Phó Phòng Thương mại, Sở Công thương TP Nguyễn Minh Hùng thông tin tại buổi họp báo. (Thanhuytphcm.vn) – Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM phối hợp Sở Thông tin - Truyền thông TP tổ chức chiều 19/9, đại diện Sở Công thương TP và Viện Nghiên cứu phát triển TP đã thông tin về các chương trình thúc đẩy các hoạt động thương mại, kết nối thị trường tại TP.
Hơn 2.000 doanh nghiệp tham gia hội nghị kết nối cung cầu giữa TPHCM và các tỉnh, thành
Thông tin về hội nghị kết nối cung cầu giữa TPHCM và các tỉnh, thành năm 2024, Phó Phòng Thương mại, Sở Công thương TP Nguyễn Minh Hùng cho biết, hội nghị được diễn ra từ ngày 26 đến 29/9 tại Nhà Thi đấu Thể dục Thể thao Phú Thọ (Quận 11).
Đại diện Sở Công thương TP cho biết, hội nghị kết nối cung - cầu giữa TPHCM và các tỉnh, thành là hoạt động thường niên do UBND TPHCM chỉ đạo tổ chức từ năm 2012. Năm 2024, hội nghị có chủ đề “Kết nối trách nhiệm - Hướng đến Chuỗi cung ứng xanh” và có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với sự tham gia của hơn 2.000 doanh nghiệp đến từ hơn 45 tỉnh, TP trên cả nước tìm kiếm cơ hội kết nối với các tập đoàn bán lẻ và sàn thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam.
Hội nghị năm nay có nhiều hoạt động đổi mới thiết thực, phong phú, thực tiễn đối với doanh nghiệp. Trong đó có hoạt động sơ kết 6 tháng triển khai chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa. Cùng với đó là hoạt động kết nối B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) trực tiếp giữa 13 tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam, 4 sàn thương mại điện tử, các chợ đầu mối với cộng đồng doanh nghiệp sản xuất đến từ các tỉnh, thành trên cả nước. “Hoạt động kết nối năm nay không chỉ dừng lại giai đoạn gặp gỡ giữa các bên; Sở Công thương tập trung giải pháp “sau kết nối”; theo đó, những doanh nghiệp có sản phẩm được hệ thống phân phối lựa chọn sẽ được hỗ trợ hoàn thiện về sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ cung ứng; giải quyết các khó khăn về công nợ, phương thức giao hàng, thanh toán, tồn kho… trong giai đoạn đầu” - Phó Phòng Thương mại, Sở Công thương TP Nguyễn Minh Hùng cho biết.
Về hoạt động kết nối trực tuyến, sẽ có chiến dịch “Siêu LIVE hàng Việt” trên nền tảng TikTok với chủ đề “Mega Live hàng Việt - Sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) tiêu biểu” với 19 phiên live được dẫn dắt bởi 19 nhà sáng tạo nội dung, quảng bá hơn 200 sản phẩm đến từ hơn 45 tỉnh thành. Cùng với đó là chiến dịch “Đặc sản vùng miền trên TikTok”; Chiến dịch “Đặc sản vùng miền trên Lazada”; quảng bá, giới thiệu sản phẩm Việt, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của từng địa phương, vùng miền trên sàn thương mại điện tử.
Bên cạnh đó là các phiên kết nối thương mại điện tử chuyên đề theo địa phương; các hoạt động hướng dẫn khởi tạo gian hàng thương mại điện tử và tập huấn kỹ năng bán hàng trực tuyến được tổ chức trực tuyến và trực tiếp tại gian hàng, xuyên suốt thời gian diễn ra sự kiện.
Ông Bùi Anh Đức thông tin tại buổi họp báo. Sở Công thương kỳ vọng hoạt động kết nối trực tuyến sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xanh, doanh nghiệp khởi nghiệp… quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc sắc của chính doanh nghiệp, cũng như giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức về tiềm năng, cơ hội phát triển kênh bán hàng thương mại điện tử, bán hàng đa kênh, bán hàng thông qua mạng xã hội…
Riêng không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, ẩm thực đặc sắc của các vùng miền, quy mô tương đương 700 gian hàng với nhiều không gian đặc sắc.
Hỗ trợ, tổ chức các phiên livestream cho các doanh nghiệp
Thông tin chương trình “Trăm doanh nghiệp, vạn đơn hàng, triệu tài khoản”, ông Bùi Đức Anh, Viện Nghiên cứu phát triển TP cho biết, sau 2 tuần triển khai, chương trình đã đào tạo và giúp 25 doanh nghiệp khởi tạo gian hàng, thiết lập quy trình vận hành trên TikTok Shop. Sắp tới, Chương trình sẽ hỗ trợ, tổ chức các phiên livestream cho các doanh nghiệp này, dự kiến doanh thu của mỗi phiên livestream cho các doanh nghiệp này là 200 - 300 triệu đồng. Hiện tại, chương trình vẫn còn tiếp tục mở đăng ký cho các doanh nghiệp muốn tham gia tại trieudonhang.com. Ngoài ra, chương trình còn mở rộng tổ chức các buổi đào tạo kiến thức cần thiết, kỹ năng và kinh nghiệm kinh doanh trên thương mại điện tử cho sinh viên và người lao động với mong muốn phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực mới này.
Thông tin về mục tiêu của chương trình, đại diện Viện Nghiên cứu phát triển TP nhấn mạnh đến mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp địa phương tiếp cận thị trường tiềm năng, khai thác và phát triển thương mại trên nền tảng livestream và bán hàng trên mạng xã hội. Cùng với đó là cung cấp các giải pháp toàn diện đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Tham dự chương trình này là các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM, Hội lương thực thực phẩm TPHCM, Hội da giày TPHCM, Hội doanh nhân trẻ, các doanh nghiệp OCOP… có nhu cầu phát triển kênh bán hàng mới.