Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Tránh vi phạm nguyên tắc từ những việc nhỏ

(Thanhuytphcm.vn) - Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, ngày 7/10/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến một số trường hợp vi phạm nguyên tắc của Đảng. Đó là: “không thực hiện đúng các nguyên tắc xây dựng Đảng và tổ chức sinh hoạt đảng”; “nguyên tắc tập trung dân chủ bị buông lỏng, nguyên tắc tự phê bình và phê bình thực hiện không nghiêm”… Những vấn đề này đã được nhắc nhiều lần nhưng việc khắc phục chưa thực sự triệt để, thậm chí có lúc có nơi còn nghiêm trọng.

Các nguyên tắc xây dựng Đảng và tổ chức sinh hoạt đảng đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì hoạt động của Đảng với tính chất là một đảng cách mạng và khoa học. Việc vi phạm nguyên tắc có thể sẽ làm ảnh hưởng dần đến năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và sự tồn tại của Đảng với tư cách là một lực lượng lãnh đạo và dẫn dắt xã hội thực hiện các mục tiêu cao đẹp của Đảng đã đề ra.

Trên thực tế, các nguyên tắc xây dựng Đảng và tổ chức sinh hoạt đảng có thể được giải thích bằng những khái niệm có nội hàm rộng, tính chất lý luận cao nhưng kỳ thực bắt đầu và thể hiện ở những nội dung đơn giản. Và vi phạm các nguyên tắc đó cũng có thể bắt đầu từ những việc rất nhỏ, nhưng không được phát hiện và chấn chỉnh kịp thời dần trở thành vi phạm nghiêm trọng, không chỉ của cá nhân mà còn của tập thể.

Vấn đề xây dựng Đảng và tổ chức sinh hoạt đảng của Đảng ta có một số nguyên tắc chủ yếu sau: tập trung dân chủ; tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; tự phê bình và phê bình; kỷ luật nghiêm minh và tự giác; đoàn kết thống nhất trong Đảng; Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân; Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Việc thực hiện các nguyên tắc này phải được quán triệt trong tất cả các đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy các cấp. Bất kỳ sự vi phạm nào cũng có thể không chỉ gây ra những hậu quả cho bản thân đảng viên đó mà còn cho tổ chức đảng và toàn Đảng nói chung. Do đó, mỗi đảng viên phải nắm bắt đầy đủ nội dung của các nguyên tắc và thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, liên tục, dù ở vai trò, vị trí nào.

Nguyên tắc quan trọng bậc nhất của Đảng chính là tập trung dân chủ, trong đó, tập trung phải trên cơ sở dân chủ, dân chủ phải đi đôi với tập trung. Tuy nhiên, đây là nguyên tắc xảy ra vi phạm không ít; nhiều trường hợp vi phạm kỷ luật nghiêm trọng được kết luận là có yếu tố vi phạm nguyên tắc này. Thực tiễn cho thấy, nếu “xét nét” nguyên tắc này còn có thể được nhận thấy sự vi phạm còn nhiều hơn nữa. Chẳng hạn, trong dịch Covid-19, do không thể tổ chức họp trực tiếp, nhiều chi bộ thực hiện việc lấy ý kiến dự thảo kiểm điểm công việc trong tháng, nghị quyết, chương trình hành động… thông qua các cách thức. Thế nhưng, thay vì triển khai đến tất cả các đảng viên, có nơi chỉ triển khai đến cấp ủy và một số đảng viên “thường có ý kiến”. Sau đó dự thảo coi như đã được tập thể chi bộ thống nhất. Nếu việc này lặp lại thường xuyên và với phạm vi rộng hơn, mức độ sâu hơn thì nguyên tắc tập trung dân chủ đã bị vi phạm. Điều đáng nói là trong nhiều trường hợp, các đảng viên “có thấy” dấu hiệu vi phạm nhưng cố tình lờ đi hoặc không mấy quan tâm và không cho đó là khởi nguồn của các vi phạm khác.

Hay nguyên tắc tự phê bình và phê bình là hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên chủ động chỉ ra ưu điểm để phát huy và nhận thức rõ khuyết điểm để khắc phục. Tuy nhiên, có khi các đảng viên chỉ thấy khuyết điểm của người khác và “tỏ ra” rất quyết liệt trong việc phê bình nhưng lại tránh né tự phê bình hoặc tự phê bình chiếu lệ. Hoặc hiện tượng xuê xoa nhau trong phê bình để bề ngoài cho thấy có đấu tranh, có phê bình nhưng chỉ bàn đến những vấn đề “nói cho có” chứ không chỉ ra được ưu điểm hay khuyết điểm. Chẳng hạn, khi trong chi bộ, có đảng viên phê bình đảng viên khác là “tham công tiếc việc”, “không biết quý trọng sức khỏe của bản thân”, “choàng gánh công việc quá mức”… thì tức là ở đó có dấu hiệu bợ đỡ, vuốt ve nhau. Điều này cũng có nghĩa là việc tự phê bình và phê bình không được thực hiện đầy đủ, đúng mực. Hiện tượng đó nếu lặp lại nhiều lần thì tính chất của nguyên tắc này đã bị bóp méo và không còn tác dụng…

Khi một nguyên tắc bị vi phạm nghiêm trọng thì thường đã bộc lộ ra những mức độ thấp hơn trong một thời gian nhất định nhưng không được phát hiện, uốn nắn, ngăn chặn, đấu tranh kịp thời. Người đứng đầu chi bộ có thể độc đoán, không tôn trọng ý kiến người khác… nhưng chắc chắn phải trải qua từng dấu hiệu một và lẽ ra phải được góp ý, phê bình, đấu tranh, thậm chí dùng kỷ luật của Đảng để xử lý, chứ không để thành vi phạm kéo dài. Một đảng viên không nghiêm túc chấp hành sự phân công của chi bộ nhưng không được phê bình, uốn nắn thì dần dần tính tự giác của đảng viên đó bị mờ nhạt, đồng thời tính kỷ luật nghiêm minh của tập thể chi bộ cũng không còn nguyên vẹn, có khi lan đến các đảng viên khác. Hay hiện tượng chi bộ có sự khác nhau về quan điểm, nhận thức, hay tranh luận với nhau gay gắt nhưng cấp ủy, người đứng đầu không tìm được cách dung hòa, không tạo được sự đoàn kết, thống nhất thì lâu ngày có thể trở thành bè cánh trong chi bộ, thậm chí lây lan đến toàn đơn vị…

Các nguyên tắc này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, tác động qua lại với nhau chứ không độc lập nhau. Chẳng hạn, vì việc tự phê bình và phê bình không được nghiêm và đúng mực nên mới xảy ra vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, từ đó nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách không còn được thực hiện đầy đủ, thậm chí là nguyên nhân gây ra hiện tượng thiếu đoàn kết, thống nhất trong chi bộ nên dẫn đến vi phạm pháp luật… Tức là, vi phạm nguyên tắc này sẽ dẫn đến vi phạm nguyên tắc khác hoặc từ một nguyên tắc bị lỏng lẻo sẽ dẫn đến nhiều nguyên tắc khác không còn được giữ nghiêm.

Để khắc phục tình trạng này, mỗi đảng viên, nhất là cấp ủy, người đứng đầu, phải nắm chắc các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng và các biểu hiện của nó trong thực tiễn, nhất là với các dấu hiệu có tính chất manh nha. Đồng thời, mỗi người phải xây dựng cho mình ý thức tự giác về việc bảo vệ các nguyên tắc của Đảng, xem đó là bảo vệ sinh mệnh chính trị của mình, bởi nếu trong tổ chức đảng của mình có vi phạm nguyên tắc thì bản thân không thể đứng ngoài. Có như vậy thì mới mạnh dạn đấu tranh, chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện lệch lạc, có dấu hiệu vi phạm, từ đó hạn chế để xảy ra vi phạm nghiêm trọng. Đồng thời, cần phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của đảng viên, của chi bộ, của ủy ban kiểm tra các cấp trong việc kiểm tra, giám sát thường xuyên, chuyên đề hoặc khi có dấu hiệu vi phạm để ngăn ngừa có hiệu quả các vi phạm.

Bảo vệ các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng có thể ví von như việc bảo vệ sức khỏe của mỗi người. Khi có dấu hiệu nhuốm bệnh thì phải khám xem đó là bệnh gì và tìm cách điều trị ngay hoặc ít nhất là tăng sức đề kháng của cơ thể để vượt qua được bệnh. Khi thực sự có bệnh thì phải điều trị, dù là uống thuốc đắng, phải tiêm thuốc, thậm chí phải phẫu thuật thì cũng không được từ chối, bởi nếu không điều trị kịp thời thì không chỉ căn bệnh đó sẽ tàn phá cơ thể mà chính nó làm sức đề kháng giảm đi và phát sinh những căn bệnh mới… Lúc đó việc chữa trị có thể sẽ khó khăn hơn, thậm chí trở nên quá muộn…

Do đó, tránh vi phạm các nguyên tắc từ những việc nhỏ là góp phần quan trọng vào việc hạn chế xảy ra những vi phạm nguyên tắc nghiêm trọng.

Vân Tâm

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo