thời gian qua, Bộ TN-MT và các bộ, ngành liên quan cũng ban hành nhiều văn bản hướng dẫn về nội dung này.
Bộ TN-MT sẽ hướng dẫn UBND các tỉnh trong việc tăng cường thu gom, xử lý nước thải, đặc biệt là các nguồn thải lớn ở địa phương; phối hợp với các địa phương thực hiện hệ thống quan trắc tự động và hệ thống xử lý nước thải; thực hiện điều hòa phân phối nguồn nước.
Để giải quyết tình trạng ô nhiễm nguồn nước hiện nay, Luật Tài nguyên nước cũng đã quy định cụ thể, trong đó, Bộ TN-MT cũng tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch quản lý chất lượng nguồn nước mặt đối với sông hồ liên tỉnh, trong đó nêu rõ công tác kiểm tra, quản lý chất lượng môi trường. Để quản lý chất lượng nguồn nước này cần tăng cường hệ thống cơ sở dữ liệu quan trắc, quản lý kiểm kê, đánh giá mức độ nguồn thải. Bộ TN-MT cũng đang rà soát, đánh giá mức chịu tải của 13 lưu vực sông để có giải pháp phù hợp; đồng thời yêu cầu các địa phương xây dựng dự án đầu tư ở vị trí nào, xả thải ra sao và những khu vực cấm và không được xả thải tránh quá tải.
Đối với nội dung chất vấn về ngân sách chi cho công tác bảo vệ môi trường, Bộ trưởng cho biết, Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị đã yêu cầu ngân sách nhà nước cho công tác này không dưới 1%, tuy nhiên hiện nay nhiều địa phương chưa đảm bảo mức chi này cho công tác bảo vệ môi trường, nhất là các địa phương chưa tự cân đối thu chi ngân sách. Giải pháp thời gian tới được Bộ trưởng nêu ra là đầu tư, phát triển công nghệ, xây dựng, vận hành các công trình thu gom, xử lý, xây dựng hạ tầng… cần nguồn lực rất lớn. Bộ TN-MT cũng đề xuất hỗ trợ các hoạt động bảo vệ môi trường có tính chất đầu tư (như đầu tư hệ thống thu gom nước thải, rác thải).
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, việc thực hiện bảo vệ môi trường cũng cần có giải pháp đồng bộ, thời gian dài hạn cần có nhiều dự án thí điểm, dự án khôi phục các dòng sông. Bên cạnh đó, để bảo vệ môi trường quốc gia, cần tính đến Chương trình mục tiêu quốc gia, để không chỉ được hỗ trợ về nguồn lực mà tất cả người dân, doanh nghiệp đều tham gia vào bảo vệ môi trường. Ngoài nguồn lực đầu tư công, cũng cần huy động nguồn lực từ xã hội hóa, từ người dân, từ doanh nghiệp. Bộ trưởng cũng mong muốn các địa phương ưu tiên ngân sách cho công tác bảo vệ môi trường.
Đối với chất vấn phân cấp cho địa phương trong triển khai Luật Tài nguyên nước, Bộ trưởng cho biết đã giao cho các địa phương 28 nội dung. Hiện nay, địa phương phân cấp chiếm 94% tổng số giấy phép; thẩm quyền của Bộ TN-MT chỉ chiếm 6%. Bộ trưởng mong muốn khi luật có hiệu lực, cần vào cuộc ngay, bởi có sự phân cấp, cần nâng cao trách nhiệm đảm bảo an ninh nguồn nước, điều hòa, phân phối, quản lý lưu vực sông hiệu quả.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà báo cáo thêm về các vấn đề ĐB quan tâm. Cụ thể, liên quan đến vấn đề đất hiếm, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, tổng lượng đất hiếm ở Việt Nam chiếm 18% trên thế giới. Thực tế thị trường đất hiếm hiện nay tăng khoảng 4%/năm kể từ năm 2014 đến nay do các nhu cầu sử dụng trong các lĩnh vực pin, nam châm, xe điện, ứng dụng vũ trụ. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường hết sức phức tạp, chủ yếu do các nước lớn đang điều hành thị trường này. Do đó, việc khai thác đất hiếm này đã được Chính phủ chỉ đạo sát sao. Theo đó, đã có dự án điều tra, đánh giá trữ lượng các loại đất hiếm, xác định nguyên tắc dựa vào cung cầu của thị trường để khai thác; đáp ứng được công nghệ tuyển chọn, không xuất khẩu đất hiếm thô.
Vấn đề quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng Luật Bảo vệ môi trường 2020 là hết sức toàn diện, đầy đủ và cụ thể. Từ 1/1/2025 đòi hỏi có sự chuẩn bị thật kỹ nhận thức của toàn dân và trách nhiệm của các cơ quan quản lý, đặc biệt là địa phương về xác định chuyển rác thành tài nguyên, xây dựng kinh tế tuần hoàn, tuyệt đối không sử dụng phương án chôn lấp rác. Vấn đề phân loại, tái sử dụng, biến rác thành năng lượng là giải pháp hữu hiệu.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực TN-MT cho biết, phiên chất vấn đã nhận được 49 ý kiến chất vấn, tranh luận; phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm cao, sát với tình hình thực tiễn, sát với nội dung nhóm vấn đề chất vấn. ĐB nêu câu hỏi ngắn gọn, rõ ý, mỗi ĐB chỉ nêu 1 vấn đề nên rất thuận lợi trong điều hành và trả lời của Bộ trưởng. Bộ trưởng Bộ TN-MT đã chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung, nắm chắc vấn đề, trả lời khá đầy đủ các vấn đề còn bất cập, hạn chế, có giải pháp thực hiện trong thời gian tới.