Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Về thăm “Vườn chú Sáu Dân”

Quang cảnh “Khu tưởng niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt” tại huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. (Ảnh: Long Hồ)

(Thanhuytphcm.vn) - Nhân Kỷ niệm ngày sinh đồng chí Võ Văn Kiệt 23/11, chúng tôi cùng nhau về Vũng Liêm - Vĩnh Long. Trên xe dọc đường đi, chúng tôi - những người làm công tác các ngành văn hóa, du lịch, báo chí xuất bản tranh nhau nói về nhân vật mà mình ngưỡng vọng.

Gần trưa thì đến địa chỉ “Vườn ông Sáu Dân” trên khu đất rộng, sát lộ lớn không kín cổng cao tường - khuôn viên chỉ được giới hạn bởi một cột đá cao, có khắc chìm dòng chữ màu vàng “Khu tưởng niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt”. Bên cạnh là hồ sen có chiếc cầu đỏ bắc ngang nhìn lên khối đá được tạo hình ngôi sao màu trắng. Thật ấn tượng và gần gũi.

Có lẽ các nhà kiến trúc, thiết kế và bảo tàng đã bắt đúng ý nguyện và phẩm chất của người đã khuất. Công trình khởi công năm 2010 và hoàn thành trong 2 năm. Cả Nhà nước và gia đình chăm sóc tu bổ.

Tin vui: ngày 17/11/2022, trong chuỗi hoạt động Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23/11/1922 - 23/11/2022), Khu lưu niệm và đình Bình Phụng (nơi ông thường lui tới trong thời Khởi nghĩa Nam kỳ 1940) tại huyện Vũng Liêm - đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp Quốc gia.

Sinh thời, Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất nặng lòng với vùng đất nơi mình sinh ra. Từ khi còn là cậu bé Chín Hòa - tên thuở nhỏ - gắn với ruộng đồng, làm mướn, trải đủ việc rồi giác ngộ tham gia cách mạng, nên khi nghỉ hưu ông muốn trở lại nơi xưa sống giao hòa với bà con và thiên nhiên.

Khi ông mất, biết bao người viết, kể những kỷ niệm và tư chất đặc biệt của vị Thủ tướng - vì ông tiếp xúc rất rộng và chân tình. Ông có rất nhiều cuộc gặp gỡ trao đổi, lắng nghe, chí tình với rất nhiều giới. Nhiều cuộc gặp diễn ra cả ở quê hương Vũng Liêm. Ông thường thân tình nói với cánh báo chí: “Thời hiện đại là văn hóa hóa chính trị chứ không phải chính trị hóa văn hóa”. Ông gợi ý các nhà tổ chức lễ hội ở nông thôn, người chủ trì nên tổ chức các trò chơi dân gian lành lạnh vì “chơi mới nhớ - nói chính trị nhiều không ai nhớ”.

Võ Văn Kiệt là vị Thủ tướng đặc biệt, cởi mở. Công chúng biết ông có 3 sở thích: Yêu thiên nhiên, thể thao, chụp ảnh. Con người đặc biệt Võ Văn Kiệt để lại rất nhiều ấn tượng, cảm nghĩ và đánh giá phong phú của nhiều giới khác nhau.

“Võ Văn Kiệt là con người năng động” (Đỗ Mười).

“Anh Sáu là một nhà lãnh đạo hết sức dân chủ và dễ gần” (Nguyễn Quang Sáng).

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng và nhạc sỹ Trịnh Công Sơn từng nhiều lần được uống rượu cùng Thủ tướng. Họ hay kể lại việc tuyển chọn diễn viên Thanh Nga đóng vai Trưng Trắc. Ngày ấy đây đó râm ran ý kiến muốn đóng Trưng Trắc anh hùng dân tộc phải là người cách mạng. Ông Kiệt nói vui mà thấm: “Vậy thì chọn bà Thập, bà Định ra... diễn thôi”. Cuối cùng Thanh Nga đã vào vai rất xuất sắc vai diễn đó trong vở “Tiếng trống Mê Linh”.

Tác giả Trần Đình Việt (thứ 3 bên phải) cùng nhiều đồng nghiệp xúc động khi đến thăm “Vườn chú Sáu Dân” Tác giả Trần Đình Việt (thứ 3 bên phải) cùng nhiều đồng nghiệp xúc động khi đến thăm “Vườn chú Sáu Dân”

“Anh Sáu Dân là người rất trọng chuyên gia khoa học" (Vũ Quốc Tuấn, trợ lý).

“Anh lôi cuốn bởi phong cách và đức tính truyền thống của con người thuần chất Nam bộ” (Trần Hữu Phước, thư ký).

“Nỗi lo toan của ông có thể nói cụ thể bằng tên những công trình, địa danh trải dài trên cả nước, kể cả tên những con người từ trong chiều sâu của lịch sử” (Nguyễn Minh Nhị, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang).

Ông là người quyết đoán, chịu trách nhiệm. Tên ông gắn với công trình lớn “Đường dây 500kV Bắc - Nam”. Lệnh cấm đốt pháo từ Xuân Ất Hợi 1995 quá hợp lý, hữu ích, cả nước thực hiện nghiêm đến tận ngày nay thành tác phong. Thủ tướng thưởng 100 triệu cho chương trình hữu ích SV96, ông vào nhà tù thăm Bộ trưởng Vũ Ngọc Hải khi đóng thành công đường dây tải điện Bắc - Nam. Ông phát biểu trong lễ Kỷ niệm 30 năm chiến thắng 1975: “Chiến thắng của chúng ta là vĩ đại, nhưng chúng ta cũng phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều mất mát. Có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn”. Câu nói đó đã góp phần hàn gắn dân tộc, thật cảm động!

Vị Thủ tướng đã trong lòng cuộc chiến nên thấu hiểu sâu sắc. Chính gia đình ông cũng chịu đau thương mất mát cùng hy sinh lớn lao của dân tộc.

Tôi thật sự xúc động khi đến thăm “Vườn chú Sáu Dân” thấy tận mắt câu nói của ông được khắc trên phiến đá “Không ai chọn cửa để sinh ra”. Tấm lòng yêu nước yêu dân, đứng trên mọi cách trở oái oăm của lịch sử. Tấm lòng rộng mở.

Kỷ niệm “100 năm ông Kiệt” tôi biết giờ này cùng các cuộc lễ lớn trên đất nước nhớ ông, thì nơi khu vườn ấy, mọi người đang tấp nập đến với “chú Sáu Dân” đáng kính: một tầm vóc lịch sử đất nước - mà gần gũi thân thương với con người.

Trần Đình Việt


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo