Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Học tập, làm theo Bác từ những việc làm thiết thực

Người dân quét mã QR nộp thuế đất qua thanh toán dịch vụ công tại UBND phường Bến Thành, Quận 1

(Thanhuytphm.vn) - Sau gần 2 năm thực hiện Kết luận 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa XII) “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (Chỉ thị 05), nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân tại TPHCM đã có những việc làm, mô hình sáng tạo trên các lĩnh vực: Xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và chăm lo đến lợi ích thiết thực của người dân.

Trân trọng gửi đến bạn đọc loạt bài Học tập, làm theo Bác từ những việc làm thiết thực, qua đó thấy rõ hơn những nét mới trong thực hiện Chỉ thị 05 tại TPHCM thời gian qua.

Bài 1: Chính quyền thân thiện - chuyên nghiệp - hiệu quả

Trong nội dung xây dựng chính quyền vì dân, hầu hết các cơ quan hành chính cấp phường, xã, thị trấn và các quận, huyện, TP Thủ Đức đã đẩy mạnh thực hiện mô hình chuyển đổi số theo hướng nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính trên các lĩnh vực. Cách làm mới ở một số địa phương, đơn vị là đã  thể hiện một môi trường làm việc thân thiện - chuyên nghiệp - hiệu quả, được người dân đồng tình, đánh giá cao…

Ngồi nhà bấm điện thoại nhận kết quả hồ sơ

Cầm trên tay sắp hồ sơ xin giấy phép xây dựng, bà Nguyễn Thị Lụa (ngụ Phường 2, Quận 6), nói với nhân viên quầy số 4, Bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ, UBND Quận 6: “Giờ tôi phải làm sao đây. Mà dịch vụ công trực tuyến là gì, sao không nhận hồ sơ luôn đi còn trả lại?”. “Mời bà sang bàn hướng dẫn bên cạnh ạ”, nhân viên quầy số 4 nói. Tại bàn tư vấn dịch vụ công trực tuyến đặt cạnh quầy tiếp nhận hồ sơ, nhân viên Vương Chuyên An, tổ tư vấn dịch vụ công trực tuyến đứng lên mời bà Lụa ngồi vào bàn, mở máy vi tính lên, nói: “Bà vào trang web UBND Quận 6 nè”. “Nhưng tôi không biết sử dụng vi tính”, bà Lụa nói. “Vậy con ghi ra tờ giấy đường link và những hồ sơ cần nộp, bà về nhờ người nhà tải xuống rồi làm theo hướng dẫn, không phải lên đây nữa đâu”. Nói rồi, nam nhân viên này vừa ghi ra giấy, vừa đọc: “Thủ tục có 4 hồ sơ: Bản vẽ xây dựng, đơn xin cấp phép xây dựng, bản cam kết đảm bảo an toàn công trình liền kề, giấy chứng nhận nhà, đất. Sau đó tải lên trang web: cpxd-quân.hochiminhcity.gov.vn, dịch vụ công trực tuyến”. Cầm tờ giấy có ghi đầy đủ thông tin, bà Lụa cám ơn nam nhân viên, ra về.

Tổ tư vấn dịch vụ công trực tuyến, UBND Quận 6 hướng dẫn người dân nộp hồ sơ nhà đất qua trực tuyến Tổ tư vấn dịch vụ công trực tuyến, UBND Quận 6 hướng dẫn người dân nộp hồ sơ nhà đất qua trực tuyến

10 ngày sau, chúng tôi liên lạc với bà Lụa hỏi xem có khó khăn gì không, bà Lụa vui mừng nói: “Mới nhận hôm qua, họ giao tận nhà, mừng quá. Đứa cháu làm cho tôi hết đấy, nhanh lắm, hẹn đúng 9 ngày là có. Lúc gửi hồ sơ lên, họ chỉ yêu cầu sửa một chút trong tờ đơn xin phép xây dựng, rồi báo đã hoàn thành, hẹn ngày giao bưu điện chuyển về tận nhà”.

Đó là 1 trong 5 thủ tục hành chính được áp dụng thí điểm tại Quận 6 gần 1 năm qua theo mô hình hệ thống tiếp nhận và trả hồ sơ tự động 24/7 (tiếp nhận, trả hồ sơ 24 giờ trong ngày) cho gần 2.000 hồ sơ, vừa tiết kiệm được thời gian xử lý hồ sơ, vừa tạo ra lợi ích bằng tiền ước khoảng hơn 300 triệu đồng và người dân không phải đến cơ quan hành chính nộp hồ sơ hay nhận kết quả.

Quận 1 cũng là địa phương đi đầu áp dụng chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính với 47 thủ tục hành chính ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên 10 lĩnh vực, gồm: lao động, kinh tế, tài chính, văn thư lưu trữ, đô thị, hộ tịch, y tế, giáo dục, nội vụ, tài nguyên và môi trường. Qua đó bảo đảm giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp đúng hạn với tỷ lệ luôn đạt 100%. Trong đó, phường Bến Thành có 3 ứng dụng mới, gồm: Nâng cấp 25 dịch vụ công trực tuyến thuộc các lĩnh vực tôn giáo, thi đua - khen thưởng, văn hóa - xã hội… tiếp nhận, trả kết quả trong ngày; trả các khoản phí, lệ phí, thuế đất phi nông nghiệp qua hình thức quét mã QR và thiết lập trang zalo Official Account (OA) “UBND phường Bến Thành Quận 1” cung cấp thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, các văn bản chỉ đạo, điều hành của Trung ương, TPHCM và các hoạt động, sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội đến người dân trong phường.

Phục vụ dân mọi lúc, mọi nơi

Trù tính từ nhà ở phường Tân Thới Nhất lên Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, UBND Quận 12 làm hồ sơ nhà đất khoảng 30 phút, nên ông Nguyễn Lân đợi đến gần cuối giờ sáng mới đi. Không ngờ, trên đường đi gặp lúc đường đông, nhiều đoạn kẹt xe mất gần 1 tiếng đồng hồ. Lên tới UBND quận đúng giờ nghỉ trưa, tính quay về đến đầu giờ chiều lên lại, thì có tiếng gọi hỏi của một nữ nhân viên ở quầy số 9, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, vọng ra: “Anh qua phòng bên cạnh có người nhận hồ sơ giải quyết ngoài giờ cho”. Lúc này đã là 12 giờ kém nhưng mở cửa phòng ra, anh Lân đã thấy 5 người đang ngồi chờ tới lượt để nộp hồ sơ. Hai nam nhân viên liền tay sắp, kiểm hồ sơ của từng người, xem còn thiếu gì không. “Hồ sơ này còn thiếu căn cước công dân của người bán. Nhà chú gần đây, tranh thủ chạy về lấy lên bổ sung nhé” - nhân viên giải thích. Đợi 30 phút thì tới hồ sơ của ông Lân với chỉ 10 phút là hoàn thành. Nhìn đồng hồ mới hơn 1 giờ, ông Lân nở nụ cười thật tươi: “Cám ơn anh nhé, may quá, kịp giờ làm buổi chiều của tôi”.

Người dân quét mã QR nộp thuế đất qua thanh toán dịch vụ công tại UBND phường Bến Thành, Quận 1 Người dân quét mã QR nộp thuế đất qua thanh toán dịch vụ công tại UBND phường Bến Thành, Quận 1

Đó là mô hình “Giải quyết hồ sơ hành chính cho dân ngoài giờ làm việc” được Văn phòng UBND Quận 12 thực hiện hơn 1 năm qua, ghi nhận với gần 3.000 hồ sơ trên các lĩnh vực nhà đất, xây dựng, tư pháp… được tiếp nhận, giải quyết ngoài giờ làm việc. Trong đó, thời gian nghỉ trưa từ 11 giờ 30 đến 13 giờ 30 hàng ngày được thực hiện thông tầm, tiếp nhận, giải quyết mọi trường hợp khi có yêu cầu. Mô hình này còn áp dụng phục vụ dân vào buổi sáng trong ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật đối với những trường hợp đặc biệt, khẩn cấp. Tại UBND 10 phường trong quận, các trường hợp khai sinh, khai tử, chứng thực hồ sơ gấp theo yêu cầu của người dân còn được UBND phường cử cán bộ giải quyết ngay trong đêm, tại trụ sở UBND phường hay nhà riêng. Nói về cách thức phục vụ mọi nơi, mọi lúc của chính quyền địa phương này, bà Hà Thị Thắm (ngụ phường Thới An), cười vui: “Chỉ có thể là chính quyền của dân, vì dân…”. 

Ở huyện Bình Chánh cũng có cách làm tương tự Quận 12, với mô hình “Xin lỗi dân khi trễ hẹn giải quyết hồ sơ hành chính”. Cũng như nhiều quận, huyện ở TPHCM những năm qua thực hiện chương trình “Thư xin lỗi vì trễ hẹn”, huyện Bình Chánh không chỉ gửi thư xin lỗi mà còn cử cán bộ đến tận nhà dân tìm hiểu về đời sống, sinh hoạt và có vướng mắc gì trong gia đình để hỗ trợ, giải quyết kịp thời. Nhờ vậy, trong 8 thư xin lỗi gửi đến người dân trong năm qua, khi tới tận từng nhà đã hướng dẫn, hỗ trợ được 21 vụ việc khó khăn, vướng mắc cần được giải quyết. Khi đến trực tiếp với dân, chính quyền ở nhiều nơi còn tiếp nhận được hơn 100 kiến nghị, phản ánh về đất đai, quy hoạch, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, kịp thời phối hợp với cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm. Cũng với mô hình “Thư xin lỗi”, UBND Quận 7 đã gửi thư xin lỗi đến người dân và doanh nghiệp qua email, zalo, tin nhắn điện thoại và cử cán bộ đến tận nơi nắm bắt thêm các phát sinh mới để kịp thời giải quyết, tránh gây bức xúc của người dân.

Hay tại huyện Nhà Bè, mô hình “Nhà Bè Trực tuyến” không chỉ nâng tỷ lệ người dân tham gia cài đặt các ứng dụng trực tuyến trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính, đơn thư, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp lên hơn 40% (trên tổng số hồ sơ, đơn thư) trong thời gian ngắn vừa qua, mà còn tạo ra kênh nắm bắt thông tin phản ánh nhanh, giải quyết kịp thời được gần 600 trường hợp có khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính, khiếu nại, tố cáo…

Hoài Nam


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo