Thứ Hai, ngày 16 tháng 9 năm 2024

Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật góp phần giảm chất thải nguy hại

Đồng chí Nguyễn Thanh Lâm (trái) trao đổi với đồng nghiệp

(Thanhuytphcm.vn) – Đảng viên Nguyễn Thanh Lâm, cán bộ kỹ thuật phụ trách An toàn lao động, Chủ tịch Công đoàn chi nhánh Công ty cổ phần TICO – thuộc Liên đoàn Lao động quận Tân Phú, đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học thiết thực được áp dụng vào quá trình lao động sản xuất kinh doanh, qua đó góp phần giảm được lượng chất thải nguy hại; nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp…

Xử lý chất thải nguy hại đem lại giá trị hàng trăm triệu đồng

Chia sẻ về sáng kiến “Pha loãng oleum (105%) thành a-xít sulphuric 75%”, đồng chí Nguyễn Thanh Lâm cho hay, trong quá trình sản xuất các sản phẩm của nhà máy, oleum là một loại phế phẩm phát sinh. Việc bảo quản, vận chuyển oleum cần có quy trình đảm bảo an toàn cho con người và môi trường. Với quy trình hiện tại, nhà máy có thể trung hòa với xút hoặc chuyển giao chất thải nguy hại. Trước yêu cầu đó cần có những cải tiến phù hợp làm thuận tiện hơn, an toàn hơn trong quá trình sản xuất.

Theo đồng chí Nguyễn Thanh Lâm, phế phẩm oleum này được tái sử dụng vào xử lý tái chế phế phẩm và phục vụ cho xử lý nước thải ở nhà máy, giảm được lượng phát sinh chất thải nguy hại cần xử lý. Với cải tiến này, đồng chí Nguyễn Thanh Lâm cho biết, hàng năm có thể tạo ra hàng chục tấn a-xít sulphuric 75% từ phế phẩm oleum, giảm được chi phí xử lý chất thải nguy hại, đem lại giá trị hàng trăm triệu đồng.

Trước những yêu cầu khó tính của khách hàng và cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm tăng tính cạnh tranh của sản phẩm, đồng chí Nguyễn Thanh Lâm đã đề xuất sáng kiến “Nâng cao chất lượng sản phẩm LAS”, với cải tiến qui trình ủ sản phẩm để nâng cao chất lượng sản phẩm. Với thiết bị hiện tại có thể nâng thời gian ủ hiện tại từ 30 phút lên tối đa 60 phút để có thể cải thiện hàm lượng chất hoạt động bề mặt của sản phẩm.

Đồng chí Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ với sáng kiến “Nâng cao chất lượng sản phẩm LAS”, sau một thời gian thực hiện cải tiến, thời gian lưu từ 30 phút lên 50 - 60 phút, chất lượng sản phẩm LAS có thể tăng hàm lượng chất hoạt động bề mặt từ AM = 96,3% lên AM = 97,2%. “Sự thành công trên đã giúp công ty có thể cạnh tranh vượt bật về chất lượng so với đổi thủ cạnh tranh trong và ngoài nước và đem lại giá trị lợi nhuận hàng năm” - đồng chí Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.

Đặc biệt, với sáng kiến “Tái chế bán thành phẩm của quá trình sản xuất sản phẩm SLES”, đồng chí Nguyễn Thanh Lâm đã cho ra sản phẩm Sodium Lauryl Ether Sulfate (SLES) bắt đầu với phản ứng sulpho hóa Fatty Alcohol Ethoxylate có tính chất hóa học đặc thù là yêu cầu phải đưa vào phản ứng trung hòa ngay sau đó. “Nếu không thực hiện trung hòa thì bán thành phẩm này sẽ phát sinh sản phẩm phụ và không sử dụng được. Bán thành phẩm này thường phát sinh trong giai đoạn đầu khi khởi động sản xuất, thì phản ứng sulpho hóa chưa đạt yêu cầu, lượng bán thành phẩm của giai đoạn này phải bỏ, chuyển thành chất thải nguy hại và thuê xử lý” - đồng chí Nguyễn Thanh Lâm cho biết thêm.

Trước sự hao hụt định mức nguyên liệu Fatty Alcohol Ethoxylate của quá trình sản xuất Sodium Lauryl Ether Sulfate (SLES) từ công đoạn này, đồng chí Nguyễn Thanh Lâm tiến hành thử nghiệm xác định thời hạn sử dụng tối ưu và lưu lượng sử dụng phù hợp của bán thành phẩm này để không làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, sau đó đã mạnh dạn đề xuất ban lãnh đạo qui trình tái chế và lắp đặt bơm, bồn chứa bán thành phẩm này để cấp vào thiết bị trung hòa trong thời gian 24 giờ sau khi phát sinh.

“Qua sáng kiến này, hàng năm đã giúp công ty giảm lượng thất thoát và thu hàng chục tấn sản phẩm; đồng thời giảm được lượng chất thải nguy hại phải thuê xử lý”- đồng chí Nguyễn Thanh Lâm cho hay.

Tăng năng suất lao động, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp

Đối với sáng kiến “Diệt vi sinh trong nước sản xuất sản phẩm SLES bằng xút”, đồng chí Nguyễn Thanh Lâm cho hay, trên cơ sở tính toán lý thuyết với nồng độ xút đang sử dụng 32% và thêm lượng nước sạch vào theo định mức, nồng độ xút sẽ giảm còn 18% sẽ đi vào thiết bị trung hòa. Ở nồng độ xút 18%, qua thử nghiệm kiểm tra vi sinh và kết quả vi sinh không thể tồn tại với nồng độ này. Bằng kết quả thử nghiệm này, đồng chí Nguyễn Thanh Lâm đã mạnh dạn đề xuất cải tiến lại đường ống cấp xút và nước bằng cách gộp chung 1 ống trước khi vào thiết bị trung hòa với mục tiêu là phát huy hoạt tính của xút 18% để diệt vi sinh trong nước sạch.

Riêng sáng kiến “Tận dụng a-xít sulphuric 75% để tái chế phế phẩm LASF trong sản xuất” của đồng chí Nguyễn Thanh Lâm đã giảm được lượng phát sinh phế phẩm khi hiệu suất sản xuất tăng, định mức nguyên liệu sử dụng sẽ giảm nếu như phế phẩm này được tái chế và vẫn đảm bảo chất lượng đầu ra của sản phẩm. “Với quy trình sản xuất sản phẩm LAS của nhà máy ABS đang vận hành thì lượng phế phẩm (LASF) thu hồi từ thiết bị xử lý khí thải 0,2% trên lượng sản phẩm tạo ra” - đồng chí Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.

Sau một thời gian thực hiện, đồng chí Nguyễn Thanh Lâm nhận thấy quy trình tái chế này có nhược điểm làm ăn mòn thiết bị phản ứng. Trước tình hình đó, từ việc tái chế phế phẩm LASF và hạn chế việc ăn mòn thiết bị. Đồng chí Nguyễn Thanh Lâm đã đề xuất cải tiến giải pháp tái chế phế phẩm LASF vào sản phẩm từ quá trình sản xuất. Trên cơ sở tận dụng nguồn H2SO4 phế phẩm hiện có, đồng chí Nguyễn Thanh Lâm có thể làm tăng quá trình hydrat hóa phế phẩm LASF với mục tiêu giảm độ màu và tính a-xít của phế phẩm.

Với sáng kiến này, nhà máy ABS đã tái chế được 27,84 tấn phế phẩm phát sinh vào sản phẩm theo qui trình xử lý hydrat hóa cải tiến. Bên cạnh đó, tại ra thêm 27,84 tấn sản phẩm và giảm 27,84 tấn phế phẩm chuyển thành chất thải nguy hại phải thuê xử lý. Ngoài các sáng kiến này, đồng chí Nguyễn Thanh Lâm đã trực tiếp đào tạo cho 44 người lao động, nhà thầu về công tác an toàn lao động trong quá trình làm việc và công tác tại nhà máy.

Đối với vai trò Chủ tịch Công đoàn, đồng chí Nguyễn Thanh Lâm luôn cố gắng hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động. Bên cạnh đó, liên tục phát động phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo nhằm khuyến khích người lao động phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động và tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp. Qua các phong trào thi đua, đã làm lợi cho doanh nghiệp hàng chục tỷ đồng.

Ngoài việc chăm lo cho người lao động, đồng chí Nguyễn Thanh Lâm cho biết, Công đoàn còn tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, thể dục thể thao; đề xuất doanh nghiệp hỗ trợ toàn bộ kinh phí cho người lao động đi tham quan, du lịch. Những công nhân có nhu cầu mua đất, xây nhà hay gặp khó khăn đột xuất sẽ được Công đoàn hỗ trợ cho vay không lãi suất với mức 30 triệu đồng/người, trả dần trong 2 năm.

Với những sáng kiến của đồng chí Nguyễn Thanh Lâm, đại diện Công ty Cổ phần TICO đánh giá các sáng kiến của đồng chí Nguyễn Thanh Lâm đã làm lợi và tiết kiệm cho doanh nghiệp hơn 6,7 tỷ đồng.

Với các sáng kiến trên, đồng chí Nguyễn Thanh Lâm đã nhận Bằng khen của Liên đoàn Lao động TP năm 2019, 2022; Bằng khen của UBND TP năm 2023; Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2020 và đạt danh hiệu “Công đoàn viên xuất sắc” 5 năm liền từ năm 2019 đến năm 2023. Đồng chí cũng là một trong 15 cá nhân nhận Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2024.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo