Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Kết nối để các thế hệ hôm nay hiểu thêm về lịch sử, sống có trách nhiệm với xã hội, đất nước

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chụp hình lưu niệm cùng các đại biểu. (Ảnh: Đan Như)

(Thanhuytphcm.vn) – Hướng đến kỷ niệm 77 năm Ngày Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2022) và Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2022), sáng 4/8, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM cùng đoàn công tác TPHCM đã có buổi khảo sát tại Địa đạo Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú.

Cùng tham gia có các đồng chí: Dương Anh Đức, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP; Trần Thế Thuận, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP; Nguyễn Mạnh Cường, Thành ủy viên, Chánh Văn phòng Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thọ Truyền, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy; đại diện các sở, ngành của TP;…

Câu chuyện của một nhân chứng lịch sử

Trước buổi khảo sát, các đại biểu đã dâng hương tại Nhà trưng bày Khu Di tích Lịch sử Quốc gia Địa đạo Phú Thọ Hòa.

Tại buổi khảo sát, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã tìm hiểu các hình ảnh, tư liệu; nghe thuyết minh về Địa đạo Phú Thọ Hòa. Đồng chí đã trực tiếp thăm quan một đoạn dưới đường hầm Địa đạo Phú Thọ Hòa. Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã gặp gỡ, trao đổi với cựu chiến binh Nguyễn Hùng Minh, 82 tuổi, con trai đồng chí Tám Lự - một trong 12 đồng chí đầu tiên tham gia đào Địa đạo Phú Thọ Hòa…

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trò chuyện cùng cựu chiến binh Nguyễn Hùng Minh. (Ảnh: Đan Như) Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trò chuyện cùng cựu chiến binh Nguyễn Hùng Minh. (Ảnh: Đan Như)

Kể lại với lãnh đạo TP, đồng chí Nguyễn Hùng Minh cho biết khi ba ông tham gia đào Địa đạo Phú Thọ Hòa, ông còn nhỏ. Sau này, ông có được nghe ba ông kể lại. Vì vậy, khi lớn lên tham gia kháng chiến, tham gia đào Địa đạo Củ Chi, ông Nguyễn Hùng Minh đã biết cách đào địa đạo…

Theo đồng chí Nguyễn Hùng Minh, năm 1945 cách mạng giành được chính quyền, sau đó thực dân Pháp tái chiếm ở Sài Gòn. Khi chiếm Sài Gòn, chúng tiếp tục đánh ra vùng ven, nơi có phong trào cách mạng. Khi đó, lực lượng cách mạng muốn bám trụ tại đây, muốn có “căn cứ lõm” để nắm tình hình trong TP thì bắt buộc là phải đào hầm. Lúc đầu là đào hầm dạng chữ A. Tuy nhiên khi lực lượng của ta lớn mạnh hơn phải đào hầm dài hơn để có chỗ ở lâu dài. Vùng đất Phú Thọ Hòa được chọn để đào địa đạo vì đây là vùng đất cao. Ở xã Phú Thọ Hòa khi đó, chỉ có ấp Lộc Hòa là vùng đất cao, địa hình sầm uất, nhiều cây cối, người dân đã sống theo kiểu “lũy tre làng”.

Đồng chí Nguyễn Hùng Minh cho biết, thời điểm đó, địch có đồn đóng ở Hòa Thịnh, sau đó chúng chiếm Bình Long, đồn địch đóng cách địa đạo chỉ khoảng 400m. Tuy nhiên, cùng với sự lãnh đao của Đảng, lực lượng cách mạng tại đây đã được nhân dân ủng hộ, bảo vệ.

Các đại biểu thăm quan Địa đạo Phú Thọ Hòa. (Ảnh: Đan Như) Các đại biểu thăm quan Địa đạo Phú Thọ Hòa. (Ảnh: Đan Như)

Kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai

Sau khi thăm quan, gặp gỡ nhân chứng lịch sử và nghe báo cáo của quận Tân Phú, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên bày tỏ niềm vui khi đến thăm Địa đạo Phú Thọ Hòa - một Di tích lịch sử quốc gia và được gặp đồng chí Nguyễn Hùng Minh, một nhân chứng lịch sử. Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, đây là điều rất quý, khi đồng chí Nguyễn Hùng Minh có thể kể chuyện lịch sử cho thiếu nhi, du khách đến thăm quan Địa đạo Phú Thọ Hòa. Vì đây là câu chuyện có giá trị của một nhân chứng lịch sử.

Về cảnh quan tại Địa đạo Phú Thọ Hòa, đồng chí Nguyễn Văn Nên cho rằng, cảnh tại đây còn những nét hoang sơ nên có ý nghĩa riêng của di tích. Tuy nhiên, phải xếp sắp một số hạng mục, trong đó tiếp tục chăm sóc, giữ lại những bụi tre, hình ảnh gắn với lịch sử nơi đây. Với các loại cây khác có thể chọn trồng một số cây có ý nghĩa đại diện 3 miền của đất nước.

Bí thư Thành ủy TPHCM cùng các đại biểu tham quan khu vực cửa hầm của Địa đạo Phú Thọ Hòa. (Ảnh: Đan Như) Bí thư Thành ủy TPHCM cùng các đại biểu tham quan khu vực cửa hầm của Địa đạo Phú Thọ Hòa. (Ảnh: Đan Như)

Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, đối với các nội dung trưng bày, giới thiệu tại Địa đạo Phú Thọ Hòa, cần bổ sung dần đến khi nơi đây trở thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh đúng nghĩa; qua đó để nơi đây không chỉ là một khu địa đạo có dấu ấn lịch sử. Vì vậy, cần có những hình ảnh sinh động liên quan sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước từ TP này; kết nối hình ảnh về việc thành lập Đảng, kết nối hình ảnh các chiến sĩ cách mạng từng hoạt động tại Địa đạo Phú Thọ Hòa thời kỳ đó...

“Phải kết nối lại để các thế hệ hiểu thêm về lịch sử.” - Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh; đồng thời cho rằng khi giáo dục trực quan các cho các thế hệ trẻ cần nghĩ đến cách giáo dục cho phù hợp với từng đối tượng, vì vậy phải đầu tư về cơ sở vật chất. Có thể là không gian nhỏ nhưng phải xứng đáng với tầm vóc lịch sử của Địa đạo Phú Thọ Hòa, công trình đã thể hiện sự độc đáo, sáng tạo của thế hệ trước.

Các địa biểu tham quan, tìm hiểu các hình ảnh, tư liệu tại Nhà trưng bày Khu Di tích Lịch sử Quốc gia Địa đạo Phú Thọ Hòa. (Ảnh: Đan Như) Các địa biểu tham quan, tìm hiểu các hình ảnh, tư liệu tại Nhà trưng bày Khu Di tích Lịch sử Quốc gia Địa đạo Phú Thọ Hòa. (Ảnh: Đan Như)

Đồng chí Nguyễn Văn Nên cũng nhấn mạnh cần kết nối được quá khứ, hiện tại, tương lai, để các thế hệ sau hiểu được là: để có được như hôm nay nhờ công lao các thế hệ cha ông đi trước; các thế hệ sau phải có sứ mệnh với Tổ quốc mình. Trong điều kiện khó khăn đã nảy sinh những sáng kiến, sáng tạo; trong điều kiện khó khăn, cha ông đã làm được những điều như vậy. Trong tình hình hiện nay, khi gặp những khó khăn, chúng ta cần tìm cách vượt qua.

Nhấn mạnh đến vai trò của nhân dân đối với việc tồn tại Địa đạo Phú Thọ Hòa, đồng chí Nguyễn Văn Nên cho biết, nếu không có nhân dân sẽ không có sự tồn tại của địa đạo này, không có sự ủng hộ của nhân dân sẽ không có sự thành công của cách mạng.

Các đại biểu dâng hương tại Nhà lưu niệm Khu Di tích Lịch sử Quốc gia Địa đạo Phú Thọ Hòa. (Ảnh: Đan Như) Các đại biểu dâng hương tại Nhà lưu niệm Khu Di tích Lịch sử Quốc gia Địa đạo Phú Thọ Hòa. (Ảnh: Đan Như)

Đồng chí Nguyễn Văn Nên lưu ý, ngành văn hóa TP cần có hoạt động kết nối Địa đạo Củ Chi và Địa đạo Phú Thọ Hòa để những người khi muốn đến Địa đạo Củ Chi sẽ đến thăm quan Địa đạo Phú Thọ Hòa; giới thiệu để du khách biết nơi đây là xuất phát điểm của Địa đạo Củ Chi. Cái đích cuối cùng là nói được về lịch sử của cha anh, để mọi người hiểu được khứ quá, sống có trách nhiệm với xã hội, đất nước.

Trước đó, báo cáo với đoàn công tác Bí thư Quận ủy quận Tân Phú Lê Thị Kim Hồng cho biết, thời gian tới, quận sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Du lịch, Sở Văn hóa – Thông tin để đề xuất UBND TP tiếp tục thực hiện giai đoạn tiếp theo như nâng cấp một số hạng mục Địa đạo Phú Thọ Hòa gắn với ứng dụng công nghệ,...

Thực hiện chủ trương kháng chiến chống thực dân Pháp của Ủy ban kháng chiến hành chính Nam bộ, từ cuối năm 1946 đến đầu năm 1947, dưới sự chỉ đạo của Quận ủy quận Gò Vấp, Chi bộ Đảng, Ủy ban kháng chiến hành chính xã Phú Thọ Hòa đã chọn ấp Lộc Hòa - nơi có địa hình phù hợp để đào hầm bí mật, giao thông hào và địa đạo nhằm bám trụ địa bàn, chống các cuộc càn quét của địch, bảo vệ và phát triển lực lượng cách mạng.

Mỗi ngày từ 22 giờ đến 3 giờ ngày hôm sau, đồng chí Lâm Quốc Đăng - Chi ủy viên quân sự xã chỉ huy dân quân du kích, quần chúng cách mạng cùng bộ đội Chi đội 12 bí mật đào địa đạo. Các má, các chị lo cơm nước hậu cần, xóa dấu vết. Địa đạo được đào sâu trong lòng đất hơn 3m, cao 1m, rộng từ 0,6m đến 0,8m. Hai bên có nhiều ngách đi sang nhiều hướng khác nhau, địa đạo có 2 tầng, đường đi của địa đạo có lúc trũng xuống có lúc trồi lên, có nhiều lỗ thông hơi và nhiều miệng hầm ngụy trang cẩn thận tùy thuộc địa hình tự nhiên của vùng. Từ 700m ban đầu tại ấp Lộc Hòa, địa đạo phát triển nối dài đến ấp Phú Thạnh, Bình Long, Bình Đông có tổng chiều dài khoảng 1km. Trên mặt đất được đào thêm hầm chiến đấu lộ thiên hình chữ L và giao thông hào, trồng thêm tre, dứa.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, địa đạo Phú Thọ Hòa là nơi trú ẩn, ém quân của nhiều đơn vị vũ trang thành phố và quân dân quận Gò Vấp, quận Tân Bình nay là quận Tân Phú. Địa đạo Phú Thọ Hòa là một trong những công trình kiến trúc nghệ thuật quân sự khởi đầu độc đáo, sáng tạo dưới lòng đất của quân và dân ta tại miền Đông Nam bộ.

Địa đạo Phú Thọ Hòa được trùng tu năm 1985 và được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định số 1460-QĐ/VH ngày 28 tháng 6 năm 1996.

S. Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo