Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

TPHCM giữ ổn định kinh tế, chính trị, đảm bảo tốc độ tăng trưởng cao nhưng không lạm phát

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi tiếp xúc

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 21/6, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM (ĐBQH) khóa XV đã có buổi tiếp xúc cử tri là ủy viên ủy ban MTTQ Việt Nam TP, các nhân sĩ, trí thức, chức sắc các tôn giáo, người có uy tín, tiêu biểu trong đồng bào dân tộc và đại diện giới văn nghệ sĩ tại TPHCM về báo cáo nội dung kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026. ĐBQH Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Phan Văn Mãi, Trưởng đoàn ĐBQH TP; Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP; Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP chủ trì hội nghị.

Cần luật hóa chủ trương của Đảng tại Kết luận số 14

Sau khi nghe đại diện Đoàn ĐBQH TPHCM báo cáo kết quả kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, cử tri Trần Đông A cho rằng, Đại dịch Covid-19 vừa qua đã để lại rất nhiều bài học cho chúng ta. Dịch bệnh cũng giúp ngành y tế Việt Nam nhận thấy được nhu cầu hết sức cấp thiết là cần phải đầu tư bài bản cho toàn ngành, nhất là y tế cơ sở. Hiện nay, y tế cơ sở vừa thiếu vừa yếu, đã khiến ngành y tế dù đã rất nỗ lực, quyết tâm cao để hạn chế thiệt hại thấp nhất trong đợt dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư, nhưng nhiều khó khăn, bất cập cũng đã vấp phải, cần rút kinh nghiệm.

Cử tri Huỳnh Văn Minh cho rằng hiện nay tham nhũng tiêu cực... ngày càng nhiều hơn và nghiêm trọng hơn, đặc biệt là xảy ra ở các cán bộ cấp cao, làm ở các ngành trọng yếu liên quan đến đời sống và sức khỏe của nhân dân, cuộc họp Trung ương gần nhất cũng thừa nhận công tác chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu như mong đợi; đề nghị Đảng, nhà nước cần quan tâm tăng cường chấn chỉnh khâu tổ chức thực hiện để sớm đưa chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống nhanh nhất... đặc biệt, chú ý tăng cường công tác giám sát phản biện của MTTQ các cấp và cả hệ thống chính trị vào cuộc để góp phần tổ chức thực hiện được nhanh chóng, thuận lợi hơn.

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi tiếp xúc Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi tiếp xúc

Để thực hiện chăm lo đời sống nhân dân, Luật sư Trương Thị Hòa kiến nghị Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức nghiên cứu và tham mưu Chủ tịch nước quan tâm, chỉ đạo thực hiện các chính sách đối với người khuyết tật, người cao tuổi, quan tâm việc chăm sóc sức khỏe tâm thần của người dân. Vì nước ta có khoảng 10% dân số người cao tuổi, trên 7% dân số là người khuyết tật. Pháp luật và chính sách đối với người khuyết tật, người cao tuổi đã khá đầy đủ, theo tinh thần của Công ước người khuyết tật, Công ước người cao tuổi của Liên hiệp quốc nhưng việc thực thi chính sách còn nhiều bất cập, chưa được quán triệt sâu sắc. Đối với sức khỏe tâm thần của người dân thì Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi các nước tăng đầu tư cho sức khỏe tâm thần vì vấn đề này ngày càng trầm trọng sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát; hiện nay, chỉ có khoảng 2% ngân sách quốc gia dành cho sức khỏe tâm thần, ở các nước có thu nhập thấp chỉ có khoảng 12% người có vấn đề về sức khỏe tâm thần được điều trị.

Cử tri Trần Đông A phát biểu tại buổi tiếp xúc Cử tri Trần Đông A phát biểu tại buổi tiếp xúc

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng cần nâng cao nhận thức của cấp ủy các cấp về vai trò giám sát, phản biện, xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị, xã hội; tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về giám sát, phản biện, xã hội của MTTQ Việt Nam; đồng thời, có cơ chế tăng cường sự phối hợp giữa MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, các cơ quan, tổ chức khác trong thực hiện giám sát. Bên cạnh đó, nâng cao trách nhiệm nêu gương của những người đứng đầu, cán bộ chủ chốt phải được quy định và công khai hóa để nhân dân biết và giám sát. Quy định rõ các hình thức cụ thể, tạo thuận lợi để nhân dân phản ánh, góp ý. Ngoài ra, cần luật hóa chủ trương của Đảng tại Kết luận số 14 được kỳ vọng tạo cơ sở chính trị và pháp lý vững chắc để khuyến khích, động viên đội ngũ cán bộ tâm huyết, trách nhiệm với công việc, bảo vệ người có quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết, TP sẽ định vị lại mô hình quản trị bệnh viện cũng như nghiên cứu để phát triển trung tâm chuyên sâu để trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe có vị trí. Bên cạnh đó, là phát triển loại hình y học gia đình, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân.

Cử tri Huỳnh Văn Minh phát biểu tại buổi tiếp xúc Cử tri Huỳnh Văn Minh phát biểu tại buổi tiếp xúc

Trao đổi liên quan đến sân bay Tân Sơn Nhất, đồng chí Phan Văn Mãi cũng cho biết, hiện có nhà ga T1, T2 có thể phục vụ 30 triệu khách/năm nhưng có thời điểm phục vụ đến 44 triệu khách. Hiện xây dựng nhà ga T3, nếu khẩn trương sẽ làm trong năm nay và hoàn thành trước 2024, như vậy công suất phục vụ có thể 50 triệu khách/năm.

Cử tri Trương Thị Hòa phát biểu tại buổi tiếp xúc Cử tri Trương Thị Hòa phát biểu tại buổi tiếp xúc

Về văn hóa, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, sau tháng 7, TP sẽ tổ chức hội nghị văn hóa. Theo đó, đầu tư thiết chế văn hóa phát triển các loại hình truyền thống và hiện đại để đưa văn hóa vào đời sống.

Không để những vướng mắc và thủ tục trong mua sắm vật tư y tế ảnh hưởng đến yêu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến của cử tri là các nhân sĩ, trí thức, chức sắc các tôn giáo, người có uy tín, tiêu biểu trao đổi về những vấn đề đào tạo nguồn nhân lực về tôn giáo, yếu tố con người vẫn là quyết định, đặc biệt, thời đại 4.0; đồng thời, đề nghị thư ký đoàn, MTTQ Việt Nam TP tổng hợp kiến nghị. Vấn đề thuộc trách nhiệm của TP, đoàn sẽ có ý kiến để TP chủ động giải quyết, những vấn đề thuộc trách nhiệm Trung ương thì có ý kiến đề nghị Đảng, nhà nước để có biện pháp giải quyết thiết thực hơn.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các cử tri Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các cử tri

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, TP cần đảm bảo cung ứng dịch vụ y tế, giáo dục, ổn định giá cả, khơi thông bất cập trong đấu thầu, mua sắm thuốc, giải bài toán thiếu thuốc và các vật tư. Bên cạnh đó, Chính phủ cần nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc, bất cập để triển khai đấu thầu, xây dựng hệ thống đấu thầu các sản phẩm liên quan đến sức khỏe. “Không để những vướng mắc và thủ tục trong mua sắm vật tư y tế ảnh hưởng đến yêu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân” - đồng chí Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh và cho rằng trong phạm vị trách nhiệm của mình, TPHCM chủ động tháo gỡ để bảo vệ sức khỏe của nhân dân TP nói chung và rất nhiều tỉnh có bệnh nhân ở đây. Ở tầm quốc gia, Chính phủ cần phải tháo gỡ, nhưng chính quyền TP cũng cần đưa ra giải pháp cụ thể trước tình trạng bức xúc này.

Chủ tịch nước chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu Chủ tịch nước chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu

Đối với giáo dục, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cần kiểm soát học phí, kể cả kiểm soát giá sách giáo khoa. Với môn Lịch sử, QH đã ra nghị quyết và yêu cầu đưa môn Lịch sử thành môn bắt buộc.

Theo đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, TPHCM đông dân cư lao động, do đó cần hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động sao cho cung cầu gặp nhau; đồng thời, chú trọng công tác đào tạo nghề, đào tạo lại, giới thiệu việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, cần có chính sách thu hút lao động như: chính sách nhà ở cho thuê, nhà ở xã hội; thiết chế văn hóa cho công nhân phải được triển khai mạnh mẽ hơn. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng mong muốn TP tiếp tục đối thoại với doanh nghiệp về khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là giải quyết tắc nghẽn của nhiều dự án.

Đối với dự án Vành đai 3 đã được QH ra nghị quyết với cơ chế thuận lợi trên tinh thần nhà nước và nhân dân cùng làm, kết nối Bình Dương, Long An, Tây Ninh tốt hơn. Do đó, đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam TP giám sát và vận động nhân dân ủng hộ để bàn giao mặt bằng; đồng thời, vận động công nhân không rút bảo hiểm xã hội 1 lần. “Người lao động về hưu phải có quyền lợi cần thiết, thế là lo lâu dài chứ không lo trước mắt” - đồng chí Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kiến nghị QH sửa đổi hoàn thiện pháp luật, tháo gỡ cho TP và cả nước, trong đó, có NQ 54 cũng như thể chế cho TP Thủ Đức. TP trong TP chỉ có đơn vị hành chính, còn thể chế, phân cấp nào là vấn đề đặt ra. Cụ thể như: Cải cách thể chế, môi trường hành chính, kinh doanh; giải quyết khiếu nại tố cáo; giữ gìn niềm tin của nhân dân; an ninh trật tự;  môi trường đáng sống… Đồng thời, TP cần giữ ổn định kinh tế, chính trị, chỉ tiêu vĩ mô; đảm bảo tốc độ tăng trưởng cao nhưng không lạm phát, đó là bài toán đặt ra cho TP; tiếp tục hoàn thiện các mô hình kinh tế mới như kinh tế số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, chính quyền đô thị.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo