Nhiều mô hình được phát huy và nhân rộng
Báo cáo tại hội nghị, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó Trưởng Phòng tham mưu, Công an TPHCM cho biết, trong năm qua, lực lượng Công an đã phát huy vai trò tham mưu nòng cốt trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn, chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các giải pháp cụ thể, phù hợp với từng địa bàn, khu vực; đồng thời, chủ động triển khai mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trên các địa bàn trọng điểm.
Theo Thượng tá Nguyễn Thăng Long, việc lựa chọn địa bàn trọng điểm, phức tạp để tập trung chuyển hóa thực hiện đúng quy trình, bám sát các chỉ tiêu, tiêu chí và không vượt quá 15% so với tổng số xã, phường, thị trấn của TP. Tỷ lệ địa bàn chuyển hóa đạt các chỉ tiêu chiếm 44,68 %. Đây là sự cố gắng, nỗ lực trong triển khai chỉ đạo thực hiện của các địa phương.
Cũng theo Thượng tá Nguyễn Thăng Long, tại các địa bàn chuyển hóa, công tác phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ, tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm và điều tra khám phá giải quyết nhanh, kịp thời các vụ việc xảy ra đã tạo lòng tin và được sự đồng tình ủng hộ của người dân. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được đẩy mạnh với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đã tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân; hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) được nâng cao, nhiều mô hình tự phòng, tự quản về an ninh trật tự (ANTT) được phát huy và nhân rộng.
Theo báo cáo của Công an TPHCM, năm 2023 đã tổ chức xây dựng, biên soạn hàng trăm đầu tài liệu, các đoạn phim ngắn, phóng sự đăng tải trên các phương tiện truyền thông, các trang mạng xã hội. Qua công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân cung cấp cho các cơ quan chức năng 15.966 tin liên quan về ANTT, trong đó có 5.685 tin có giá trị; qua đó giúp lực lượng Công an xử lý 1.927 vụ việc với 2.222 đối tượng vi phạm hành chính và có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Tại hội nghị, Trưởng ban Phong trào Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Dương Thị Huyền Trâm cho biết, trong năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP xác định việc huy động sức mạnh của toàn dân tham gia phòng ngừa tội phạm là nhiệm vụ quan trọng. Theo đó, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân TP tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm; công tác cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ, tạo việc làm cho đối tượng phạm tội nhằm ngăn ngừa phát sinh tội phạm, giảm tỷ lệ tái phạm tội tại các địa bàn dân cư; xây dựng môi trường xã hội trong sạch, lành mạnh từ mỗi gia đình và khu phố, ấp… là một trong những giải pháp trọng tâm trong hoạt động tuyên truyền của MTTQ.
Bên cạnh đó, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp cùng Công an các cấp TP vận động nhân dân thành lập và triển khai hơn 40 loại mô hình tự phòng, tự quản về an ninh trật tự, trong đó có một số mô hình nổi bật, mang lại hiệu quả cao trong phòng chống tội phạm như: mô hình Camera giám sát an ninh trật tự, Nhà trọ công nhân tự quản về ANTT, Nhóm hộ tự quản, tự quản về ANTT, Ứng dụng mạng xã hội (Zalo) tuyên truyền phòng chống tội phạm, Tổ công nhân đường phố phòng chống tội phạm, Tổ Nhân dân tuần tra, Tổ Liên gia an toàn PCCC và điểm chữa cháy công cộng. Nổi bật như mô hình “giúp đỡ cảm hóa, giáo dục người tái hòa nhập cộng đồng tại cộng đồng dân cư” gọi tắt là mô hình “5+1”…
Theo đồng chí Dương Thị Huyền Trâm, thời gian qua, MTTQ các cấp phối hợp lực lượng Công an TP và cả hệ thống chính trị đã nỗ lực đề ra nhiều giải pháp đồng bộ bảo đảm tốt tình hình an ninh trật tự như: Tham mưu với cấp ủy, chính quyền tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý sai phạm, giải quyết triệt để các vụ việc phát sinh; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, nhất là quản lý cư trú, quản lý người nước ngoài, phòng cháy chữa cháy; xây dựng và duy trì các mô hình về phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ tại địa bàn dân cư...
Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng phong trào toàn dân
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận và đề ra những giải pháp nhân rộng mô hình, cách làm hay thúc đẩy việc thực hiện chuyển hóa địa bàn phức tạp về trật tự, an toàn xã hội gắn với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn, đặc biệt là tại các chung cư cao cấp. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chia sẻ về giải pháp vận động đoàn viên, hội viên nắm bắt tình hình dư luận nhân dân, tham gia chia sẻ lan tỏa những thông tin tích cực, các chủ trương, chính sách pháp luật của địa phương, viết tin bài phản bác quan điểm sai trái trên mạng xã hội góp phần tạo sự bình yên tại địa bàn dân cư.
Đại biểu phát biểu tại hội nghị Một số ý kiến cho rằng, cần tăng cường tuyên truyền, vận động được thực hiện thường xuyên, tạo sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của công nhân, viên chức, lao động và các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là các chủ nhà trọ. Qua đó, đã góp phần hiệu quả trong công tác ổn định tình hình ANTT, an toàn xã hội trên địa bàn TP. Đồng thời, cần đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, gắn với củng cố thế trận an ninh nhân dân và thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, nhất là ở khu vực có đồng bào tôn giáo, địa bàn chuyển hóa trọng điểm, phức tạp về ANTT.
Ngoài ra, cần tập trung rà soát, củng cố, xây dựng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; thanh loại các mô hình yếu, kém; nhân rộng các mô hình hiệu quả…
Kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Phạm Minh Tuấn đề nghị MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền; phát huy tốt vai trò của các phương tiện truyền thông tại cơ sở; tập trung tuyên truyền phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, kỹ năng phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tội phạm để Nhân dân cảnh giác, chủ động phòng chống và tích cực tham gia hỗ trợ các lực lượng chức năng đấu tranh, xử lý tội phạm, phòng chống tệ nạn xã hội.
Bên cạnh đó, tổ chức rà soát, lựa chọn nhân rộng các mô hình, tổ chức tự quả về an ninh, trật tự tại cơ sở phù hợp với tình hình tại địa bàn. Triển khai các mô hình về "dân vận khéo" theo chức năng, nhiệm vụ góp phần tuyên truyền phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm. Đồng thời, hệ thống MTTQ các cấp tiếp tục phối hợp, phát huy vai trò của Nhân dân tăng cường giám sát ở cơ sở nhằm kịp thời phát hiện và thông tin đến lực lượng công an xử lý các tụ điểm tệ nạn xã hội về cờ bạc, mại dâm, ma túy, mê tín dị đoan, truyền đạo trái pháp luật, truyền bá và phát tán văn hóa phẩm đồi trụy, bạo lực gia đình, ngược đãi trẻ em... Phát huy và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng nòng cốt ở cơ sở.
Ngoài ra, tích cực phối hợp giải quyết, tăng cường hòa giải ở cơ sở; giải quyết những mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ Nhân dân từ lúc vụ việc còn đơn giản; tiếp tục tập trung các giải pháp hỗ trợ về an sinh xã hội, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, tạo điều kiện vay vốn để sản xuất, kinh doanh cho người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo trong đó bao gồm cả các đối tượng tù tha, đặc xá trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng.