Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Thúc đẩy thương mại hai chiều Việt Nam - Ấn Độ trong lĩnh vực thiết bị y tế

Phó Giám đốc ITPC Trần Phú Lữ phát biểu khai mạc buổi giao lưu.

(Thanhuytphcm.vn) – Chiều 24/8, nhằm tăng cường xúc tiến thương mại hai chiều Việt Nam - Ấn Độ trong lãnh vực thiết bị y tế, Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TPHCM phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại TPHCM (ITPC) đã tổ chức giao lưu trực tuyến chủ đề “Doanh nghiệp Ấn Độ - Việt Nam trên lĩnh vực thiết bị y tế (India – Vietnam Business Meet in Medical Devices Sector)”, buổi giao lưu diễn ra trên nền tảng ứng dụng zoom meeting. Tham dự buổi giao lưu có Tổng lãnh sự nước Cộng hòa Ấn Độ tại TPHCM Dr. Madan Mohan Sethi; Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại TPHCM (ITPC) Trần Phú Lữ, cùng nhiều diễn giả, đại diện doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ.

Phát biểu khai mạc, đại diện Phó giám đốc ITPC Trần Phú Lữ nhấn mạnh: Việt Nam quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân, sớm đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới. Việt Nam cũng đang quyết tâm thực hiện chiến lược vaccine, tập trung vào các nội dung chính gồm nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu để sản xuất và phát triển vaccine trong nước để tiêm miễn phí hàng năm cho nhân dân nhằm đạt được sự miễn dịch cộng đồng. Tin vui cho cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Ấn Độ là ngày 10/8 vừa qua, Công ty Nanogen của Việt Nam đã ký thỏa thuận bảo mật về chuyển giao công nghệ, sản xuất và phân phối vaccine Nanocovax với Công ty Vekaria Healthcare LLP của Ấn Độ. Đây là minh chứng cho mối quan hệ hợp tác quốc tế mang lại hiệu quả kinh tế và lợi ích cho người dân thông qua phát triển giao thương song phương Việt Nam và Ấn Độ.

Theo Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TPHCM tiến sĩ Madan Mohan Sethi, ngành thiết bị y tế của Việt Nam là một trong những ngành có triển vọng đầu tư nước ngoài. Cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 ở Việt Nam và Ấn Độ trong giai đoạn hiện nay làm cho hai bên có mối quan tâm giống nhau, cùng phát triển sự giao lưu thiết bị y tế giữa hai quốc gia, mang ý nghĩa góp phần giải quyết những nỗi lo chung này.

Diễn giả, luật sư Đinh Quang Long, cho biết: Theo Thông tư số 43/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính, thiết bị, dụng cụ y tế gồm máy móc và dụng cụ y tế như: máy soi, chiếu, chụp dùng để khám, chữa bệnh; các thiết bị, dụng cụ chuyên dùng để mổ, điều trị vết thương, ô tô cứu thương; dụng cụ đo huyết áp, tim, mạch, dụng cụ truyền máu; bơm kim tiêm; dụng cụ phòng tránh thai… thuộc diện được ưu đãi thuế giá trị gia tăng (GTGT) với mức thuế suất 5% kể từ ngày 1/8/2021, cùng với chính sách ưu đãi thuế giữa Việt Nam và Ấn Độ. Việt Nam đã ban hành quy định thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ thuộc Hiệp định Khung về Hợp tác Kinh tế Toàn diện ASEAN - Ấn Độ giai đoạn 2018 – 2022, mức thuế suất dao động từ 0% - 8,5% là một yếu tố vô cùng thuận lợi cho hợp tác thương mại song phương giữa hai nước trên lĩnh vực thiết bị y tế.

Có thể nhận thấy, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp với số lượng các ca bệnh tăng nhanh do biến chủng Delta tại các nước trên thế giới và khu vực, trong đó có Việt Nam và Ấn Độ nên nhu cầu về trang thiết bị y tế của Việt Nam phục vụ cho công tác điều trị các bệnh nhận nặng, nguy kịch như hệ thống ECMO, máy thở chức năng cao, máy thở oxy cao áp (HNFC), bơm tiêm điện, máy theo dõi các chức năng sống của bệnh nhân, máy lọc máu chậm,… cần được tăng cường cho các bệnh viện thu dung, điều trị người nhiễm Covid-19. Việc tăng cường hợp tác giao lưu quốc tế nói chung, hợp tác song phương với Ấn Độ nói riêng trong lĩnh vực y tế, bao gồm, hợp tác sản xuất vaccine, dược phẩm, nhập khẩu những hàng hóa thiết bị y tế là một trong những hoạt động quan trọng cần thiết được quan tâm tăng cường thúc đẩy trong giai đoạn hiện nay.

Hồ Thị Trinh Anh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo