(Thanhuytphcm.vn) - UBND TPHCM vừa ban hành quyết định về phê duyệt kế hoạch ứng phó đối với bệnh dại, bệnh cúm gia cầm, bệnh lở mồm long móng của vùng an toàn dịch bệnh động vật trên địa bàn TPHCM.
Theo đó, TPHCM yêu cầu kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc, gia cầm, chó, mèo từ tỉnh khác vào địa bàn TP; kiểm soát các điểm kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm trái phép, không rõ nguồn gốc. Nâng cao nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại, cúm gia cầm, lở mồm long móng và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Tiêm phòng vaccine cho đàn gia súc, gia cầm, chó, mèo trên địa bàn TP đạt tỷ lệ theo quy định. Xây dựng hệ thống giám sát dịch bệnh để phát hiện sớm các dấu hiệu của dịch bệnh. Thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung và có biện pháp khắc phục, bảo đảm phù hợp với thực tiễn, ứng phó kịp thời, hiệu quả khi xảy ra dịch bệnh trên địa bàn.
UBND TPHCM cũng đề ra các giải pháp như: Dự phòng các nguồn lực, hóa chất, kinh phí, bảo đảm phân công rõ trách nhiệm những người tham gia, đáp ứng yêu cầu để xử lý dịch bệnh. Trong đó, đảm bảo đầy đủ nguồn nhân lực để ứng phó, xử lý dịch bệnh kịp thời, hạn chế tối đa dịch bệnh lây lan diện rộng, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, vaccine để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Đảm bảo ngân sách dự phòng cho việc mua sắm trang thiết bị, vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.
Đồng thời, tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát hiệu quả khi xảy ra dịch bệnh tại vùng hoặc tại các tỉnh giáp ranh như: Ứng dụng chương trình số hóa xác định tọa độ vùng dịch, giới hạn vùng có dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm; đặt biển báo, chốt kiểm soát, hướng dẫn việc đi lại, vận chuyển gia súc, gia cầm, chó, mèo ra vào vùng dịch; thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho động vật theo quy định. Cấm giết mổ, đưa vào, mang ra hoặc lưu thông trong vùng có dịch động vật mẫn cảm với bệnh dịch động vật đã công bố và sản phẩm động vật.
Các đoàn kiểm tra liên ngành phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm TP và các quận, huyện tăng cường kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng vận chuyển, kinh doanh, giết mổ động vật trái phép trên địa bàn TP; khi phát hiện động vật có triệu chứng của dịch bệnh hoặc có dấu hiệu nghi mắc bệnh phải được nuôi nhốt cách ly và xử lý theo quy định; thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng, khu vực nuôi nhốt; vệ sinh, khử trùng tiêu độc dụng cụ, phương tiện có liên quan. Tăng cường quản lý nhà nước về công tác kiểm dịch động vật, phối hợp chặt chẽ với Chi cục quản lý chuyên ngành thú y các tỉnh, đặc biệt đối với công tác kiểm dịch động vật nhập vào TP nhằm mục đích để chăn nuôi, giết mổ.
Khẩn cấp tổ chức và huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ tiêm phòng phòng bệnh bằng vắc-xin hoặc áp dụng các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác cho động vật mẫn cảm với bệnh dịch động vật đã công bố trong vùng có dịch; người trực tiếp tham gia tiêm phòng phải là nhân viên thú y hoặc người đã qua tập huấn về tiêm phòng. Vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng nuôi, nơi thả động vật mắc bệnh, phương tiện, dụng cụ dùng trong chăn nuôi, chất thải.
Ngoài ra, báo cáo về tình hình và các biện pháp xử lý dịch bệnh tại cơ sở để xác định nguyên nhân và hạn chế lây lan dịch bệnh; thực hiện điều tra, chẩn đoán, lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm phát hiện tác nhân gây bệnh.