Thứ Hai, ngày 17 tháng 3 năm 2025

Đề nghị làm rõ phân cấp, phân quyền mạnh mẽ và hợp lý giữa Trung ương và địa phương

ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh)

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 14/2, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

Các đại biểu (ĐB) tán thành việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ để thực hiện chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ và chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền, khắc phục những hạn chế, bất cập trong luật hiện hành. Nhưng một trong ý kiến chung của các ĐB là đề nghị làm rõ phân cấp, phân quyền mạnh mẽ và hợp lý giữa Trung ương và địa phương.

Có ý kiến cho rằng việc dự thảo quy định Thủ tướng không quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ là rất phù hợp với vai trò quản trị nền hành chính quốc gia, không nên để những công việc mang tính chất sự vụ nhỏ vẫn giao cho Thủ tướng.

Nhiều ĐB băn khoăn khi dự thảo chưa quy định rõ việc nào của Trung ương, việc nào thuộc về địa phương, điều này sẽ gây rắc rối trong quá trình điều hành; nếu không quy định rõ việc phân cấp, thì ngay cả một việc đơn giản như vận hành các hồ thuỷ điện cũng phải xin ý kiến Thủ tướng, điều này sẽ hạn chế rất nhiều quyền hạn các bộ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Có ý kiến đề nghị cần bổ sung nguyên tắc phân quyền có điều kiện, chỉ phân quyền địa phương đủ năng lực tài chính, nhân lực, năng lực quản trị; cần xây dựng chỉ số đánh giá năng lực quản trị của từng địa phương trước khi phân quyền; đề nghị thành lập Hội đồng kiểm soát phân quyền để giám sát chặt chẽ việc thực hiện. Nếu phân cấp mà thiếu cơ chế giám sát chặt chẽ, có thể dẫn đến sự lạm quyền trong phân cấp. Phân cấp quá mạnh có thể khiến địa phương đưa ra các quyết định không đồng bộ với Trung ương. Do đó, cần bổ sung cơ chế thẩm định hiệu quả phân cấp, quy định rõ nhiệm vụ nào bắt buộc phải có báo cáo đánh giá hàng năm, các quyết định phân cấp phải được Quốc hội giám sát định kỳ…

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh tư duy đột phá trong xây dựng luật Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) đó chính là hoàn thiện nguyên tắc phân quyền, phân cấp nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo để thúc đẩy tự chủ, tự chịu trách nhiệm, năng động sáng tạo của cả hệ thống hành chính nhà nước. “Đây là một vấn đề xuất mới mang tính lịch sử chưa có tiền lệ nhưng cần thiết đặt trong bối cảnh, điều kiện rất đặc biệt của đất nước để đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, Bộ trưởng nêu.

Phiên thảo luận tại hội trường ngày 14/2 Phiên thảo luận tại hội trường ngày 14/2

Bộ trưởng cho biết sẽ nghiên cứu tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến đóng góp của các ĐB, tập trung làm rõ và nhấn mạnh vấn đề mang tính cốt lõi, căn cơ trong lần sửa đổi này là hoàn thiện nguyên tắc phân cấp, phân quyền, ủy quyền theo Hiến định và chủ trương của Đảng nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, thúc đẩy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm, năng động sáng tạo của các cơ quan hành chính nhà nước nhất là chính quyền địa phương; tạo hành lang pháp lý để xử lý những vấn đề thực tiễn, tháo gỡ các “điểm nghẽn” về thể chế và khơi thông nguồn lực...

Cũng trong ngày 14/2, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước. ĐB Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế) đề nghị dự thảo Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 1/3/2025 để các đơn vị có cơ sở triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đối với lực lượng công an, hiện nay, lực lượng công an đang thực hiện không tổ chức công an cấp huyện, mà theo quy định của pháp luật về hình sự thì lực lượng công an là cơ quan trực tiếp đầu tiên thực hiện các hoạt động tố tụng. “Nếu nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/3 thì thời gian còn rất ngắn để các cơ quan viện, tòa thực hiện công việc tiếp theo và sẽ khó có sự điều chỉnh phù hợp với việc giải thể công an cấp huyện. Vì vậy, đề nghị cần có cơ chế đặc thù riêng hoạt động để phục vụ cho hoạt động tố tụng”, ĐB Nguyễn Thị Sửu nêu.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo