Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Cải cách thủ tục hành chính trong quản lý cấp phép lưu hành thuốc, đảm bảo tiến độ cung ứng của các nhà thầu

Đại biểu phát biểu tại buổi khảo sát. (ảnh: Đan Như)

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 7/10, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM có buổi khảo sát việc thực hiện cơ chế tự chủ và đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế tại bệnh viện công lập trên địa bàn TP giai đoạn từ 1/1/2020 đến 30/6/2022 và góp ý Dự thảo Luật Đấu thầu; Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) dưới sự chủ trì của đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM.

Cùng tham dự có các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH): Dương Ngọc Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy TPHCM; PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Thành ủy viên, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TPHCM; PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM...

Nhiều khó khăn trong đấu thầu thuốc

Theo PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, ngành y tế TP hiện có 78 đơn vị sự nghiệp công lập, tất cả đều được giao tự chủ tài chính theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP. Riêng đối với 50 bệnh viện công lập, với mức độ tự chủ tài chính  là 45 bệnh viện tự bảo đảm chi phí hoạt động thường xuyên; 3 bệnh viện tuyến TP tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên (Bệnh viện Tâm thần TPHCM, Bệnh viện Nhi đồng TP và Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn); 2 bệnh viện tuyến TP do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ (Bệnh viện Nhân Ái (tại Bình Phước) và Khu Điều trị phong).

 Sở Y tế TPHCM cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2022, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường nên việc dự báo nhu cầu thuốc, vaccine cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh gặp khó khăn. Bên cạnh đó, dịch bệnh sốt xuất huyết đầu năm 2022 cũng hết sức phức tạp làm cho nhu cầu về dịch truyền, dung dịch cao phân tử… tăng cao nên ảnh hưởng đến khả năng cung ứng.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hoài Nam cho biết, tình hình biến động về sử dụng thuốc, khó dự đoán cho các cơ sở y tế và cơ sở kinh doanh dược, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua nên các cơ sở y tế chưa xác định được tiến độ mua sắm thuốc trong năm. Trong khi đó, việc sản xuất của các doanh nghiệp cũng cần phải có dự trù để lập kế hoạch sản xuất. Tình trạng này dẫn đến khả năng sản xuất thuốc không kịp đáp ứng nhu cầu và có nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu thuốc cục bộ, nhất là đối với các thuốc nhập khẩu.

Bên cạnh đó, trong công tác đấu thầu mua sắm thuốc, nhiều loại thuốc không lựa chọn được nhà thầu trong quá trình đấu thầu rộng rãi, các đơn vị phải áp dụng nhiều hình thức lựa chọn nhà thầu khác nhau để cung ứng thuốc. Tại tuyến y tế cơ sở, nhất là trạm y tế cũng gặp khó khăn do việc mua sắm riêng lẻ với số lượng ít nên ít có nhà thầu quan tâm.

Để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, đại diện Sở Y tế TP cho biết, đã thực hiện các biện pháp nhằm nắm bắt nhanh tình hình thiếu thuốc trên địa bàn; trong đó, có xây dựng phần mềm báo cáo thiếu thuốc, thành lập Tổ theo dõi tình hình cung ứng thuốc trên địa bàn, thành lập Tổ tư vấn giải quyết các vướng mắc liên quan đến công tác đấu thầu, cung ứng và thanh toán công nợ thuốc. Cùng với đó là tổ chức các Hội đồng chuyên gia theo từng chuyên khoa để rà soát, cập nhật lại các thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm trong các phác đồ điều trị, xây dựng các thuốc thay thế mang tính khoa học và phù hợp với tình hình cung ứng thuốc.

Nên mở rộng cho các tuyến tỉnh, thành đàm phán giá

Liên quan đến vấn đề đấu thầu thuốc, Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện phụ sản Hùng Vương nêu thực trạng, bệnh viện quanh năm suốt tháng lo đấu thầu vật tư, trang thiết bị y tế và cả những vật dụng của hành chính quản trị. Chúng ta có nên xem xét phương án bỏ đấu thầu không? Bởi hiện nay, các nước châu Âu đã bỏ đấu thầu? Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, nếu ngay từ đầu vào, chúng ta quản lý tốt về giá, chẳng hạn như, cùng một loại thuốc được đưa vào Việt Nam từ Bắc vào Nam đều mua một giá tại sao chúng ta không làm như vậy? 

Góp ý về công tác đấu thầu, Bác sĩ Chuyên khoa 2 Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh cũng cho rằng, việc đấu thầu thuốc, vật tư y tế hàng năm mất thời gian khoảng 4 - 6 tháng. Do đó, các gói thầu nên kéo dài thời gian đấu thầu hai năm một lần, vì khoảng thời gian này sự chênh lệch biến đổi về giá không nhiều. Cùng với đó, ở cấp quốc gia nên mở rộng cho các tuyến tỉnh, thành đàm phán giá, việc này sẽ rút ngắn được thời gian, công sức và lựa chọn được sản phẩm như mong muốn của cơ sở.

Bệnh nhân nhận thuốc bảo hiểm y tế tại một bệnh viện (ảnh: Đan Như) Bệnh nhân nhận thuốc bảo hiểm y tế tại một bệnh viện (ảnh: Đan Như)

Đại diện Sở Y tế TPHCM kiến nghị, cần hỗ trợ ngân sách cho ngành y tế trong việc dự trữ một số thuốc hiếm trong công tác cấp cứu người bệnh; đồng thời, tiếp tục rút ngắn thời gian gia hạn số đăng ký đối với các thuốc đã hết hạn số đăng ký; xem xét và rút ngắn thời gian cấp phép nhập khẩu chuyến đối với những thuốc chưa có số đăng ký; xem xét, cấp số đăng ký đối với những thuốc thường xuyên phải xin phép nhập khẩu chuyến. Cần có chính sách đặt hàng cho các nhà sản xuất trong nước, ưu tiên sản xuất các loại thuốc cấp cứu, đặc trị như huyết thanh kháng nọc rắn…; cải cách thủ tục hành chính trong quản lý cấp phép lưu hành thuốc, đảm bảo tiến độ cung ứng của các nhà thầu.

Sở Y tế cũng đề nghị rà soát mở rộng danh mục thuốc được thanh toán BHYT tại tuyến y tế cơ sở theo định hướng đẩy mạnh hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân tại tuyến y tế cơ sở; đồng thời, rà soát các quy định trong công tác quản lý giá thuốc, rà soát các quy định trong xây dựng giá kế hoạch trong đấu thầu mua sắm thuốc, đặc biệt là các quy định trong công tác đấu thầu mua sắm cần được bổ sung, điều chỉnh theo hướng công nhận thuốc là hàng hóa đặc biệt, việc mua sắm cần lấy định hướng về chất lượng đặt lên hàng đầu.

S. Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo