Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

TPHCM kiến nghị sớm ban hành Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp

(Thanhuytphcm.vn) - UBND TPHCM vừa có báo cáo gửi Bộ Công thương về đánh giá 5 năm thực hiện Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và 2 năm thực hiện Nghị định số 66/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.

Theo UBND TPHCM, tính đến ngày 30/4/2022, TP có 28 cụm công nghiệp với tổng diện tích là 1.677,5 ha và 2 cụm công nghiệp đã chuyển đổi thành khu công nghiệp với tổng diện tích 222,5 ha (cụm An Hạ 123,5 ha do Công ty Cổ phần - Tư vấn - Đầu tư - Xây dựng - Thương mại - Sản xuất Nhựt Thành làm chủ đầu tư; cụm Cơ khí ô tô Hòa Phú 99 ha do Công ty Hòa Phú làm chủ đầu tư. Riêng từ năm 2017 đến nay, TP chưa thành lập cụm công nghiệp mới theo Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Về các mô hình chủ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp hiện có, công tác chuyển đổi chủ đầu tư trên địa bàn chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân làm chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp. Cụ thể, hiện có 1 doanh nghiệp nhà nước và 1 doanh nghiệp tư nhân làm chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp.

UBND TPHCM đánh giá Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết các chính sách ưu đãi đầu tư phát triển cụm công nghiệp và quy định cơ quan quản lý nhà nước đầu mối về cụm công nghiệp. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương kêu gọi đầu tư phát triển cụm công nghiệp và hướng dẫn các đơn vị đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật thực hiện quy trình, thủ tục thành lập cụm công nghiệp theo quy định trên địa bàn.

UBND TPHCM cho rằng, TP tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất. Đơn vị đầu mối quản lý là Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP thực hiện chức năng quản lý nhà nước như: Thẩm định đầu tư, cấp phép xây dựng, quản lý doanh nghiệp, quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công tác bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy… Đây là điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư hạ tầng cũng như các doanh nghiệp đầu tư sản xuất trong khu công nghiệp.

Vì vậy, để tập trung công tác quản lý nhà nước các cụm công nghiệp hiệu quả, kiến nghị Bộ Công Thương xem xét xây dựng mô hình đối với một số tỉnh thành có thể tập trung chức năng quản lý nhà nước về cụm công nghiệp cho Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp.

UBND TPHCM cũng đề xuất Bộ Công Thương tham mưu Chính phủ sớm ban hành Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện; bổ sung các cụm công nghiệp vào danh mục ưu đãi đầu tư; bổ sung lĩnh vực đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp vào danh mục ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư.

Đồng thời, tham mưu Chính phủ điều chỉnh các thủ tục cũng như các quy định về đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp cho thống nhất, đồng bộ giữa các Bộ, ngành liên quan. Nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh, hướng dẫn thực hiện lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp phù hợp với quy định Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư hiện hành.

Vân Minh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo