Thứ Sáu, ngày 21 tháng 3 năm 2025

Phân cấp, phân quyền càng rõ càng hiệu quả

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên thảo luận tổ

(Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 9, ngày 13/2, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Hầu hết các ý kiến đại biểu (ĐB) đánh giá, dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) đã quy định hoàn thiện hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và của các cấp chính quyền, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính, bảo đảm hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả hoạt động.

Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM thảo luận tại tổ Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM thảo luận tại tổ

Tại tổ TPHCM, ĐB Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, hiện TPHCM đang áp dụng Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, theo đó mô hình chính quyền đô thị khác với quy định của dự thảo luật. Bên cạnh đó, một số địa phương như Đà Nẵng, Hải Phòng… cũng đang thực hiện mô hình khác. Do đó, ĐB đề nghị có thêm điều khoản duy trì mô hình đang thí điểm ở các địa phương này nếu đang thực hiện tốt, như vậy cũng gần hơn với mục tiêu tinh gọn tổ chức bộ máy.

Cũng từ thực tiễn địa phương, ĐB Trần Thị Diệu Thúy đề xuất phân định rõ thẩm quyền chung - riêng của tập thể UBND và từng thành viên UBND theo hướng tăng thẩm quyền, tăng trách nhiệm nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết công việc của lãnh đạo địa phương. ĐB cũng đề nghị, nên làm UBND thì quyết định những việc gì; việc gì thì các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tự mình quyết định.

Còn theo ĐB Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, với quy định hiện hành, thẩm quyền chung của UBND lên tới 70%, thẩm quyền riêng chỉ 30% thôi; nếu rà soát các nghị định, thông tư thì thẩm quyền riêng còn thấp nữa. ĐB Phan Văn Mãi cũng đề nghị làm rõ quan hệ giữa các cơ quan chuyên môn thuộc UBND và người đứng đầu các cơ quan này, bởi phân cấp, phân quyền càng rõ càng hiệu quả. Đây chính là sự thể chế hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại phiên thảo luận tổ Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Liên quan đến tổ chức HĐND, ĐB Phan Văn Mãi cho biết, dự kiến tháng 5 tới, TPHCM sẽ tổ chức hội nghị tổng kết việc thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, trên cơ sở đó sẽ kiến nghị duy trì điểm hợp lý của mô hình mà TP đang thực hiện. Trước mắt việc sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương là để phục vụ nhiệm vụ sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; nhưng về lâu về dài cần tiếp tục nghiên cứu tổng thể, toàn diện để xác định mô hình chính quyền hiệu quả nhất và từ kết quả nghiên cứu, có thể phải xem xét, sửa đổi Hiến pháp.

Nhiều ĐB cũng đề nghị cần đảm bảo tính thống nhất, xuyên suốt của phương châm phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho địa phương.

Phát biểu ý kiến tại tổ 13, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đảng ủy Quốc hội và Đảng ủy Chính phủ đã thống nhất quan điểm phải phân cấp mạnh cho Chính phủ để Chính phủ chủ động, kịp thời quyết định các vấn đề thực tiễn, giải quyết các điểm nghẽn, các rào cản để khơi thông nguồn lực phát triển.

Về đề xuất bỏ HĐND cấp xã trong dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, vừa qua Quốc hội đã cho thí điểm không tổ chức HĐND ở quận, huyện, phường ở TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng... Những nơi thí điểm thì tiếp tục triển khai thực hiện, tổng kết và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét có nhân rộng được hay không.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, hiện nay không thể "bỏ" HĐND cấp xã, nếu không tổ chức HĐND cấp xã thì phải nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp; đây là vấn đề liên quan đến cơ chế bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Thực hiện cơ chế dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân chính là ở HĐND. Nhân dân thông qua HĐND để thực hiện quyền làm chủ của mình, giám sát hoạt động của UBND.

Theo Chủ tịch Quốc hội, lần này sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương là giao quyền mạnh cho Chính phủ, phân cấp mạnh cho Chính phủ, phân cấp mạnh cho địa phương theo phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", Trung ương, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát. Quốc hội sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện Luật, giám sát việc ban hành nghị định, thông tư của Chính phủ có đúng với là luật hay không. HĐND cũng phải tăng cường chức năng giám sát mạnh hơn.

Chủ tịch nước Lương Cường và các đại biểu Quốc hội đoàn TPHCM tại phiên thảo luận tổ Chủ tịch nước Lương Cường và các đại biểu Quốc hội đoàn TPHCM tại phiên thảo luận tổ

Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về quy định xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, cần có cơ chế cho phép Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét ban hành các văn bản hoặc ủy quyền ban hành văn bản giải quyết các vấn đề phát sinh để từ 1/3 tới bộ máy của nhà nước đi vào hoạt động.

Phát biểu tại tổ, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng cũng cho rằng, cả nước đang triển khai khối lượng công việc rất lớn để tiến hành cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị với những bước đi rất mạnh mẽ. Sau khi bộ máy mới đi vào hoạt động, các cơ quan chức năng như Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, Đảng ủy Chính phủ, Đảng ủy Quốc hội phải tiến hành tổng rà soát, đánh giá để xem bộ máy mới vận hành thông suốt chưa. Đồng thời, sẽ tiến hành tổng rà soát biên chế từ Trung ương đến địa phương gắn với chức năng nhiệm vụ mới của các cơ quan, tổ chức. “Tới đây ngành công an chấm dứt hoạt động của công an huyện, đặt ra yêu cầu điều chỉnh hoạt động của viện kiểm sát và tòa án. Sẽ phải nghiên cứu để báo cáo cấp có thẩm quyền, nhằm tổ chức lại hoạt động của các cơ quan này, và phải thực hiện trong năm nay” - đồng chí Lê Minh Hưng nêu…

Các ý kiến thảo luận cũng cho rằng, cần phải phát huy các sáng kiến, đề xuất của các địa phương; mối quan hệ giữa địa phương với Chính phủ cũng như giữa địa phương với các bộ.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo