Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Ngày Gia đình và vấn đề bình đẳng vợ chồng

Vợ chồng cùng nhau làm việc nhà sẽ giúp không khí gia đình tươi vui hơn. Ảnh minh họa (Ảnh: phunuvietnam.vn)

(Thanhuytphcmm.vn) - Nhiều người đến giờ vẫn hay nói vui: đã sinh ra trên đời này, tốt nhất nên làm con người, đã làm người thì nên làm đàn ông! Điều đó phản ánh một thực tế xã hội còn khá nhiều bất bình đẳng giới nói chung và bất bình đẳng trong quan hệ vợ chồng nói riêng. Không riêng gì Việt Nam mà nhiều nước khác trên thế giới vẫn còn tình trạng đó. Cá biệt, ở nhiều quốc gia, phụ nữ bị lệ thuộc chồng nhiều mặt và gần như không có cơ hội bàn đến vấn đề bình đẳng.

Trong xã hội ta cách đây chưa xa, không khó để nhận ra điều đó. Ở nông thôn, nếu không “đặt tiệc” cho các cơ sở dịch vụ thực hiện, mỗi khi có đám tiệc, giỗ chạp, đàn ông được ngồi nhà trên, được rung đùi ăn nhậu trong khi phụ nữ phải thức khuya, dậy sớm, lục đục làm gà làm vịt, nấu nướng không chỉ để cúng quảy mà còn để phục vụ các ông. Đến hồi tàn tiệc, trong khi các ông còn ngồi chén tạc chén thù thì các chị em đã phải dọn dẹp, rửa chén và chờ… châm thức ăn cho các ông nữa. Bất bình đẳng giới sinh ra bất bình đẳng trong quan hệ vợ chồng và bất bình đẳng trong quan hệ vợ chồng càng làm trầm trọng thêm bất bình đẳng giới.

Cũng không khó để thấy rằng ở nông thôn, bất bình đẳng vợ chồng trầm trọng hơn ở thành thị; gia đình có điều kiện kinh tế thấp thì bất bình đẳng vợ chồng sâu sắc hơn gia đình có điều kiện kinh tế khá; nhóm người có trình độ thấp thì bất bình đẳng vợ chồng nghiêm trọng hơn nhóm người có trình độ cao… Như vậy bất bình đẳng có tính xã hội rõ nét, đó là vùng miền, kinh tế, trình độ, thậm chí cả dân tộc, tôn giáo… Những bất bình đẳng đó, người thiệt thòi thường là phụ nữ, là người mẹ, người vợ, người con gái trong gia đình.

Bất bình đẳng trong quan hệ vợ chồng khiến người vợ chịu thiệt thòi nhiều mặt, từ vị trí trong gia đình đến các quyền lợi vật chất, tinh thần. Tài sản có đứng tên chung thì thường hạn chế quyền quyết định mà phụ thuộc vào ý chí của người chồng; việc nuôi dạy con cái nhiều khi cũng bị buộc theo ý chồng mà bản thân khó tham gia tác động; thường bị “xếp sau” về địa vị trong gia đình cũng như thụ hưởng các quyền lợi… Đã vậy, bản thân được “mặc định” là phải hy sinh cho chồng cho con nên nhiều người xem sự thiệt thòi, sự bất bình đẳng đó là bình thường, ít thể hiện ý chí đấu tranh, khắc phục.

Ngay cả ở đô thị, phụ nữ dù có công việc hẳn hoi vẫn lắm khi chịu thua thiệt với chồng. Ở nhiều gia đình, phụ nữ phải đưa đón con đi học, nấu nướng chăm lo bữa ăn cho cả nhà, làm việc nhà, chăm sóc việc học của con em, quan tâm gia đình hai bên… Còn người chồng, sau giờ làm thường tự cho mình được bù khú với bạn bè, chén tạc chén thù với đồng nghiệp, đi chơi thể thao thư giãn, cuối tuần thì cà phê cà pháo… Sự chung tay trong công việc gia đình của người chồng càng về sau này có tiến bộ nhiều nhưng trong nhiều trường hợp vẫn chưa thể hiện rõ sự bình đẳng, tính trách nhiệm. Hay trong giao tế xã hội, đàn ông có thể quan hệ rộng rãi, tiếp xúc với nhiều người nhưng đôi lúc chưa thoải mái khi vợ mình làm điều tương tự và không ít ông chồng mặc định rằng phụ nữ nên dành thời gian cho gia đình nhiều hơn.

Về mặt xã hội, những Ngày Quốc tế Phụ nữ, ngày Phụ nữ Việt Nam, ngày của mẹ… thì phụ nữ nói chung được tôn vinh, được đề cao nhưng trong gia đình, nhất là ở nông thôn và gia đình giới bình dân, người vợ, người mẹ vẫn ít được quan tâm, ít được chú ý chăm sóc. Những ngày đó thường trôi qua lặng lẽ, đôi khi trong sự lạnh nhạt của người chồng. Dường như không ít ông chồng có tâm lý ngại nhắc đến những ngày đó, e rằng sẽ ảnh hưởng đến địa vị, uy tín của mình. Cái tư tưởng “chồng chúa vợ tôi” tuy đã giảm nhiều nhưng dấu ấn hình như vẫn còn đọng lại đâu đó. Kể cả ở đô thị, khi người vợ, người mẹ được quan tâm vào các dịp đặc biệt thì cũng có nghĩa rằng những ngày khác thực sự chưa được thể hiện tình yêu thương, sự chăm sóc đúng mực, bởi nếu đã có thì cần chi đến điều đặc biệt ở ngày đặc biệt nữa!

Vì vậy, cuộc đấu tranh cho quyền bình đẳng vợ chồng nói riêng và bình đẳng giới nói chung vẫn còn dài và gian nan. Trong cuộc tranh đấu này, phụ nữ cần chủ động hơn, mạnh dạn hơn, quyết liệt hơn, kiên trì hơn. Bởi lý do lớn nhất là chính vì quyền lợi của phụ nữ, nếu không tranh đấu thì sẽ rất chậm thay đổi, dù rằng bình đẳng là vấn đề chung của hai giới, của xã hội, nhưng ai được lợi nhiều hơn từ bất bình đẳng đó thì họ có xu hướng duy trì hiện trạng. Nói cách nào đó, phụ nữ đang bị bất bình đẳng, đang có “nhu cầu” về bình đẳng nên phụ nữ phải đấu tranh, đấu tranh một cách thực sự chứ không phải chỉ nói suông. Đó là phải trang bị kiến thức để thay đổi nhận thức về vấn đề bình đẳng, từ đó mới có phương pháp đấu tranh hợp lý.

Trong cuộc đấu tranh ấy, phụ nữ phải thể hiện bản lĩnh, giá trị của mình, tuyệt đối tránh tâm lý chịu đựng, phụ thuộc, nhất là về mặt kinh tế. Phụ nữ cần tự trang bị cho mình vốn kiến thức về các lĩnh vực, khả năng độc lập về kinh tế và khi bắt đầu cuộc sống hôn nhân là phải thể hiện sự vun bồi, hợp tác chứ không phải trông cậy vào sự che chở, bảo bọc của người chồng. Phụ nữ cũng phải biết các thế mạnh riêng về giới, như việc sinh con, chăm con, vốn là điều đàn ông gần như không thể gánh vác, để từ đó xác lập vị thế của mình trong gia đình.

Có người nói, phụ nữ vốn đã vất vả giờ thêm cuộc tranh đấu này thì càng vất vả. Dù là như vậy nhưng nếu không tranh đấu thì sự vất vả ấy sẽ còn dai dẳng, đến nhiều thế hệ nữa!

Trúc Giang


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo