Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc hợp lý giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp sáng 31/5

(Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, sáng 31/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Truyền hình Quốc hội Việt Nam. Dự thính phiên họp có 105 đại biểu là Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND của 32 tỉnh thành. 

Các ý kiến chỉ rõ những khó khăn và yếu tố bất lợi tác động đến chỉ tiêu năm 2023 như đầu tư công triển khai chậm, tiêu dùng và xuất khẩu giảm, thị trường xuất khẩu và đơn đặt hàng bị thu hẹp, nguồn lực của doanh nghiệp suy giảm nhiều… Từ đó, cho rằng Chính phủ cần điều hành quyết liệt, hiệu quả các giải pháp.

ĐB Trần Thị Vân (Bắc Ninh) đồng thuận với với giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng 2% cho doanh nghiệp, gói hỗ trợ mua nhà ở xã hội cho công nhân lao động. Tuy nhiên, việc giải ngân các gói hỗ trợ còn giải ngân rất thấp nên cần đẩy nhanh tiến độ. ĐB Đặng Xuân Phương (Nghệ An) chỉ rõ, làm sao để bảo đảm việc thực thi các chính sách kinh tế - xã hội, cân nhắc hợp lý giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, vì việc hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,5% là không dễ. ĐB kiến nghị trên cơ sở dự báo kinh tế cần có khuyến cáo để các doanh nghiệp và hộ gia đình chủ động hạn chế đầu tư, mở rộng năng lực sản xuất… 

Quốc hội sáng 31/5 Quốc hội sáng 31/5

ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho rằng, biện pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất và doanh nghiệp dễ hấp thụ nhất trong lúc này chính là dùng công cụ tài khóa để hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp như giảm lãi suất ngân hàng, giảm tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm, giãn, miễn lãi chậm nộp bảo hiểm xã hội... Bên cạnh đó, Quốc hội, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách riêng, cụ thể về đầu tư công; quyết tâm, sát sao hơn nữa để gỡ các vướng mắc nhất là các vướng mắc về thể chế, văn bản hướng dẫn cho các địa phương.

Về các vấn đề xã hội, đáng chú ý, ĐB Tô Ái Vang (Sóc Trăng) quan tâm đến tỷ lệ thất nghiệp ngày càng gia tăng. ĐB kiến nghị các bộ, ngành liên quan sớm hoàn chỉnh dữ liệu thống kê về tình trạng thất nghiệp hiện nay. Trong đó phân thất nghiệp thành ba loại chính: thất nghiệp xảy ra khi có sự mất cân đối về mặt cơ cấu giữa cung và cầu lao động; thất nghiệp do tình trạng suy thoái về kinh tế và thất nghiệp xảy ra, quy luật cung cầu trên thị trường. Từ đó có những giải pháp hữu hiệu nhất.

ĐB Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) cũng cho rằng cần giải pháp đồng bộ về vấn đề việc làm, vì mất việc làm có thể được xem là một trong những rủi ro lớn nhất. Người lao động sẽ không còn khả năng chi trả cho các nhu cầu thiết yếu như chăm sóc sức khỏe, y tế, lương thực, thực phẩm…

ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) quan tâm tới tình trạng bạo lực học đường đang có diễn biến phức tạp hiện nay. Cùng ý kiến, ĐB Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) cho rằng vấn nạn bạo lực học đường và trẻ em bị xâm hại ngày càng tăng lên. Vì vậy, Chính phủ phải có chính sách và tập trung tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ cho gia đình để cùng chung tay ngăn chặn tình hình bạo lực học đường cũng như xâm hại trẻ em.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) đề nghị Chính phủ trả lời bao giờ có đủ vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, vì chậm ngày nào thì trẻ em càng chịu thiệt. ĐB đề nghị không được đẩy cho địa phương giải quyết vấn đề này, Chính phủ phải bảo đảm kinh phí mua đủ vaccine.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) thảo luận tại hội trường sáng 31/5 Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) thảo luận tại hội trường sáng 31/5

Về tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, ĐB Phạm Khánh Phong Lan đề nghị trả lời rõ hiện nay đã giải quyết ra sao, bao giờ chấm dứt, bài học nào rút ra để sau này không tái diễn, không để Chính phủ phải ra nghị quyết tháo gỡ. Khi thiếu thuốc, người dân phải ra ngoài mua thuốc, không được bảo hiểm y tế, vậy ai chịu trách nhiệm, cần trả lời rõ ràng những câu hỏi này.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn - Trà Vinh Đại biểu Trần Quốc Tuấn - Trà Vinh

Đáng chú ý, ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) phát biểu cho rằng, cần có giải pháp cho căn bệnh “sợ trách nhiệm”. ĐB đặt câu hỏi tại sao từ trước tới nay không xuất hiện hiện tượng cán bộ có tâm lý, sợ trách nhiệm mà đến nay mới xuất hiện? Không những thế, còn lan rộng từ Trung ương đến địa phương và tiếp tục lan rộng từ khu vực công đến khu vực tư. Do vậy, theo ĐB cần phải xác định được nguyên phát của căn bệnh này thì mới có thể điều trị bệnh một cách hiệu quả. Cần phân hóa, phân định rõ một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm ấy gồm những kểu cán bộ nào và nguyên nhân nào dẫn đến sự tồn tại của một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm như thế. ĐB đề xuất Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm tập trung nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung đầy đủ các nội dung quy định của pháp luật, đặc biệt là các văn bản dưới luật, đảm bảo tính chặt chẽ, thống nhất, dễ áp dụng để các địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân khi trận tiến vào đó là có thể triển khai thực hiện được ngay.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo