Thứ Ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024

Lỗ hổng thông tin và giải pháp đảm bảo an ninh trong trường học

Quang cảnh tọa đàm

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 17/3, tại Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10), báo Tiền Phong tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Lỗ hổng thông tin và giải pháp đảm bảo an ninh trong trường học”.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Nhà báo Lý Thành Tâm, Trưởng cơ quan Đại diện báo Tiền Phong tại TPHCM cho biết, thời gian qua, nhiều phụ huynh ở TPHCM liên tục nhận được những cuộc điện thoại mạo danh giáo viên, nhân viên y tế, nhân viên bệnh viện báo tin học sinh bị tai nạn đang ở bệnh viện và yêu cầu chuyển tiền gấp để cấp cứu. Không ít phụ huynh đã mắc bẫy và hiện tại cơ quan chức năng đang vào cuộc điều tra. Không chỉ xảy ra tại TPHCM, tình trạng lừa đảo còn lan rộng ra nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Long An, Đà Nẵng… và nhiều địa phương khác, gây hoang mang trong môi trường học đường. Tọa đàm với chủ đề “Lỗ hổng thông tin và giải pháp đảm bảo an ninh trong trường học”, nhằm nhận diện những dấu hiệu lừa đảo, đồng thời đưa ra những giải pháp ngăn chặn, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trong học đường.

Với nhiệm vụ tiếp nhận đơn các vụ việc tại đơn vị, Đại úy Huỳnh Đỗ Tấn Thịnh, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TPHCM nhận định, sau đại dịch, tình trạng lừa đảo có chiều hướng gia tăng và các đối tượng sử dụng rất nhiều thủ đoạn tinh vi để lừa đảo. Trong vụ việc nhiều vụ phụ huynh bị lừa chuyển tiền để cấp cứu cho con vừa qua, cơ quan chức năng thống kê, những kẻ lừa đảo đã lừa trên 5 tỷ đồng từ các phụ huynh. Nhiều ý kiến lo ngại về công tác bảo mật thông tin bởi đối tượng biết chính xác các thông tin cá nhân của nạn nhân, từ đó dễ dàng lừa đảo. Đại úy Huỳnh Đỗ Tấn Thịnh cho rằng, trong các vụ việc bị lộ thông tin cá nhân, phần lớn là do chính cá nhân đó làm lộ thông qua việc cung cấp thông tin khi sử dụng các dịch vụ…; một phần là do các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị bị lộ thông tin. Đặc biệt, hiện nay, kẻ xấu có rất nhiều cách, kỹ thuật để lấy thông tin cá nhân trên môi trường internet, như chèn mã độc, gửi tin nhắn rác; thậm chí dữ liệu cá nhân được rao bán trên mạng cũng rất nhiều…

Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena Võ Đỗ Thắng cho rằng, tội phạm công nghệ có nhiều kỹ thuật để có thể lấy được thông tin cá nhân qua không gian mạng. Trong khi đó, học sinh sử dụng thiết bị công nghệ ngày càng nhiều nhưng chưa lường trước được các cạm bẫy, rủi ro trên không gian mạng. Vì thế, trường học cần có chương trình giáo dục để nâng cao nhận thức, “tăng sức đề kháng” của học sinh trước các rủi ro, tác động của internet. Cùng với đó, nhà trường cần phải đưa những người có kiến thức chuyên môn về công nghệ để quản lý.

Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TPHCM Đặng Mạnh Trung phát biểu tại hội nghị Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TPHCM Đặng Mạnh Trung phát biểu tại hội nghị

Góc độ nhà trường, Hiệu trưởng Trường Trung THPT Nguyễn Du Huỳnh Thanh Phú chia sẻ, ngay khi tiếp nhận thông tin một số phụ huynh trên địa bàn bị kẻ gian mạo danh lừa chuyển tiền “để cấp cứu cho con”, nhà trường đã nhanh chóng có thông báo khẩn tới toàn thể phụ huynh của nhà trường để cảnh giác. Xảy ra vụ việc vừa qua là do vẫn có nhiều phụ huynh thiếu cập nhật thông tin về các vấn đề xã hội, các thủ đoạn lừa đảo hiện nay, đó là kẽ hở để các đối tượng lừa đảo. Mặt khác, một số trường cũng thiếu sự liên kết với phụ huynh.

Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TPHCM Đặng Mạnh Trung cho rằng, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin - Truyền thông cần liên tục cảnh báo hình thức lừa đảo này, để cung cấp thông tin đến người dân giúp người dân ý thức được hậu quả khi bị tội phạm công nghệ tấn công. Để ngăn chặn mưu đồ của tội phạm công nghệ cao, cơ quan chức năng đặc biệt là cơ quan công an cần có giải pháp kịp thời để xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Bản thân những người dễ bị tấn công, lợi dụng cần phải tăng cường phòng vệ để tăng sức đề kháng của mình, góp phần ngăn chặn tội phạm. Mỗi công dân cũng phải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý thông tin vi phạm. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần kiên quyết, nghiêm túc hạn chế và loại bỏ tội phạm chiếm đoạt thông tin để lừa đảo. Hành lang pháp lý đã quy định rõ từng hành vi vi phạm cụ thể. Tuy nhiên, cũng cần thiết rà soát lại việc vận hành luật và cần bổ sung cho hành lang pháp lý để khi có phát sinh thì ngăn chặn ngay, góp phần bảo đảm an toàn cho xã hội.

M.Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo