Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Phát triển sản phẩm du lịch liên kết giữa TPHCM và các tỉnh Tây Nguyên

Lãnh đạo TPHCM và tỉnh Kon Tum trao quà lưu niệm.

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 11/6, tại TP Kon Tum, UBND TPHCM phối hợp với UBND các tỉnh Tây Nguyên tổ chức Hội nghị “Bàn về giải pháp phát triển sản phẩm du lịch liên kết giữa TPHCM và các tỉnh Tây Nguyên”.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phan Thị Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị TPHCM và các tỉnh Tây Nguyên chỉ đạo các điểm đến, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch phục vụ khách du lịch nâng cao chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, cần tăng cường liên kết, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lữ hành TPHCM và các tỉnh Tây Nguyên khai thác, tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng, chất lượng, thu hút du khách... Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ; liên kết vùng giữa các địa phương. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động kết nối, giao thương giữa doanh nghiệp lữ hành từ TPHCM và các tỉnh Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ để xây dựng và khai thác sản phẩm đến các tỉnh Tây Nguyên.

Theo đồng chí Y Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kontum, tỉnh chủ trương phát triển du lịch theo hướng khai thác đa dạng tiềm năng, lợi thế của địa phương gắn với bảo vệ bền vững tài nguyên, giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Vừa qua, Tỉnh ủy đã ban hành "Nghị quyết về phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Nghị quyết đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đạt được mục tiêu phát triển ngành du lịch của địa phương trở thành ngành kinh tế dịch vụ chuyên nghiệp, giàu bản sắc, có sức cạnh tranh ngày càng cao, kết nối và thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Toàn cảnh hội nghị Toàn cảnh hội nghị

Tại hội nghị, các doanh nghiệp du lịch tại TPHCM đã kiến nghị một số giải pháp đối với các tỉnh Tây Nguyên, như cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông kết nối các điểm du lịch trong tỉnh và liên tỉnh; kêu gọi đầu tư hạ tầng du lịch lưu trú, dịch vụ ăn uống đạt chuẩn để phục vụ du khách; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức người dân trong hoạt động du lịch cộng đồng… Bên cạnh đó, cần tập trung phát triển những sản phẩm mới; đẩy mạnh hoạt động kết nối, giao thương và khảo sát cho doanh nghiệp lữ hành từ TPHCM để xây dựng và khai thác sản phẩm đến các tỉnh Tây Nguyên.

Tại hội nghị, các địa phương đã thống nhất 4 nội dung hợp tác phát triển du lịch gồm: công tác quản lý nhà nước; công tác phát triển sản phẩm; liên kết xúc tiến, quảng bá du lịch; và đào tạo nguồn nhân lực. Trong đó, có một số nội dung như phát huy vai trò của hiệp hội du lịch các địa phương và doanh nghiệp để triển khai hoạt động liên kết hợp tác.

Thời gian qua, ngành du lịch TPHCM đã chủ động ký kết hợp tác phát triển du lịch với 52 tỉnh, thành thuộc 7 vùng trong cả nước, thể hiện vai trò đầu tàu của của trung tâm kinh tế, văn hóa đứng đầu của cả nước. Sự chủ động, sáng tạo không chỉ giúp cho ngành du lịch Thành phố đa dạng hóa chất lượng dịch vụ, thu hút khách du lịch mà còn có tác dụng thúc đẩy sự phát triển du lịch của các địa phương, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế, giúp du lịch nhanh chóng phục hồi.

M.Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo