Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Bản chất của thanh niên là sôi nổi, nhiệt tình…

Các thanh niên tình nguyện tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ TPHCM phòng, chống dịch Covid-19 bao gồm sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn và đoàn viên thanh niên của 12 huyện, thành phố trong tỉnh, tháng 9/2021. (Ảnh: Thanhnien.vn)

(Thanhuytphcm.vn) – Ngày 10/5/1945, đồng chí Nông Ích Mậu cùng một số đồng chí thanh niên từ Nước Hai lên đón Bác Hồ đi Tân Trào. Các đồng chí ở lại Pác Bó một thời gian khá dài. Các đồng chí còn trẻ, song lại ít đi lại thăm hỏi bà con, ít hò hát vui vẻ. Bác nói với đồng chí Nông Ích Mậu: “Gọi hộ tôi mấy cậu thanh niên vào đây. Tôi muốn nước với họ”. Mấy người đến gặp Bác. Bác hỏi chuyện, rồi phê bình thẳng thắn: “Bản chất của thanh niên là sôi nổi, nhiệt tình. Sao các chú đến đây cứ nằm mãi thế? Cứ như thế sẽ ốm đấy”. Mấy đồng chí thanh niên phải xin nhận khuyết điểm, hứa với Bác sẽ sửa chữa ngay. Từ ngày ấy, họ chịu khó tập thể dục, đi thăm hỏi đồng bào, không lười nữa. Và họ trở nên vui vẻ, hăng hái hơn”[1].

Câu chuyện cho chúng ta ít nhất hai điều rất đáng để ghi nhớ và học tập.

Điều thứ nhất, đó là nhận định rất sâu sắc về thanh niên: Bản chất của thanh niên là sôi nổi, nhiệt tình. Chúng ta nhớ lại một lời dạy khác của Bác: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội” (trích “Thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc” nhân dịp Tết Nguyên đán năm 1946). Mùa xuân là thời gian cây cối đâm chồi nảy lộc; với một người, thanh niên là quãng thời gian tràn đầy năng lượng, hoài bão, khát khao, cũng như không kém sự sôi nổi, nhiệt tình. Đó là lúc mỗi người tích cực học tập, rèn luyện, hình thành những tố chất, những nền tảng để phát triển cuộc đời mình. Vì vậy, thanh niên là quãng đời rất tươi đẹp của một người; mỗi người không nên để hoài phí quãng đời ấy[2].

Điều thứ hai, thanh niên và những người đã qua tuổi thanh niên đừng quên sự sôi nổi, nhiệt tình trong học tập, lao động, sinh hoạt, đời sống… Sự sôi nổi, nhiệt tình thường thể hiện ở chỗ mạnh dạn và tích cực trải nghiệm, hăng hái và mạnh dạn nhận thử thách, kiên trì vượt qua các khó khăn… Đó là tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám nhận thất bại để rút kinh nghiệm, dám sửa sai để thành công… Mọi thành tựu, thành công đều không tự nhiên đến mà thường được tích lũy về lượng ở kiến thức, kinh nghiệm để có bước chuyển về chất thành năng lực, phẩm chất. Nếu thanh niên chỉ đi theo bước của người đi trước, chỉ làm điều của người khác sắp đặt mà không tự khám phá năng lực bản thân, không tự khẳng định mình thì thanh niên ấy liệu có thành công hay chỉ như cái bóng của người khác?

Trên thực tế, thời gian qua, tuyệt đại đa số thanh niên Việt Nam đã thể hiện rõ sự sôi nổi, nhiệt tình. Phát biểu tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII (ngày 15/12/2022), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Với trái tim đầy nhiệt huyết, với tinh thần sáng tạo, ham học hỏi và khát vọng cháy bỏng, thanh niên luôn luôn là lực lượng đi đầu trong việc thực hiện các nhiệm vụ cách mạng. Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, thanh niên nước ta, hết thế hệ này đến thế hệ khác đã luôn luôn nêu cao truyền thống yêu nước, chí khí anh hùng, bất khuất của dân tộc, không ngại gian khổ, không sợ hy sinh, sẵn sàng dấn thân, hăng hái xông pha đi tiên phong trên mọi lĩnh vực, có nhiều cống hiến to lớn vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Từ khi có Đảng lãnh đạo, các thế hệ thanh niên Việt Nam đã nối tiếp nhau cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đánh đuổi các thế lực thực dân, phong kiến, đế quốc, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, thống nhất đất nước”. Đặc biệt, trong thời gian cả nước chống dịch, thanh niên là lực lượng xung kích, đi đầu trong rất nhiều hoạt động và đã góp phần quan trọng vào sự thành công của cuộc chiến cam go, khốc liệt này.

Thầy giáo Nguyễn Hữu Phú tình nguyện ra công tác tại Trường Tiểu học Song Tử Tây (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). (Ảnh: TTXVN) Thầy giáo Nguyễn Hữu Phú tình nguyện ra công tác tại Trường Tiểu học Song Tử Tây (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). (Ảnh: TTXVN)

Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng chỉ ra một số hạn chế, khuyết điểm của một bộ phận thanh niên hiện nay: “Vẫn còn một bộ phận thanh niên giảm sút niềm tin, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, thiếu lý tưởng; có biểu hiện xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, sa vào chủ nghĩa cá nhân…”. Phải chăng, đó là những thanh niên thiếu sự sôi nổi, nhiệt tình?

Nhìn vào thực tiễn, chúng ta thấy vẫn còn một số thanh niên thụ động, ỷ lại, chậm tiến, thậm chí đi ngược với số đông. Chẳng hạn, vẫn có thanh niên không tích cực, chủ động học tập hoặc học cốt lấy bằng cấp, thiếu vốn sống, thiếu các kỹ năng mềm; không mạnh dạn thực hiện một số nghĩa vụ đối với đất nước, với xã hội; không chịu đựng được khó khăn, gian khổ; còn dựa dẫm vào cha mẹ, không có ý chí tự lập, tự chủ; không thể hiện rõ chính kiến hoặc chỉ theo đám đông; chuộng hình thức, sống đua đòi mà không tự tạo ra giá trị bản thân từ năng lực, cống hiến; sống ích kỷ, muốn thụ hưởng nhiều hơn đóng góp; sống không có lý tưởng hoặc chọn lựa cách sống sai lầm…

Trách nhiệm của hiện tượng này trước hết là của gia đình, đã không uốn nắn, giáo dục đúng đắn về các giá trị đích thực của cuộc sống. Nhà trường cũng có phần trách nhiệm khi chú ý quá nhiều vào dạy kiến thức mà còn thiếu giáo dục đạo đức và rèn luyện các kỹ năng. Tổ chức thanh niên cũng có những hạn chế như “vẫn chưa bắt kịp yêu cầu của thực tiễn tình hình thanh niên, chưa thực sự hấp dẫn, gần gũi với thanh niên. Phong trào hành động của thanh niên tại một số nơi còn hình thức, chưa thật thiết thực; tính bền vững của hoạt động chưa cao…”, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ.

“Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ”, nếu tuổi trẻ ấy không sôi nổi, thiếu nhiệt tình, lười nhác, ích kỷ… thì đời người ấy sẽ ra sao, tiền đồ của đất nước sẽ như thế nào? Hẳn chúng ta không khó tìm được câu trả lời.

Để khắc phục tình trạng này, có lẽ mỗi gia đình cần nghiêm túc nhìn lại việc giáo dục con em để trở thành những thanh niên thực sự sôi nổi, nhiệt tình, hăng hái, có trách nhiệm (với bản thân, gia đình, xã hội, đất nước). Gia đình phải là nơi tạo nền tảng và vun bồi sự trưởng thành của thanh niên chứ không phải là nơi sắp đặt sẵn tất cả mọi thứ để thanh niên thụ hưởng; gia đình phải gợi mở, định hướng những trách nhiệm của thanh niên đối với mọi người, đối với tiền đồ dân tộc chứ không phải “giao phó” những thanh niên thiếu kiến thức, thiếu đạo đức, thiếu bản lĩnh cho xã hội. Gia đình phải là nơi hình thành, bồi đắp tình cảm tốt đẹp cho thanh niên, để từ đó phát triển thành tình yêu nước, yêu dân tộc, yêu lý tưởng, chứ gia đình không thể là nơi để lại dấu ấn tiêu cực với sự thù hằn, tham lam, giả dối… để rồi tạo nên những thanh niên ích kỷ, bạo lực, gian lận…

Đặc biệt, tổ chức đoàn thanh niên phải là nơi tập hợp, bồi dưỡng và phát triển thanh niên về mọi mặt, đưa những người còn thụ động, ỷ lại thành những thanh niên sôi nổi, nhiệt tình; đưa những thanh niên chậm tiến, cá nhân chủ nghĩa thành những người chuyên về năng lực, hồng về phẩm chất… Tổ chức đoàn phải đến với thanh niên nhiều hơn, thu hút thanh niên nhiều hơn, giảm tính hành chính, giảm mệnh lệnh; các hoạt động phải ngày càng thực chất hơn, chất lượng hơn và giảm tính hình thức, phong trào.

Bác Hồ nói: “Bản chất của thanh niên là sôi nổi, nhiệt tình”, điều đó khẳng định đặc điểm cơ bản, sâu sắc của mỗi thanh niên là sôi nổi, nhiệt tình; nếu thanh niên nào chưa thể hiện được điều đó thì có thể do chưa được khơi gợi, định hướng, giáo dục, khích lệ. Cũng như trong câu chuyện ở trên, chỉ mấy lời nhắc nhở, phê bình và động viên của Bác mà các đồng chí thanh niên đã trở nên “vui vẻ, hăng hái hơn”, tức là bản thân họ trở nên có ích hơn và chắc chắn sẽ đóng góp cho cách mạng, cho đất nước nhiều hơn!

Trúc Giang

_______________

[1] Hoàng Việt Quân, “Người ở nguồn”, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội, 2004, tr.83-84.

[2] Hẳn chúng ta sẽ nhớ đến câu nói nổi tiếng của nhân vật Pavel Korchagin trong tác phẩm nổi tiếng “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nikolai A.Ostrovsky “Cái quý nhất của con người ta là đời sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để đến khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”.


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo