Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Giáo viên, học sinh gặp nhiều khó khăn khi dạy - học trực tuyến

Học sinh phải học trực tuyến trong thời gian dài do dịch Covid-19

(Thanhuytphcm.vn) - Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa có báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về việc thực hiện Nghị quyết số 41/2021/QH15 (hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2 trong lĩnh vực GD-ĐT).

Đáng chú ý, báo cáo đã nêu rõ những khó khăn của quá trình dạy – học trực tuyến trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thời gian qua. Cụ thể, các trường thiếu thiết bị cho dạy học trực tuyến (chiếm 31,6%). Khoảng 40% giáo viên (GV) gặp khó khăn về thiết bị và đường truyền internet; 35% GV thiếu học liệu dạy học trực tuyến; 42,6% GV gặp các vấn đề sức khoẻ và 37,2% GV gặp vấn đề về tâm lý; 43% GV gặp khó khăn khi học sinh không hợp tác trong quá trình học trực tuyến và 35,5% GV gặp khó khăn khi cha mẹ học sinh không hỗ trợ, hợp tác.

Về phía học sinh (HS), các em cũng gặp một số khó khăn trong quá trình học tập trực tuyến. 35,5% HS không có phòng học riêng và 38,4% HS bị ảnh hưởng tiếng ồn xung quanh khi học trực tuyến; 35,5% HS thường xuyên nghe không rõ tiếng thầy/cô giảng bài vì nhiều lý do; 26,5% HS gặp khó khăn trong việc giao tiếp với thầy/cô dưới hình thức trực tuyến. Đặc biệt, kết quả khảo sát đối với HS cũng cho thấy, có 45% HS gặp vấn đề sức khoẻ khi học trực tuyến như mỏi mắt, đau cổ, ù tai…

Các GV cho rằng học tập trực tuyến có ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tâm lý, tình cảm, khả năng phát triển các kỹ năng xã hội của học sinh là khá cao từ 62% - 77%, với mức độ ảnh hưởng tăng dần từ cấp Tiểu học lên đến THPT.

Cũng theo báo cáo này, GV ở các cấp học đều cho rằng dạy học trực tuyến chỉ tương đối hiệu quả đối với HS. Với việc học qua truyền hình, tỷ lệ HS bỏ trống không có nhận định gì lên tới hơn 70%. Nhưng tỷ lệ HS tự đánh giá việc học qua truyền hình từ tương đối hiệu quả đến rất hiệu quả là 81,4% (Tiểu học); 80,6% (THCS); 74,6% (THPT). Tỷ lệ này cho thấy việc học qua truyền hình vẫn là một giải pháp hiệu quả trong bối cảnh đại dịch, đặc biệt đối với những nơi không có đủ điều kiện dạy học trực tuyến.

Bộ GD-ĐT cho biết, với kết quả khảo sát này, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các trường chú trọng tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh, trong đó đặc biệt quan tâm các em lớp 1, không gây áp lực quá tải đối với các em và phải tổ chức ôn tập, bổ sung kiến thức phù hợp với từng nhóm học sinh ngay trong nội dung dạy học chính khóa.

Trong báo cáo này, bộ cũng chỉ ra nhiều vấn đề nổi cộm như lỗi trong sách giáo khoa hay tình trạng thừa, thiếu giáo viên. Về việc thực hiện sách giáo khoa mới (được triển khai áp dụng với lớp 1, 2 và 6), Bộ GD-ĐT thừa nhận một số bộ sách đã ban hành vẫn còn "lỗi, sạn", gây ra dư luận không tốt, chẳng hạn có sách vẫn có một số ngữ liệu học âm, học vần chưa phù hợp với học sinh lớp 1. Một số nội dung, ngữ liệu, hình ảnh chưa phù hợp, cần chỉnh sửa trong sách lớp 2 và 6. Tới đây, bộ sẽ tăng cường giám sát quá trình tuyển chọn tác giả, thực nghiệm sách giáo khoa của các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách; lựa chọn chặt chẽ hơn các thành viên tham gia Hội đồng quốc gia thẩm định sách để hạn chế tối đa lỗi trong sách giáo khoa mới. Hiện, danh mục sách lớp 3, 7 và 10 sử dụng trong năm học tới đã được công bố. Bộ cũng đã có thông báo về việc thẩm định sách lớp 8 và 11, chuẩn bị cho năm học 2023-2024.

Với việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD-ĐT thừa nhận còn tình trạng thừa -thiếu giáo viên cục bộ, đặc biệt cấp tiểu học. Chương trình mới có một số môn học mới khiến đội ngũ giáo viên THCS và THPT chưa đồng bộ về cơ cấu…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo