Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Nhiều kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị y tế

Các đại biểu tham dự buổi khảo sát tại Bệnh viện Chợ Rẫy (ảnh: Đan Như)

(Thanhuytphcm.vn) - Nhiều quy định pháp luật chưa hợp lý, kịp thời, dẫn đến khi thực hiện tự chủ, bệnh viện gặp khó khăn. Giá thu bảo hiểm y tế (BHYT) và viện phí chưa kết cấu đủ chi phí, gây khó khăn cho bệnh viện trong việc cân đối nguồn thu… Đó là những vấn đề trong các buổi khảo sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM khi làm việc với Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Quận 11 vào ngày 30/9, về thực hiện cơ chế tự chủ tại bệnh viện và việc đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế tại bệnh viện giai đoạn 1/1/2020 đến 30/6/2022.

Nhiều quy định pháp luật chưa hợp lý, kịp thời

Trong buổi khảo sát của Đoàn ĐBQH TP tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bác sĩ Tôn Văn Tài, Trưởng Đơn vị đấu thầu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh viện thuộc hạng đặc biệt và được giao thực hiện cơ chế tự chủ theo nhiều giai đoạn. Từ năm 2022, bệnh viện thực hiện tự chủ theo Nghị định 60 (chi thường xuyên).

Tuy nhiên, Bác sĩ Tôn Văn Tài chia sẻ, hiện nhiều quy định pháp luật chưa hợp lý, kịp thời, dẫn đến khi thực hiện tự chủ, bệnh viện gặp khó khăn. Điển hình, giá dịch vụ khám chữa bệnh chưa được tính đủ, chỉ tính 4/7 cấu phần. Bên cạnh đó, chi phí điện, nước tính theo thời điểm ban hành giá, trong khi giá thay đổi theo tình hình nhà nước. Chi phí duy tu bảo dưỡng được tính 2-5%, nhưng hầu hết trang thiết bị y tế cũ nên cao hơn mức này. Chi phí tiền lương mới chưa được tính cho bộ phận gián tiếp. 

Bên cạnh đó, có mức giá nhà nước quy định cho hoạt động thu chưa tính phần tích lũy, chi phí quản lý, giá trị hư hao trong quá trình lưu bảo quản vật tư, thiết bị, dẫn đến nguồn thu thấp hơn nguồn chi.

Theo Bác sĩ Tôn Văn Tài, đối với giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, theo Nghị định 60 sẽ có mức cụ thể nhưng đến nay vẫn chưa có khung giá. Bệnh viện đề xuất thanh toán đủ 7 cấu phần trong giá dịch vụ y tế. BHYT cần xem xét sửa đổi Nghị định 146 trong thanh toán giá dịch vụ khám chữa bệnh.

Riêng với việc đấu thầu, mua sắm, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, thời gian qua, bệnh viện gặp nhiều khó khăn trong đấu thầu, mua sắm y tế, dẫn đến thiếu thuốc, vật tư y tế điều trị cho bệnh nhân. Việc mua thuốc hiếm gặp khó khăn trong cung ứng thuốc do nhiều nguyên nhân. Việc đấu thầu nên chọn giá hợp lý nhất chứ không phải giá thấp nhất để đảm bảo chất lượng vật tư phục vụ người bệnh. Bác sĩ Tôn Văn Tài kiến nghị cho phép các bệnh viện hạng 1 trở lên được lựa chọn thương hiệu trong mua sắm các trang thiết bị; và Bộ Y tế cần quy định chi tiết như thế nào là "tình huống cấp bách trong y khoa" để chỉ định thầu giúp kịp thời có thuốc cho người bệnh.

Bác sĩ Tôn Văn Tài cũng cho hay việc đặt máy, mượn máy sẽ đỡ được gánh nặng về chi phí nhà nước, phù hợp thông lệ quốc tế mà nhiều nước giàu vẫn áp dụng. Ở bệnh viện đặc biệt thì 3-5 năm là máy cũng đã xuống cấp, thiết bị mới ra đời. Các hệ thống máy xét nghiệm ở bệnh viện hiện nay chủ yếu là tự động với hàng loạt vấn đề đi theo là hóa chất, vật tư, không thể đem hóa chất máy này dùng cho máy kia, mà phải dùng hóa chất tương thích.

Khó khăn trong việc cân đối nguồn thu

Tại Bệnh viện Quận 11, Giám đốc Bệnh viện Quận 11 Phạm Quốc Dũng cho biết, hiện nguồn thu của bệnh viện chủ yếu từ hoạt động khám chữa bệnh BHYT (chiếm 60%) trong tổng nguồn thu của bệnh viện, trong khi đó chi phí thuốc, vật tư y tế chiếm tỷ lệ lớn và theo quy định bán theo giá gốc, không có lợi nhuận. Tuy nhiên, nguồn thu này phải đối diện với nguy cơ xuất toán BHYT rất lớn, điều này gây khó khăn cho bệnh viện.

Theo Bác sĩ Phạm Quốc Dũng, mặc dù chiếm tỷ trọng cao trong tổng nguồn thu nhưng giá thu BHYT và viện phí chưa kết cấu đủ chi phí, gây khó khăn cho bệnh viện trong việc cân đối nguồn thu để đảm bảo hoạt động thường xuyên và tái đầu tư. Việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cũng gặp nhiều khó khăn khi không có cơ chế riêng tuyển dụng bác sĩ có tay nghề.

Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Văn Thị Bạch Tuyết phát biểu ghi nhận tại buổi khảo sát. (ảnh: Đan Như) Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Văn Thị Bạch Tuyết phát biểu ghi nhận tại buổi khảo sát. (ảnh: Đan Như)

Từ thực tế, nhiều kỹ thuật viên gây mê, phòng mổ được bệnh viện đào tạo, có chứng chỉ hành nghề chuyển qua bệnh viện tư làm, do bệnh viện công không đáp ứng đủ lương; vấn đề tuyển dụng điều dưỡng, kỹ thuật viên, nữ hộ sinh cho bệnh viện hiện rất khó, Bác sĩ Phạm Quốc Dũng đề xuất đoàn ĐBQH TP kiến nghị Bộ Y tế có hướng dẫn và quy định về định mức kinh tế kỹ thuật chung để bệnh viện làm căn cứ xây dựng giá dịch vụ. Đồng thời kiến nghị Bộ Tài chính điều chỉnh giảm tỷ lệ trích nguồn cải cách tiền lương theo quy định để giảm bớt gánh nặng cho các đơn vị tự chủ. Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ Y tế, Bộ Tài chính thực hiện kết cấu chi phí vào giá thu theo lộ trình tính đúng, tính đủ giá viện phí, bổ sung thêm chi phí đầu tư về công nghệ thông tin, bệnh án điện tử vào giá thu viện phí.

Đại diện Khoa Dược của Bệnh viện Quận 11 cho biết, hiện tất cả các mặt hàng trên thị trường đều theo xu hướng tăng giá hàng năm, chỉ có mặt hàng thuốc thì lại có giá trúng thầu năm sau thấp hơn năm trước. Việc đấu thầu có quá nhiều văn bản hướng dẫn, khiến công tác triển khai rắc rối. Vì vậy, BHYT hoặc trung ương, địa phương đấu thầu xong thì bệnh viện sẽ mua theo; hoặc bảo hiểm xã hội đưa ra mức trần một hoạt chất, nhóm thuốc nếu bệnh viện mua vượt thì sẽ tự xử lý phần chênh lệnh, nếu dưới mức thì BHYT chi trả. 

S. Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo