Thứ Bảy, ngày 7 tháng 9 năm 2024

Khám phá kiến trúc đô thị và cảnh quan Sài Gòn - Chợ Lớn xưa và nay

Tác phẩm “Kiến trúc đô thị và cảnh quan Sài Gòn - Chợ Lớn xưa và nay” của các tác giả Nguyễn Đức Hiệp - Tim Doling - Võ Chi Mai.

(Thanhuytphcm.vn) - Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM vừa ra mắt độc giả tác phẩm “Kiến trúc đô thị và cảnh quan Sài Gòn - Chợ Lớn xưa và nay” của các tác giả Nguyễn Đức Hiệp - Tim Doling - Võ Chi Mai.

Quyển sách đưa bạn đọc khám phá văn hóa xã hội, bối cảnh lịch sử, cảnh quan và kiến trúc đô thị, giá trị mỹ quan của Thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn từ thế kỷ 19 cho đến TPHCM ngày nay.

Sách gồm 4 chương: Giới thiệu về TPHCM; Sài Gòn – Chợ Lớn xưa và nay; Các kiến trúc đô thị tiêu biểu của Thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn; Di sản kiến trúc, văn hóa và lịch sử - Tổng quan và lời kết. Tác phẩm ra mắt bạn đọc với sự hợp tác của nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp, nhà nghiên cứu Tim Doling và bác sĩ Võ Chi Mai với mục đích giới thiệu về hình ảnh, thông tin về cảnh quan, đường phố đô thị Thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn từ thế kỷ 19 cho đến ngày nay mà phạm vi là TPHCM.

Các tác giả với chuyên môn khác nhau như khoa học tự nhiên, xã hội và nghệ thuật vì thế góc nhìn là sự tổng hợp của các khía cạnh trên trong cuốn sách. So với lần xuất bản đầu tiên năm 2020, sách tái bản có bổ sung thêm tư liệu và cảnh quan kiến trúc nhà cửa tiệm mặt phố thời Pháp ở Quận 5 và Quận 6 là những nơi còn sót lại những di sản trên ngoài khu vực trung tâm Quận 1, Quận 3.

Mỗi một con đường, một góc phố đều có một câu chuyện gắn liền với quá khứ. Từ các hình ảnh xưa và nay ở cùng địa điểm, chúng ta có thể thấy sự thay đổi theo thời gian của các cảnh quan, kiến trúc cùng với các sự kiện, thông tin về lịch sử và các câu chuyện liên quan tạo nên dấu ấn ký ức đô thị và đặc thù của Thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn. Qua đó, chúng ta sẽ cảm nhận những thay đổi và vẫn còn giữ được nét kiến trúc và cảnh quan của các công trình toà nhà và đường phố ở trung tâm thành phố tại Quận 1, và các quận chung quanh như Quận 3, quận Bình Thạnh, quận Tân Bình, Quận 5, Quận 6, Quận 8…

Chẳng hạn như khách sạn Continental, Nhà hát Thành phố, Dinh Độc Lập/ Dinh Thống Nhất, Nhà thờ Đức Bà, Tòa án nhân dân, khách sạn Majestic, bảo tàng, trường học, đình, hội quán và chùa người Hoa, trụ sở công ty, chợ Tân Định, chợ Bình Tây, cửa tiệm mặt phố, trường học, tu viện, nhà thờ, ga xe lửa Sài Gòn… Những con đường, tòa nhà, cảnh quan phố xá mà chúng ta thấy thường ngày, tuy thay đổi theo thời gian nhưng nếu ta không để ý thì không thấy hết được toàn cảnh giá trị lịch sử văn hóa. Hơn thế nữa là chúng ta chưa định được đúng mức tiềm năng có thể ứng dụng trong sinh hoạt văn hóa, kinh tế hay du lịch.

Ngày nay, tốc độ phát triển đô thị ở TPHCM rất cao, bộ mặt thành phố đổi thay rất nhiều. Nơi đây đã và sẽ tiếp tục thu hút nhiều du khách đến thăm nếu chúng ta vẫn bảo tồn được các di sản kiến trúc văn hóa, cảnh quan đặc thù của thành phố “lịch sử”. Bài học từ các nước trong công tác bảo tồn di sản cho thấy ý thức về di sản văn hóa lịch sử chỉ có thể phát triển và bảo tồn tốt đẹp hay đánh giá đúng giá trị thực của di sản, thông qua sự tham gia của người dân và cộng đồng. Điều quan trọng là các di sản, kiến trúc văn hóa lịch sử, nơi sinh hoạt tôn giáo, văn hóa nên được bảo tồn, gìn giữ để chúng trở thành cảnh quan có giá trị kinh tế và tinh thần vô giá cho thành phố TPHCM và các thế hệ sau nối tiếp.

Minh Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo