Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Đề nghị sớm tăng lương, phụ cấp cho giáo viên mầm non

Toàn cảnh hội thảo.

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 22/11, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh và Giám đốc Ban Giáo dục vùng Đông Á, Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới đồng chủ trì hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chính sách bảo đảm chất lượng GDMN và một số mô hình triển khai tại Việt Nam”.

Hội thảo được tổ chức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của đại diện các bộ ngành, cơ quan trung ương, lãnh đạo UBND và Sở GD-ĐT 30 tỉnh thành; các trường đại học - cao đẳng có đào tạo ngành học GDMN; cùng các tổ chức quốc tế Ngân hàng thế giới, Unicef, Save the Children, VVOB, ChildFund, Plan International, tổ chức Onesky…

Thông tin tại hội thảo cho biết, Việt Nam đang xây dựng chương trình GDMN mới. Phát biểu khai mạc hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, GDMN là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người Việt Nam, thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi. GDMN nhằm phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào học lớp một, vì thế đây là một bậc học đặc biệt quan trọng. Bộ GD-ĐT Việt Nam dành sự quan tâm, đầu tư đặc biệt cho bậc học này. Bộ trưởng mong nhận được những chia sẻ, khuyến nghị giá trị của các tổ chức, chuyên gia quốc tế để Việt Nam xây dựng chương trình GDMN mới chất lượng nhất.

Thông tin tại hội thảo cũng cho thấy, hiện nay, về đội ngũ GDMN, toàn quốc có 1.226.961 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông, trong đó cấp học mầm non có 368.968 giáo viên (công lập 271.073, ngoài công lập 97.895). Trong tổng số 271.073 giáo viên mầm non công lập, có 256.020 giáo viên trong biên chế và 15.053 giáo viên hợp đồng. Trong cả nước, cấp mầm non thiếu 44.068 giáo viên. Đời sống giáo viên mầm non còn nhiều khó khăn, nhiều nơi còn thiếu giáo viên mầm non, trong khi nhiều trường hợp lại chưa được tuyển dụng… Nhiều nơi ở đô thị lớn, nhất là các khu công nghiệp, chế xuất lớn, còn thiếu trường-lớp mầm non, gây khó khăn cho người dân…

Từ thực tế hiện nay, Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ GD-ĐT kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Nhà giáo để tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng, ban hành các chính sách, pháp luật về tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ GDMN, phổ thông nói riêng, đội ngũ nhà giáo nói chung, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Quy định về tuổi nghỉ hưu của GDMN... phù hợp với đặc thù lao động của nhà giáo cấp học mầm non.

Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, hiện nay, ở các địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn vẫn còn tình trạng giáo sinh tốt nghiệp tại các trường cao đẳng, trung học sư phạm đạt trình độ chuẩn đào tạo theo Luật 2005 nhưng chưa đạt theo Luật 2019, Bộ GD-ĐT trình Chính phủ cho phép các địa phương được tuyển dụng/hợp đồng giáo viên đủ điều kiện nhưng chưa đạt chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục năm 2019; đồng thời đề ra lộ trình đào tạo nâng chuẩn cho các đối tượng theo lộ trình của Nghị định 71.

Bộ cũng kiến nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng chính sách tiền lương mới theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”. Cụ thể, xếp lương bậc 2 cho giáo viên mới tuyển dụng vào ngành giáo dục như đề xuất của Bộ GD-ĐT với Chính phủ về chính sách tiền lương mới cho nhà giáo. Đối với giáo viên hợp đồng, đảm bảo mức lương không thấp hơn mức lương trung bình của doanh nghiệp cùng khu vực; được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp thâm niên như giáo viên trong biên chế; được đóng bảo hiểm xã hội theo quy định.

Bộ GD-ĐT cũng đề xuất Chính phủ phương án quy định mức phụ cấp đối với GDMN: Nâng mức phụ cấp ưu đãi đối với GDMN đang hưởng mức 35% và mức 50% lên mức 70%; GDMN đang công tác vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn hưởng mức 100% (với mức đề xuất này, có khoảng hơn 200.000 giáo viên mầm non thuộc đối tượng điều chỉnh)…

Đáng chú ý, tại hội thảo, các chuyên gia quốc tế đưa ra nhiều khuyến nghị với Việt Nam trong lĩnh vực GDMN như chuẩn hóa chương trình GDMN, giải quyết tình trạnh thiếu giáo viên, bảo đảm đời sống cho giáo viên mầm non, tăng chi ngân sách cho bậc học này…

Phát biểu kết luận hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định vị trí đặc biệt của giáo viên mầm non trong mối quan tâm của ngành giáo dục và đưa ra một số lưu ý khi xây dựng Chương trình GDMN mới.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội thảo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội thảo

Bộ trưởng nhấn mạnh, Bộ sẽ lưu ý đến tính liên ngành, tích hợp khi xây dựng Chương trình GDMN mới. Đây không chỉ thuần túy phục vụ cho chương trình giáo dục mà còn bao gồm cả chính sách về dinh dưỡng, phát triển thể chất, tinh thần, giải pháp về các vấn đề xã hội và các chính sách khác có liên quan. Điều tiếp theo đặc biệt quan trọng là lưu ý đến tính khả thi của chương trình; để trong điều kiện Việt Nam hiện nay, với sự cố gắng cao nhất, có thể triển khai được trong thực tế. “Khi xây dựng tính đến đặc thù của khu vực khó khăn; nhưng cũng phải căn cứ vào đối tượng là cái chung, phổ biến, phổ quát nhất để xây dựng chính sách”, Bộ trưởng cho biết.

Để bảo đảm thành công của chương trình, Bộ trưởng nhấn mạnh đầu tiên đến vai trò của lực lượng giáo viên; sự chuẩn bị lực lượng giáo viên đủ cả số lượng và chất lượng; tập huấn, đào tạo lại giáo viên; tổ chức đào tạo giáo viên mới tại các trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm. Việc chuẩn bị đội ngũ, chuẩn bị các tài liệu tập huấn giáo viên… không phải đợi chương trình hoàn thành, được ký ban hành mới bắt đầu, mà phải tiến hành ngay trong quá trình chuẩn bị chương trình. Cùng với đó, quan tâm, tính đến cơ hội tiếp cận hỗ trợ tập huấn với đội ngũ giáo viên mầm non ngoài công lập.

Các trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm cũng cần bắt tay cùng với nhóm chuẩn bị chương trình để đổi mới, điều chỉnh các chương trình đào tạo giáo viên ngay cùng thời điểm với việc xây dựng Chương trình GDMN mới.

Cùng với đội ngũ, cơ sở vật chất là điều kiện bảo đảm tính khả thi thứ hai của Chương trình GDMN. Theo Bộ trưởng, hiện nay, thống kê của Bộ GD-ĐT, Việt Nam còn có khoảng gần 20% số trường học đang trong tình trạng tạm bợ, bán kiên cố. Trong số này, tỷ lệ các trường mầm non, tiểu học chưa được kiên cố hóa chiếm nhiều nhất. Trong 5 năm tới, khi hoàn thiện mục tiêu kiên cố hóa trường học, phải giải quyết nhiều nhất cho câu chuyện kiên cố hóa với hệ thống các trường mầm non. “Kiên cố hóa trường lớp học là một việc cấp bách. Ngoài xây trường, những khâu chuẩn bị trang thiết bị, học liệu, đồ chơi trong trường học cũng rất quan trọng”, Bộ trưởng nêu.

Một vấn đề khác cũng được Bộ trưởng lưu ý liên quan đến xã hội hóa giáo dục. Việt Nam đang đẩy mạnh xã hội hóa, làm tăng thêm tỷ lệ khối các trường ngoài công lập. Tính toàn bộ cơ sở giáo dục của Việt Nam từ mầm non đến đại học, hệ thống công lập chiếm tới trên 90%. Hai bộ phận cơ cấu ngoài công lập chiếm lớn hơn là hệ thống mầm non và đại học. Việc đẩy mạnh số trường thuộc hệ thống mầm non từ các nguồn đầu tư ngoài công lập là vấn đề cần phải được đẩy mạnh trong thời gian tới đây.

Đặc biệt, theo Bộ trưởng phải thiết kế các chính sách dành cho GDMN, trong đó có vấn đề lương giáo viên mầm non. Bộ trưởng chia sẻ, trong số hơn 16.000 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc vừa qua phần nhiều là giáo viên mầm non, vì thế chính sách cho giáo viên mầm non phải được chú trọng…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo