Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (Thanhuytphcm.vn) - Chiều 6/6, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) Đào Ngọc Dung và các thành viên Chính phủ liên quan tiếp tục trả lời chất vấn.
ĐB Tô Thị Bích Châu (TPHCM) tranh luận cho rằng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói năng suất lao động không cao vì kỹ năng lao động chưa tốt, điều đó đúng nhưng chúng ta cũng chưa tận dụng hết nguồn lực hiện có, rất lãng phí. ĐB Tô Thị Bích Châu nêu ví dụ, hàng năm, chúng ta có hàng chục nghìn thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, đây là lực lượng lao động tốt và được đào tạo bài bản, đó là lực lượng lao động có tay nghề, có kỹ năng. Nếu Bộ LĐTB-XH phối hợp tốt với Bộ Quốc phòng thì lực lượng thanh niên này được rèn luyện rất tốt với những kỹ năng cơ bản đó là tính phối hợp, tính kỷ luật, có sức khỏe và khả năng phối hợp cũng như tính chịu áp lực cao rất tốt.
ĐB Tô Thị Bích Châu (TPHCM) Bộ trưởng Đào Ngọc Dung xin được tiếp thu ý kiến này.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) tranh luận về việc chúng ta chưa xử lý được tình trạng nợ đọng BHXH. ĐB rất ngạc nhiên với con số nợ đóng BHXH từ 1 tháng trở lên. Thống kê của BHXH Việt Nam, cộng dồn đến hết năm 2022 có hơn 2,13 triệu lao động bị doanh nghiệp chậm đóng BHXH từ một đến dưới ba tháng; 440.800 người bị nợ đóng từ ba tháng trở lên và gần 213.400 người bị "treo" sổ tại các doanh nghiệp đã giải thể, ngừng hoạt động, nợ BHXH khó thu hồi. Số đang bị nợ BHXH chiếm 17,4% tổng số lao động tham gia BHXH bắt buộc. Việc chậm đóng diễn ra ở tất cả loại hình doanh nghiệp với số tiền phải tính lãi hơn 13.150 tỷ đồng, chiếm 2,91% tổng số phải thu. Theo báo cáo của BHXH, số tiền chậm đóng, trốn đóng BHXH phải tính lãi đến hết năm 2022 là 8.560 tỷ đồng, tăng 121 tỷ đồng so với năm 2021, chiếm 2,69% trên số phải thu BHXH.
ĐB Trương Trọng Nghĩa đề nghị Viện kiểm sát, Tòa án, cơ quan điều tra, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vào cuộc vấn đề này. Không thể nói không có cơ sở để xử lý hình sự các trường hợp trốn đóng BHXH, chiếm dụng tiền BHXH của người lao động. Hoàn toàn có thể xử lý hình sự, các cơ quan tư pháp cần vào cuộc. Không thể để tình trạng này kéo dài, hệ thống pháp luật không thể “bất lực” trước tình trạng này.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) Trả lời, Bộ trưởng cho biết, ý kiến này rất xác đáng, Bộ trưởng cũng rất mong điều đó, hy vọng sẽ có một đầu mối để xử lý dứt điểm tình trạng này.
Kết luận phần chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, phiên chất vấn có 99 ĐBQH đăng ký chất vấn. Điều này thể hiện sự quan tâm của ĐBQH đối với lĩnh vực này. Đã có 46 ĐB tham gia chất vấn, trong đó 35 ĐB trực tiếp đặt câu hỏi và 11 ĐB phát biểu tranh luận. Còn một số ĐB đăng ký nhưng do không đủ thời gian nên chưa phát biểu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ĐB gửi câu hỏi chất vấn đề Bộ trưởng để được trả lời bằng văn bản theo quy định.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận phiên chất vấn diễn ra sối nổi, trách nhiệm, đi thẳng vào những vấn đề người dân, cử tri, doanh nghiệp quan tâm.
Trong nội dung kết luận, đáng chú ý, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH, ngành LĐTB-XH trong năm 2023, rà soát, thống kê đầy đủ nghiên cứu, đề xuất biện pháp giải quyết dứt điểm, đổi mới đối với số chủ hộ kinh doanh cá thể đã đóng BHXH bắt buộc trên nguyên tắc đóng hưởng bảo đảm quyền lợi của đối tượng tham gia bảo hiểm cũng như giải quyết dứt điểm các trường hợp thu chi BHXH không đúng quy định. Chủ động rà soát để kịp thời phát hiện, giải quyết các trường hợp phát sinh khác mà pháp luật về BHXH chưa quy định. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm đề xuất xưởng xử lý đối với từng cá nhân, cơ quan, tổ chức để xảy ra tình trạng này.
Hoàn thiện chính sách pháp luật và BHXH; chuẩn bị hồ sơ dự án Luật BHXH sửa đổi để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6. Tòa án nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ LĐTB-XH, Bộ Công an, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẩn trương tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục khởi kiện liên quan đến BHXH. Đồng thời, xem xét thụ lý và đưa ra xét xử một số vụ trốn đóng BHXH theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, triển khai các giải pháp đồng bộ để phát triển thị trường lao động; thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội; nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp… Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Việc làm để tạo nhiều cơ hội việc làm thuận lợi cho người dân. Chủ động phòng ngừa thất nghiệp, xây dựng hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động thực sự đáp ứng yêu cầu của thị trường, của doanh nghiệp với quá trình phát triển kinh tế số. Khẩn trương hoàn thành hệ cơ sở dữ liệu về lao động và thị trường lao động, hướng tới quản trị thị trường lao động, việc làm hiện đại.