Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Kiên quyết không khoan nhượng và hành động quyết liệt trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

(Thanhuytphcm.vn) - Phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022  diễn ra ngày 30/6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, phải kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những "khoảng trống," "kẽ hở" để "không thể tham nhũng, tiêu cực"; Phải có thái độ kiên quyết không khoan nhượng và hành động thật quyết liệt, cụ thể, hiệu quả; người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về những yếu kém, sai phạm về tham nhũng trong tổ chức, đơn vị, địa phương mình…

Công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng tạo sự đồng thuận cao trong xã hội

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, phát huy kết quả và rút kinh nghiệm về công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng trong các giai đoạn trước, trong 10 năm gần đây, với việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí (trực thuộc Bộ Chính trị) đến nay, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội và thực sự "đã trở thành phong trào, thành xu thế không thể đảo ngược", được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được bạn bè quốc tế ghi nhận.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, nhìn lại chặng đường 10 năm kể từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đến nay, nhất là sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với ý chí và tinh thần trách nhiệm cao, với sự nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta đã thu được nhiều kết quả quan trọng. “Qua tổng kết, chúng ta có thể khẳng định rằng, chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lại được thực hiện một cách mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, bài bản và hiệu quả như thời gian qua; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội; đồng thời củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước." - đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Trong đó, một số bộ, ban, ngành, địa phương chưa có quyết tâm cao, chưa có sự chuyển biến mạnh. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp; việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ, cơ quan, đơn vị vẫn là khâu yếu. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội...

Phải tiến hành một cách kiên quyết, liên tục

Từ thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu lên nhiều bài học quý, có giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn được đúc rút ra. Trước hết, cần phải nhận thức thật đầy đủ, sâu sắc vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để từ đó có quyết tâm chính trị rất cao, biện pháp rất trúng và phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung, thống nhất của Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị; Ban Nội chính Trung ương là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo. Phải biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tế của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, phòng chống tham nhũng ngay chính bản thân mỗi con người, trong mỗi cơ quan, mỗi tổ chức, mỗi đơn vị, mỗi địa phương mình. Phải có thái độ kiên quyết không khoan nhượng và hành động thật quyết liệt, cụ thể, hiệu quả; người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về những yếu kém, sai phạm về tham nhũng trong tổ chức, đơn vị, địa phương mình. Người được giao chức vụ quyền hạn phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện thường xuyên “tự soi, tự sửa”; đồng thời tăng cường giám sát, kiểm soát có hiệu quả việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn. “Mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, quyền lực phải được ràng buộc bởi trách nhiệm, quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn, bất cả đó là ai. Ai lợi dụng, lạm dụng quyền lực để trục lợi đều phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm.” - đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ rất quan trọng, nhưng cũng vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, "không nghỉ", "không ngừng" ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; thực hiện đồng bộ các biện pháp với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm. Phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng"; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để "không dám tham nhũng" và một cơ chế bảo đảm để "không cần tham nhũng". Phải kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh các hành vi tham nhũng. Đồng thời gắn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; gắn phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng cho rằng, phải phát huy vai trò nòng cốt và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả của các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng. Đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống tham nhũng phải có bản lĩnh vững vàng, có dũng khí đấu tranh, phải trung thực, liêm chính, chí công, vô tư, thật sự là thanh bảo kiếm sắc bén của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh, phòng chống tham nhũng. Phải chống tham nhũng ngay trong các cơ quan làm công tác phòng chống tham nhũng. 

Ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực ngay từ khi xây dựng chính sách, luật pháp

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực thời gian tới. Trong đó, phải tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đây là nhiệm vụ không mới, nhưng rất quan trọng. Phải quán triệt, tuyên truyền, giáo dục sâu rộng các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, quy định của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; về sự nguy hại của tham nhũng, tiêu cực... tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương; xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực.

Toàn cảnh hội nghị, (ảnh: TTXVN) Toàn cảnh hội nghị, (ảnh: TTXVN)

Một trong những nhiệm vụ quan trọng khác là phải tăng cường phối hợp, chủ động công khai, kịp thời cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng; chú trọng thông tin tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt. Khắc phục tình trạng thông tin một chiều, thông tin không chính xác, mang tính kích động, gây hoang mang. Cùng với đó, thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện đồng bộ; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những "khoảng trống," "kẽ hở" để "không thể tham nhũng, tiêu cực."

Theo đồng chí Nguyễn Phú Trọng, phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội để hạn chế sự tác động tiêu cực của "nhóm lợi ích," "sân sau," "tư duy nhiệm kỳ". Ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực ngay từ khi xây dựng chính sách, luật pháp. Khẩn trương hoàn thiện các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm giải trình, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; bảo vệ người tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên, người đứng đầu đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Song song đó, là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng; ngăn chặn có hiệu quả tệ "tham nhũng vặt"; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện và công khai, có trọng tâm, trọng điểm; tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực, về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, tổ chức bộ máy phải tiếp tục kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trước hết là các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và các cơ quan nội chính từ Trung ương đến địa phương. Phải xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thật sự có bản lĩnh, thật sự liêm chính, trong sạch; không chịu bất cứ sức ép không trong sáng nào của tổ chức, cá nhân; bất cứ sự cám dỗ, mua chuộc nào của những kẻ phạm tội.

Theo đồng chí Nguyễn Phú Trọng, điều quan trọng có ý nghĩa quyết định là: Nhận thức phải chín; tư tưởng phải thông; quyết tâm phải lớn, phương pháp phải đúng; góp phần từng bước làm chuyển biến tình hình, thực sự có kết quả rõ ràng, cụ thể. Đồng chí mong muốn tất cả các đồng chí, những cán bộ "rường cột" của Đảng và Nhà nước hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm và dũng khí trước Đảng, trước nhân dân và đất nước, gương mẫu, đi đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

S. Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo