Chủ Nhật, ngày 10 tháng 12 năm 2023

Cần chú trọng bảo đảm chất lượng chương trình giáo dục phổ thông 2018

Đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH TPHCM phát biểu kết luận buổi làm việc

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 20/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM có buổi khảo sát với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về việc đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2020-2022.

Chủ trì buổi làm việc có Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết và đồng chí Hà Phước Thắng, Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH TPHCM.

Thông tin tại buổi khảo sát, đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết cho hay, Chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018 được dư luận quan tâm, đến nay đã triển khai ở 3 cấp học, cấp 1 khối 1, 2, 3; cấp 2 lớp 6, 7 và cấp 3 triển khai cho khối lớp 10. Việc triển khai tại TPHCM bị ảnh hưởng do 2 năm dịch bệnh, phải học trực tuyến. Đồng chí mong muốn, qua buổi khảo sát đoàn nắm lại tình hình và kết quả triển khai 2 năm thực hiện chương trình. Đồng thời, qua ý kiến kiến nghị, đề xuất của Sở GD-ĐT TP, đoàn ĐBQH nắm tình hình báo cáo tại cuộc họp Quốc hội có hướng đề xuất, kiến nghị.

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn do tốc độ tăng dân số cơ học cao nhưng kết quả thực hiện quy hoạch giáo dục, xây dựng trường lớp được thực hiện tốt, đảm bảo tiến độ thực hiện chỉ tiêu đến năm 2025, đạt 200 phòng/10.000 dân trong độ tuổi đi học, tính đến tháng 7/2022 đã đạt 294.

Chất lượng giáo dục cùng chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục không ngừng được nâng cao, bảo đảm trình độ đạt chuẩn, đồng thời, tỉ lệ trên chuẩn của các bậc học khá cao. TP tiên phong thực hiện một số chế độ, chính sách đặc thù hỗ trợ đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên bậc mầm non. Đồng thời, TPHCM cũng tiếp tục tăng cường trang thiết bị dạy - học hiện đại, mạnh mẽ đổi mới hình hình tổ chức, nội dung, phương pháp dạy - học, kiểm tra - đánh giá, triển khai tốt các chương trình đánh giá học sinh quốc tế, chú trọng cập nhật các phương pháp giảng dạy hiện đại của thế giới. Giáo dục toàn diện, các hoạt động giáo dục tư tưởng, đạo đức, lý tưởng sống, phẩm chất công dân… được thực hiện đa dạng, hấp dẫn, hiệu quả mở rộng, tạo điều kiện cho học sinh nghiên cứu khoa học thực chất hơn.

Bên cạnh đó, chương trình 2018 ở cấp tiểu học thực hiện dạy học 2 buổi/ngày nhưng áp lực dân số cơ học, mật độ dân số cao, số trường và số phòng học chưa đủ để bảo đảm 100% học sinh được học 2 buổi/ngày. Một số trường còn thiếu phòng máy cho học sinh học tin học theo chương trình bắt buộc. Việc học trực tuyến thời gian dài cũng ảnh hưởng đến tâm lý và kỹ năng sống của học sinh. Việc tuyển dụng giáo viên năm học 2021-2022 thực hiện chậm, dẫn đến một số trường thiếu giáo viên dạy nhiều môn, nhất là giáo viên tiếng Anh, Tin học, Công nghệ, Nghệ thuật.

Toàn cảnh hội nghị Toàn cảnh hội nghị

Để khắc phục những hạn chế, Sở GD-ĐT TP tiếp tục tham mưu UBND TP thực hiện xây dựng trường tiểu học mới, mua sắm bổ sung bàn ghế học sinh, máy tính, thiết bị dạy học. Tham mưu việc tuyển dụng giáo viên đủ số lượng, đồng bộ về cơ cấu thực hiện công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ quản lý, rà soát đội ngũ giáo viên bảo đảm tiến độ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở các trường học. Ngành giáo dục TP chủ động liên kết với các trường Đại học Sư phạm TP, Đại học Sài Gòn mở các lớp bồi dưỡng để bảo đảm điều kiện đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Kết luận tại buổi khảo sát, đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết cho rằng, ngành GD-ĐT TP đã bám sát chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT TP đã tập huấn cho đội ngũ giáo viên để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, thể hiện sự chủ động của Sở trong việc triển khai. TP đối mặt với thiếu trường lớp, thiếu giáo viên, còn 26% giáo viên chưa đạt chuẩn, do đó, cần có lộ trình thích hợp để nâng chuẩn giáo viên, thiết bị phục vụ cho chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên giảng dạy chương trình mới chưa đáp ứng nhu cầu, cần tiếp tục kiến nghị để TP đầu tư.

Qua buổi giám sát, đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết ghi nhận ý kiến, kiến nghị của Sở và một số quận huyện. Đồng thời, đề nghị Sở GD-ĐT phối hợp với sở ngành liên quan để thực hiện xây dựng trường lớp, bảo đảm chỗ học cho các cháu, là điều kiện đầu tiên để thực hiện cho chương trình 2018. Trong đó, cần chú trọng chất lượng dạy và học, giúp học sinh ngày càng phát triển toàn diện. Đối với các trường sư phạm tiếp tục phối hợp với Sở để đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên đáp ứng dạy học chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Minh Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo