Thứ Sáu, ngày 21 tháng 3 năm 2025

Bế mạc phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Chuẩn bị kỹ lưỡng cho kỳ họp bất thường lần thứ 9

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho ý kiến tại phiên họp

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 10/2, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến đối với Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Theo tờ trình Đề án do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, năm tăng tốc, bứt phá, về đích, đồng thời là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng và củng cố, chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng để thực hiện thắng lợi Chiến lược 10 năm 2021-2030, đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Chỉ tiêu 2021-2025 nào chưa đạt thì phải quyết tâm hoàn thành; chỉ tiêu nào đạt rồi thì phải nâng cao chất lượng, hiệu quả. Do đó, tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 cần đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian đủ dài (bắt đầu từ năm 2026). “Tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thẩm tra Đề án, Ủy ban Kinh tế cơ bản thống nhất với mục tiêu, yêu cầu, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế lưu ý, tình hình sản xuất, kinh doanh đầu năm 2025 chưa có nhiều khởi sắc, do vậy, đề nghị Chính phủ tập trung phân tích, đánh giá các điều kiện thực hiện để bảo đảm tính khả thi của Đề án, đặc biệt cần chú trọng các giải pháp bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, an toàn nợ công. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cân nhắc về việc điều chỉnh chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động vì chỉ tiêu này có mối tương quan chặt chẽ với chỉ tiêu tăng trưởng GDP.

Qua thảo luận, UBTVQH thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh tốc độ tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân khoảng 4,5 - 5%; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP… Và bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 như Chính phủ trình

Cũng trong chiều 10/2, UBTVQH cho ý kiến về chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Mục tiêu đầu tư là nhằm xây dựng tuyến đường sắt mới hiện đại, đồng bộ nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải nội địa, liên vận quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc; tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát huy lợi thế trên hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng bảo đảm kết nối hiệu quả mạng lưới đường sắt trong nước và quốc tế, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Dự án có điểm đầu tại vị trí kết nối ray qua biên giới giữa ga Lào Cai mới và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc); điểm cuối tại khu bến Lạch Huyện, đi qua địa phận 9 tỉnh, thành phố; chiều dài tuyến chính khoảng 390,9 km và 3 tuyến nhánh khoảng 27,9 km. Qua thảo luận, UBTVQH thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án tại kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội khóa XV.

Cũng trong chiều 10/2, UBTVQH cho ý kiến về phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024 - 2026 của Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC). Theo đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép sử dụng số vốn đầu tư công đã giao kế hoạch cho Bộ Giao thông vận tải để đầu tư dự án số tiền 36.689 tỷ đồng (trong đó 10.062 tỷ đồng vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước; 24.127 tỷ đồng vốn ODA tại các dự án thực hiện theo hình thức chuyển vốn vay về cho vay lại thành cấp phát ngân sách nhà nước; 2.500 tỷ đồng vốn cấp phát ngân sách nhà nước cho dự án Nội Bài - Lào Cai và Cầu Giẽ - Ninh Bình), để chuyển thành cấp vốn điều lệ cho Công ty mẹ -VEC. Đồng thời, chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Công ty mẹ VEC giai đoạn 2024 - 2026 là 38.251 tỷ đồng, bao gồm 1.562 tỷ đồng từ Quỹ Đầu tư phát triển tại doanh nghiệp, 36.689 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước (vốn đầu tư công đã giao kế hoạch cho Bộ Giao thông Vận tải để đầu tư 5 dự án đường bộ cao tốc do VEC làm chủ đầu tư và đã được giải ngân).

Qua thảo luận, UBTVQH thống nhất sự cần thiết phải bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024 - 2026 cho Công ty mẹ - VEC, tạo điều kiện để VEC phát triển bền vững, phát huy vai trò nòng cốt trong hoạt động đầu tư, quản lý, khai thác, vận hành đường bộ cao tốc. Đây là vấn đề giải quyết khác với luật, nhưng là yêu cầu cấp bách trong việc đột phá về phát triển cơ sở hạ tầng.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc phiên họp Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc phiên họp

Chiều tối 10/2, sau 3,5 ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm cao, UBTVQH đã bế mạc phiên họp thứ 42, hoàn thành nội dung chương trình đề ra.

Tại phiên họp này, UBTVQH đã xem xét 27 nội dung, nhóm nội dung gồm 16 nội dung sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 bất thường; 2 nội dung sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 và 9 nội dung về vấn đề thuộc thẩm quyền của UBTVQH, trong đó trọng tâm là phục vụ, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; 4 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết; đồng thời, cho ý kiến về các nội dung trọng tâm, cấp bách do Chính phủ trình nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh đất nước và cơ chế chính sách đặc thù đối với một số dự án, công trình.

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu, ngay sau phiên họp này, các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội tập trung cao nhất, khẩn trương hoàn thiện các dự án luật, nghị quyết, các báo cáo thẩm tra và các tài liệu kèm theo kết luận của UBTVQH. Cùng với việc chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Văn phòng Quốc hội rà soát kỹ, chuẩn bị thật chu đáo các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, thông tin, an ninh, an toàn, lễ tân, hậu cần để kỳ họp bất thường lần thứ 9 diễn ra chu đáo, an toàn và thành công.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo