Bộ Tư lệnh Cảnh vệ biểu diễn Mai Hoa quyền. (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an) (Thanhuytphcm.vn) - “Thứ nhất Lão Mai, thứ hai Ngọc Trản”, đây là câu nói quen thuộc của các bậc võ sư cao niên thuộc các môn phái võ cổ truyền Việt Nam. Bài quyền Lão Mai chính là tên gọi của bài Mai Hoa quyền, một bài quyền nổi tiếng trong hệ thống các bài quyền của võ cổ truyền Việt Nam. Để luyện Mai Hoa quyền, người tập cần phải có nền tảng võ học, một quá trình rèn luyện võ thuật nghiêm túc từ hàng chục năm trở lên.
Đánh giá về bài Mai Hoa quyền, các bậc võ sư cao niên của nhiều hệ phái võ cổ truyền đều chung nhận xét: Mai Hoa quyền đòi hỏi các đòn thế kỹ thuật rất khó và điêu luyện. Người biểu diễn khi thi triển các đòn thế, tuyệt kỹ phải thể hiện được sự tinh túy, cái hồn của bài quyền. Thể hiện được cái đẹp, hình ảnh hoa mai nở rộ khoe sắc và tung bay trong gió xuân, nhẹ nhàng, mềm mại, thanh thoát nhưng vẫn chứa đựng sự dũng mãnh.
Có một điều rất thú vị về Mai Hoa quyền mà ít người biết, bài quyền Mai Hoa quyền 52 thức chính là bài quyền từng được Bác Hồ truyền dạy cho lực lượng cận vệ của Người trong thời gian sống và làm việc tại Chiến khu Việt Bắc. Nối tiếp truyền thống, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an Nhân dân đều được rèn luyện bài Mai Hoa quyền.
Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc: trong kho tàng võ học của dân tộc Việt Nam, không thiếu những bài quyền hay, độc đáo, vì lý do gì mà Bác lại chọn Mai Hoa quyền để dạy cho các cận vệ, sau này là lực lượng Công an Nhân dân. Mai Hoa quyền thông qua hình tượng cây mai, một loại cây quen thuộc của người dân Việt Nam. Cây mai thể hiện sự chuẩn mực cho phẩm chất nhẫn nại và hy sinh cao cả, cho sức sống bền bỉ dẻo dai, cho sự tao nhã không dung tục của đấng trượng phu, cho sự điềm tĩnh, sự điềm đạm của người quân tử. Cây mai gắn bó với đồng ruộng quê hương, rễ ăn sâu vào lòng đất, chịu đựng thời tiết khắc nghiệt, trơ gan cùng tuế nguyệt, mặc cho bão táp mưa sa. Cây mai sống bền bỉ theo năm tháng, trút những chiếc lá vào dịp cuối đông và đâm chồi nảy lộc vào mùa xuân. Có thể khẳng định rằng, qua bài Mai Hoa quyền, Bác đã dạy cho lực lượng cận vệ, sau này là lực lượng Công an Nhân dân, từ việc rèn luyện võ thuật, rèn luyện bản lĩnh, “đối với nhân dân, phải kính trọng lễ phép”, “đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”.
Những thông điệp Bác Hồ dạy CAND thông qua bài quyền
Quả thật, đạo đức cách mạng qua lời dạy của Bác đối với lực lượng CAND chính là sự tự rèn luyện bản thân, thường xuyên tu dưỡng, tuyệt đối tận trung với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân. “Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”. Đây chính là yêu cầu cao nhất về phẩm chất nghề nghiệp mà mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND phải luôn nằm lòng. Theo tư tưởng của Người, kẻ địch chính là kẻ thù, tiêu chí để phân biệt bạn – thù phải đặt trên lợi ích của quốc gia, dân tộc, nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Đối với người, ai làm gì lợi ích cho nhân dân, cho Tổ quốc ta đều là bạn. Bất kỳ ai làm điều gì có hại cho nhân dân và Tổ quốc ta tức là kẻ thù” (1).
Với nhiệm vụ là lực lượng chủ công trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự, cán bộ chiến sĩ CAND luôn giữ vững nguyên tắc: ta – địch, bạn – thù. Không khoan nhượng với bất cứ kẻ địch, kẻ thù có hành động chống phá cách mạng, xâm hại lợi ích đất nước, lợi ích của nhân dân. Tuy nhiên, trong đấu tranh với kẻ địch, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện tinh thần khoan dung, nhân đạo. Người từng dạy: “Năm ngón tay cũng có ngón dài, ngón ngắn. Nhưng ngắn dài đều hợp lại nơi bàn tay. Trong hàng mấy triệu người cũng có người thế này, thế khác… Đối với đồng bào lạc lối, lầm đường, ta phải lấy tinh thần ái quốc mà cảm hóa họ”(2). Thực hiện lời Bác dạy, lực lượng CAND đã vận dụng một cách khôn khéo, đảm bảo vừa cứng rắn vừa mềm dẻo về sách lược để tập trung trấn áp kẻ thù nguy hiểm nhất. Mặc khác, tăng cường khai thác điểm yếu của kẻ địch, triệt để khai thác những mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù, phân hóa kẻ thù để tạo lợi thế cho cách mạng.
Thực hiện theo lời dạy của Bác, CAND còn tập trung khai thác mâu thuẫn nội tâm trong từng con người, khơi dậy lương tri trong những đối tượng lầm lỡ, vì trong sâu thẳm của mỗi con người, luôn diễn ra mâu thuẫn, đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa đúng và sai. Nắm bắt được nội tâm thì dù là tội phạm hung ác, kẻ địch gian xảo thì chúng ta vẫn có thể cải tạo, cảm hóa được.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đối tượng đấu tranh là kẻ thù xâm lược từ bên ngoài. Ngày nay, nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia đến từ các thế lực thù địch ở bên ngoài, cấu kết với một số đối tượng phản động, cơ hội chính trị trong nước bằng các chiến lược “diễn tiến hòa bình”, âm mưu “tự diễn biến, tự chuyển hóa” nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chế độ Xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Nhận thức đúng đắn lời dạy của Bác: “Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”, lực lượng CAND phải luôn thể hiện xuất sắc vai trò là lực lượng chủ công trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự, cán bộ chiến sĩ CAND luôn giữ vững nguyên tắc: ta – địch, bạn – thù. Không khoan nhượng với bất cứ kẻ địch, kẻ thù có hành động chống phá cách mạng, xâm hại lợi ích đất nước, lợi ích của nhân dân.
Lê Phúc
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr. 37
(2) Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 3, tr.91-92, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.