Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Tiếp tục nâng chất công tác dân vận trong điều kiện mới

Đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy TPHCM, tặng quà, động viên lực lượng hỗ trợ phòng chống dịch tại TPHCM. (Ảnh: ttbc-hcm.gov.vn)

(Stxdd.thanhuytphcm.vn) – Dịch Covid-19 trong thời gian qua ở TPHCM đã để lại nhiều tổn thất nhưng qua đó cũng có nhiều điểm sáng. Trong đó, đã có sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, tinh thần không ngại khó khăn, gian khổ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhất là ở cơ sở. Sự dũng cảm, trách nhiệm, sáng tạo, gương mẫu, xung kích, hy sinh thầm lặng, quên mình của các lực lượng góp phần tích cực vào thành quả chung của công tác chống dịch đã được nhân dân ghi nhận và trân quý.

Tuy nhiên, một số vấn đề về công tác dân vận còn hạn chế và bất cập cũng đã xuất hiện, như công tác nắm bắt dư luận xã hội, tình hình nhân dân, việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở và công tác vận động nhân dân có lúc có nơi chưa kịp thời, nhất là trong việc chăm lo an sinh cho người dân; các tổ chức chính trị - xã hội có lúc chưa phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ và chưa phát huy vai trò nòng cốt của đoàn viên, hội viên trong vận động nhân dân liên quan đến công tác phòng chống dịch…

Trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội, công tác dân vận cần tiếp tục được đổi mới và nâng chất để tăng cường sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy các cấp trong công tác này, tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân chấp hành các quy định, chỉ đạo về sự thích ứng trong điều kiện mới; đồng thời bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, không để người nào bị thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chăm sóc y tế đúng với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”; bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cùng các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Trong bối cảnh hiện nay, công tác dân vận phải tiếp tục được xem là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị chứ không chỉ của các lực lượng chuyên trách; đồng thời, phải phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu, với quan điểm tiếp cận toàn dân, lấy người dân là trung tâm, là chủ thể trong công tác vận động, chăm lo và phục vụ, không chỉ liên quan đến phòng chống dịch. Quá trình đó, đòi hỏi sự trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu, tự giác, xông pha của đảng viên, người đứng đầu, của đoàn viên, hội viên, cán bộ, công chức, viên chức dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách trên tinh thần bảo đảm tính nguyên tắc của tổ chức… Đồng thời, công tác dân vận phải góp phần giải quyết các vấn đề thiết thực, cấp bách của người dân tại cơ sở.

Trên tinh thần đó, công tác dân vận phải thực sự tập trung vào nội dung tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân thành phố thực hiện hiệu quả kế hoạch tổng thể phòng chống dịch, đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, vận động, nắm tình hình người dân. Cần quan tâm các vấn đề còn tồn tại, vấn đề mới phát sinh trong công tác phòng chống dịch; đời sống, việc làm của người dân; các trường hợp bị ảnh hưởng sau dịch (cả về đời sống, sức khỏe và các yếu tố khác); đồng thời, có giải pháp phù hợp để chăm sóc người nhiễm Covid-19 trên địa bàn, không để chuyển nặng hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe do không được điều trị kịp thời. Quá trình này phải có sự gắn kết chặt chẽ với lực lượng chính trị nòng cốt, phát huy vai trò của các đảng viên, đoàn viên, hội viên ở cơ sở.

Tuyên dương Dân vận khéo năm 2021. (Ảnh: Thanhuytphcm.vn) Tuyên dương Dân vận khéo năm 2021. (Ảnh: Thanhuytphcm.vn)

Cấp ủy các cấp cần quan tâm đẩy mạnh công tác dân vận của hệ thống chính trị, nhất là thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong tất cả các hoạt động. Trước tiên, cần phát huy trí tuệ, ý kiến, đóng góp của đội ngũ đảng viên ở địa bàn, gồm đảng viên đang sinh hoạt và công tác trên địa bàn và đảng viên sinh hoạt nơi cư trú. Đây là lực lượng có kiến thức, kinh nghiệm, tâm huyết và có trách nhiệm, nên sẽ có thể có những đóng góp tích cực cho các hoạt động. Bên cạnh đó, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng, các tổ chức tôn giáo, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cùng đồng hành với các hoạt động của địa phương, nhất là trong việc hỗ trợ người nghèo, người khó khăn, trẻ mồ côi và chăm lo các nhóm đối tượng trong dịp Tết Nguyên đán… Cần chú trọng phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong hệ thống chính trị gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực để bảo đảm kiểm soát dịch có hiệu quả và phục hồi kinh tế nhanh, bền vững.

Cần thực hiện tốt công tác dân vận chính quyền, gắn với các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau dịch, thực hiện chủ đề hằng năm của thành phố cùng các chỉ đạo, định hướng quan trọng khác. Trong đó, phải thực sự đẩy mạnh công tác cải cách hành chính sao cho linh hoạt, hiệu quả, tiện lợi, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp, đáp ứng kịp thời và tích cực hơn yêu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh. Chính quyền địa phương phải thực sự đồng hành với doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nhằm khôi phục và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bảo đảm an sinh xã hội, giữ gìn trật tự an ninh trên địa bàn. Chính quyền các cấp cũng cần quan tâm thực hiện một số chủ trương dài hơi của thành phố như thực hiện chương trình chỉnh trang đô thị, bảo vệ môi trường, giải quyết nhà ở cho người có thu nhập thấp, đào tạo nghề cho người lao động…

Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở phải phát huy vai trò của công tác dân vận trong việc bảo đảm ổn định chính trị, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn, tránh phát sinh các “điểm nóng”. Đặc biệt là sau dịch, đời sống có nhiều khó khăn, sự bức xúc để bột phát thành các hành động chưa phù hợp, nguy cơ bùng phát của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội…, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống người dân. Do đó, các phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc cùng các mô hình giúp đỡ nhau của người dân cần được phát huy mạnh mẽ, thông qua sự tác động, dẫn dắt của cán bộ, đảng viên và lực lượng chính trị nòng cốt ở cơ sở.

Trong điều kiện thực tiễn đó, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cần được chỉ đạo, định hướng và thực hiện có chiều sâu, thường xuyên, rộng rãi, có hiệu quả thực chất. Càng khó khăn thì vai trò của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên càng cần được phát huy, đồng thời, càng làm lan tỏa tinh thần gắn kết, sẻ chia, đồng hành của các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách chung. Từ đó, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên càng có ý nghĩa lôi cuốn, truyền cảm hứng để mọi người cùng chung tay thực hiện. Do đó, gắn với công tác dân vận là công tác biểu dương các điển hình trên tất cả các lĩnh vực, nhất là trong thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, để làm lan tỏa tinh thần cống hiến, xả thân của cán bộ, đảng viên đến các tầng lớp nhân dân.

Thời gian qua, hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở đã sử dụng mạng internet, mạng xã hội để thực hiện công tác tuyên truyền, vận động và đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong bối cảnh mới, cần tiếp tục mở rộng phát huy các hình thức này bằng những giải pháp phù hợp cho từng nội dung, từng nhóm đối tượng để công tác vận động đạt kết quả cao hơn nữa. Chẳng hạn, cần duy trì và phát huy các nhóm trên mạng xã hội (ở tổ dân phố, khu phố, các đoàn thể…) để kịp thời thông tin đến các nhóm dân cư về các vấn đề của địa phương, đồng thời, tạo sự phản hồi nhanh chóng, tiện lợi các nguyện vọng của người dân…; tiếp tục nâng chất các trang mạng xã hội để phổ biến chủ trương, phản bác thông tin sai trái…; tiếp tục sử dụng các sản phẩm truyền thông đa phương tiện có tính tác động nhanh và trực tiếp đến nhận thức để tuyên truyền, vận động, nhất là ở các điểm công cộng, thang máy chung cư…

Dĩ nhiên, công tác dân vận phải gắn liền với công tác tuyên truyền, định hướng tư tưởng, việc xây dựng, củng cố tổ chức và đội ngũ cũng như phải song hành với công tác kiểm tra, giám sát… Có như vậy thì kết quả mới đồng bộ, bền vững và có chiều sâu.

Vân Tâm


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo