Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Hiệu quả điều trị rung nhĩ chỉ đạt được khi người bệnh uống thuốc đầy đủ, đúng liều

Khám, tư vấn bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM

(Thanhuytphcm.vn) – Thông tin từ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM ngày 27/11 cho biết, bệnh viện tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân H.V.M. (58 tuổi, ngụ Tiền Giang) bất ngờ đột ngột liệt nửa người trái, méo miệng, nói đớ.

Ông M. phát hiện rung nhĩ cách đây 7 năm, được chỉ định dùng thuốc kháng đông để dự phòng đột quỵ. Cách đây một tuần, ông M. tái khám trễ và ngưng thuốc kháng đông trong 2 ngày. Sáng hôm tái khám ông bất ngờ đột ngột liệt nửa người trái, méo miệng, nói đớ và được chuyển xuống phòng Cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán ông M. bị đột quỵ có thể do thiếu máu não liên quan đến rung nhĩ.

Ông M. nhanh chóng được chụp cắt lớp sọ não và mạch máu não, được chuyển lên can thiệp nội mạch cấp cứu, lấy được cục máu đông, thông lại mạch máu. May mắn được cấp cứu ngay trong bệnh viện, sau can thiệp, người bệnh hồi phục tốt, chỉ còn yếu nhẹ tay trái. Các bác sĩ đánh giá, nếu không cấp cứu kịp thời, người bệnh sẽ bị nhồi máu não diện rộng, hư hại gần một nửa não bộ, có thể phù não nặng nguy hiểm tính mạng, nếu sống sót cũng sẽ liệt nửa người và rối loạn lời nói. Sau khi tình trạng bệnh ổn định, người bệnh được chỉnh liều kháng đông cho phù hợp để tiếp tục dùng thuốc lâu dài.

TS.BS Bùi Thế Dũng, Trưởng khoa Nội Tim mạch Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cho biết, một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của rung nhĩ chính là đột quỵ. Trong điều kiện thuận lợi, máu di chuyển trong mạch máu ở trạng thái lỏng. Tuy nhiên khi xảy ra bất thường, máu bị ứ đọng ở tuần hoàn sẽ vón cục lại, hình thành nên huyết khối.

Trong trường hợp rung nhĩ, tần số của nhĩ đập khoảng 300-600 lần/phút. Điều này góp phần hình thành nên cục máu đông trong tim. Người bệnh và bác sĩ rất khó phát hiện ra cục máu đông vì chúng chưa có bất kỳ biểu hiện nào về sức khỏe. Chỉ khi tiến hành siêu âm tim thì bác sĩ mới quan sát được sự hiện diện của cục máu đông nếu chúng có kích thước đủ lớn.

Tuy nhiên không phải người bệnh nào cũng có nguy cơ đột quỵ giống nhau. Một trong những biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay giúp người bệnh rung nhĩ phòng ngừa tốt nguy cơ đột quỵ chính là sử dụng các loại thuốc kháng đông. Đây là loại thuốc làm loãng máu với mục đích ngăn cản sự hình thành cục máu đông bất thường trong cơ thể.

Theo ThS.BS Lương Cao Sơn, Phó Trưởng khoa Nội Tim mạch Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, hiệu quả điều trị rung nhĩ chỉ đạt được khi người bệnh uống thuốc đầy đủ, đúng liều, tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ và duy trì liên tục mà không được tự ý ngưng thuốc. Tuy nhiên thực tế hiện nay có nhiều người bệnh vì lý do quên, bận rộn nên không uống đúng - đủ thuốc theo chỉ định. Điều này có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

Ng. Nam


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo