Cần quan tâm đầu tư tương xứng cho y tế cơ sở
Đáng chú ý, về y tế dự phòng, báo cáo chỉ rõ: khi phải đối mặt với những tình huống y tế khẩn cấp trên diện rộng như dịch Covid-19, hệ thống y tế nhất là y tế cơ sở và y tế dự phòng ở nhiều nơi bộc lộ rõ những tồn tại, yếu kém. Nhân lực y tế cơ sở, y tế dự phòng tuy đã được củng cố song vẫn còn thiếu về số lượng, hạn chế về trình độ, năng lực chuyên môn. Đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng còn chưa thỏa đáng, chưa tương xứng với quan điểm “y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng”. Cơ chế tài chính cho hoạt động của y tế cơ sở chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu.
Đây cũng là vấn đề mà nhiều ĐBQH tập trung thảo luận. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, cần phải quan tâm hoàn thiện đầu tư tương xứng cho hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng.
PGS. Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (đoàn Bình Định) cho rằng, phát triển y tế dự phòng là thách thức lớn nhất trong giai đoạn hiện nay. Theo ĐB, tăng lương, xây cơ sở đẹp, mua máy móc không giải quyết được gốc rễ vấn đề, bởi lương không thể tăng mãi. Cơ sở khang trang mà không có bệnh nhân; máy móc hiện đại mà không ai biết sử dụng. Cuối cùng là lãng phí rất lớn. Do đó, để y tế dự phòng thực hiện đúng chức năng, cần thử nghiệm mô hình mới, coi trạm y tế xã, phường là phòng khám của Trung tâm y tế huyện. Giao thêm quyền và trách nhiệm cho Trưởng trạm y tế, động viên họ để phát triển thế mạnh của mình… Khi đã vận hành trơn tru, có thể tiến lên bước nữa là phối hợp giữa các bệnh viện tỉnh và các trung tâm y tế quận, huyện. Cùng với đó, số hóa ngành y tế bao gồm quản lý sức khỏe, khám chữa bệnh từ xa sẽ là chìa khóa thành công cho hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Các ĐB đều đề nghị tiếp tục đầu tư nhân lực, vật lực, tài lực để phát triển hệ thống y tế cơ sở nhằm phát huy tối đa nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe toàn dân trong tình hình mới trên tinh thần bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trước hết, trên hết. ĐB Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) cho rằng, không đầu tư thỏa đáng cho y tế dự phòng thì không thể tập trung thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống bệnh truyền nhiễm, kiểm soát các yếu tố nguy cơ nâng cao sức khỏe cho người dân.
Các ĐB cũng cho rằng, tỷ lệ chi cho y tế dự phòng trong tổng chi ngân sách nhà nước dành cho y tế tuy tăng dần qua các năm nhưng vẫn chưa đạt 30% so với quy định tại Nghị quyết 18 của Quốc hội và Nghị quyết 20 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, nên không thể đảm bảo thực hiện hiệu quả hoạt động y tế dự phòng nói chung, nhất là Chương trình trình tiêm chủng mở rộng. Vì vậy, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine giảm liên tiếp từ 94,8 % năm 2018 xuống còn 80,4 % năm 2022.
Để công tác y tế dự phòng đi vào nề nếp và phát huy hiệu quả, đạt được mục tiêu, tiến tới một nền y tế Việt Nam công bằng và hiệu quả, các ý kiến đề nghị tăng cường bảo đảm cho y tế dự phòng đủ 30% ngân sách của ngành y tế theo tinh thần Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương. Đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu ngân sách trung ương hỗ trợ cho các địa phương, nhất là các địa phương còn khó khăn về thu ngân sách cho y tế dự phòng nói chung và chương trình tiêm chủng mở rộng nói riêng. Trước mắt cần phân bổ ngay gần 5.000 tỷ đồng và có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giải ngân 14.000 tỷ đồng của chương trình phục hồi đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng.
ĐB Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) ĐB Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) và nhiều ĐB cho rằng, tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam là trên 73 tuổi, nhưng tỷ lệ tuổi thọ sống tốt, sống khỏe chỉ có 64 tuổi, thấp nhất so với các nước trong khu vực. Đây là điều đáng lưu tâm. Do đó, Chính phủ cần tăng cường nguồn nhân lực phục vụ cho y tế dự phòng. Trong đó cần cải thiện chế độ chính sách để thu hút, giữ chân người làm y tế cơ sở; tăng cường đào tạo cho đội ngũ nhân lực cơ sở.
Đề nghị Chính phủ công bố tình trạng hết dịch Covid
Về nội dung huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, các ý kiến đồng tình với kiến nghị của đoàn giám sát, trong đó, đề nghị Quốc hội ghi nhận sự đóng góp đặc biệt của toàn thể Nhân dân, các lực lượng đối với công tác này. Đồng thời, sớm giải quyết những khó khăn, vướng mắc hiện nay liên quan đến sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
ĐB Tráng A Dương (Hà Giang) đề nghị Quốc hội quy định rõ trong Nghị quyết giám sát về việc giao Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Y tế khẩn trương hướng dẫn ngay việc xác lập sở hữu toàn dân đối với những tài sản tài trợ trong phòng, chống dịch Covid-19 để quản lý, sở hữu, sử dụng, nhất là đối với các cơ sở y tế; xác định tính giá dịch vụ và thanh toán bảo hiểm y tế.
ĐB Nguyễn Lân Hiếu và một số ĐB đề nghị Chính phủ công bố tình trạng hết dịch Covid vì đã đủ điều kiện, chỉ đạo Bộ Y tế hướng dẫn chuyên môn về quản lý, sử dụng vaccine, nhất là phác đồ tiêm chủng.
ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) Đáng chú ý, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, đã có những sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, thậm chí có những sai phạm xảy ra trong những lĩnh vực rất ít có sai phạm như nghiên cứu khoa học, nghiệm thu, chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, ĐB đồng tình với quan điểm, tham ô, tham nhũng trong hoạt động phòng, chống cần xử lý thật nghiêm khắc nhưng cũng cần xem xét thật có lý, có tình thật công bằng với những ai sai phạm nhưng không phải vụ lợi mà vì để kịp thời chống dịch, vì lợi ích của cộng đồng.
Đặc biệt, ĐB Nguyễn Anh Trí cũng đề nghị Việt Nam ngừng nghiên cứu sản xuất vaccine phòng Covid-19, vì đã là quá muộn để nghiên cứu sản xuất loại vaccine này. Cần tìm mua loại vaccine tốt, với giá cả hợp lý và đủ để tiêm phòng cho Nhân dân.
Cũng liên quan đến vấn đề vaccine, ĐB Lò Thị Luyến (Điện Biên) nếu nguy cơ bùng phát một số bệnh do thiếu vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Theo tính toán, đến tháng 7/2023, các địa phương sẽ không còn vaccine, như vậy, nguy cơ bùng phát một số dịch bệnh đã kiểm soát và khống chế được đang hiện hữu; kết quả to lớn của chương trình tiêm chủng mở rộng hơn 40 năm qua có thể bị phá vỡ. ĐB đề nghị Chính phủ tiếp tục cân đối ngân sách trung ương và giao cho Bộ Y tế mua, cung ứng vaccine cho địa phương như trước đây.