Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Phát huy trí tuệ của doanh nhân trong xây dựng và kiến thiết đất nước

Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải tại lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam lần đầu tiên, ngày 13/10/2004 tại Hà Nội (Nguồn: Báo Công thương)

(Thanhuytphcm.vn)- Ngày 20/9/2004 Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg về việc hàng năm lấy ngày 13/10 là Ngày doanh nhân Việt Nam. Việc lấy ngày 13/10 là Ngày Doanh nhân Việt Nam mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc - đó chính là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới Công thương Việt Nam. Quyết định này khẳng định hơn nữa vai trò của đội ngũ doanh nhân trong xây dựng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về doanh nhân

Trong tuần lễ vàng, các nhà công thương Hà Nội đã là giới chức xã hội đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tại Phủ Chủ tịch. Một tháng sau, ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một bức thư gửi cho giới Công thương Việt Nam, bức thư có đoạn “… Hiện nay Công thương cứu quốc đoàn đương hoạt động để làm được nhiều việc ích lợi quốc dân. Tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt. Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới Công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng.

Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng…”, Bác nhấn mạnh.

Vượt lên trên những định kiến giai cấp đương thời, ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác đã xác định: “Cấp vụ của chúng ta ngày nay là phải động viên nhân lực, động viên công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, giao thông, tài chính… Các nhà giàu có mau mau góp vốn lại mở các công ty kinh doanh công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, tài chính, giao thông để tích cực tham gia sản xuất, lưu thông buôn bán”.

Trong các bài nói, bài viết này, Bác luôn căn dặn các doanh nhân phải: đoàn kết nội bộ, đoàn kết trên dưới, đoàn kết giữa cán bộ, công nhân và đồng bào địa phương; phải chăm lo đào tạo nguồn nhân lực, phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công nhân viên, đặc biệt, phải chăm lo đến cán bộ và công nhân nữ…

Trong tác phẩm Thường thức Chính trị năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra những thành phần kinh tế có kinh tế tư bản tư nhân với những vấn đề rất thực tế và cơ bản như “chủ thợ đều có lợi, công tư đều có lợi”. Đây là những nguyên tắc tiến bộ còn nguyên giá trị đối với doanh nhân đến tận ngày nay. Tư tưởng Hồ Chí Minh chính là một trong những tiền đề cơ bản cho chính sách đổi mới của Đại hội VI (1986) của Đảng ta.

Người yêu cầu doanh nhân đẩy mạnh phong trào thi đua trong các doanh nghiệp; sản xuất phải “nhanh, nhiều, tốt, rẻ”, sản xuất phải thực thà, sản xuất hàng hóa tốt cho đồng bào dùng, không nên trưng bày hàng tốt mà bán hàng xấu. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào thi đua trong các doanh nghiệp, thường xuyên tổng kết những kinh nghiệm tốt, những điển hình hay để nhân rộng trong cả nước; nhìn ra nước ngoài để học tập kinh nghiệm của các nước tiên tiến trong quản lý sản xuất…

Bác Hồ với ngày công thương năm 1946 (Nguồn: Ảnh tư liệu) Bác Hồ với ngày công thương năm 1946 (Nguồn: Ảnh tư liệu)

Tại Đại hội Chiến sĩ thi đua ngành Thương nghiệp lần thứ nhất, ngày 31/5/1956, Bác Hồ căn dặn cán bộ ngành Thương nghiệp: “Phải tích cực chống lãng phí, tham ô, vì những sai lầm đó có hại cho Nhà nước, cho Nhân dân và có hại trực tiếp cho cán bộ, nhân viên; phải thực hành tiết kiệm; quản lý tốt của công; quản lý chặt chẽ thị trường; chống đầu cơ tích trữ, bình ổn vật giá phục vụ Nhân dân…”.

Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của đội ngũ doanh nhân không phải là sự đánh giá nhất thời, một giải pháp tình thế trong những năm đầu cách mạng mà là một tư tưởng chiến lược, một chính sách cơ bản lâu dài phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước và vẫn còn nguyên giá trị với giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế hiện nay.

Tiếp thu và vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò, vị trí của doanh nghiệp, doanh nhân trong xây dựng và kiến thiết đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhằm xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam vững mạnh trong thời kỳ mới.

Hiện nay, Chính phủ đang thể hiện rõ tinh thần kiến tạo và hành động, đồng hành cùng doanh nghiệp, với những hỗ trợ kịp thời và nhanh chóng cho doanh nghiệp đặc biệt là sau dịch bệnh Covid-19 hiện nay. Đội ngũ doanh nhân cũng cần phát huy vai trò của mình để cùng tái hồi phục nền kinh tế, tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.

Doanh nhân - “chiến sĩ trên mặt trận kinh tế”

Doanh nhân là lực lượng chủ yếu huy động các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Thông qua tổ chức và điều hành sản xuất - kinh doanh, doanh nhân, doanh nghiệp góp phần thúc đẩy phân công lao động xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với đại diện doanh nhân Việt Nam và các đại biểu chiều ngày 7/10/2021 (Nguồn: Thông Tấn xã Việt Nam) Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với đại diện doanh nhân Việt Nam và các đại biểu chiều ngày 7/10/2021 (Nguồn: Thông Tấn xã Việt Nam)

Trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, tầng lớp doanh nhân đã có nhiều đóng góp quý báu cho cách mạng, không chỉ đóng góp nguồn tài chính cho các phong trào cách mạng mà họ còn thể hiện bản lĩnh, trí tuệ trong nuôi giấu cán bộ cách mạng. Các doanh nhân Nguyễn Sơn Hà, Bạch Thái Bưởi, Lương Văn Can, Trịnh Văn Bô… luôn được nhắc đến trong các sự kiện về doanh nhân.

Cụ thể, từ ngày 25-30/8/1945, tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang (Hà Nội) của gia đình ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ - doanh nhân buôn tơ lụa nổi tiếng giàu có, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Những “ngày đặc biệt” tại ngôi nhà này, phòng ăn của gia đình ông Bô được dùng làm phòng họp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Khi quốc khố chỉ có hơn 1 triệu đồng tiền Đông Dương, gia đình ông Trịnh Văn Bô đã ủng hộ Chính phủ trong Tuần lễ vàng số tiền lên đến 5.147 cây vàng. Triết lý kinh doanh luôn được gia đình thương gia Trịnh Văn Bô giữ vững trong suốt thời gian dài kinh doanh là “Buôn bán lãi được 10 đồng thì giữ lại 7 phần để tái đầu tư, còn 3 phần để giúp từ thiện. Khi cần nuôi nền độc lập thì cống hiến tất cả” đã trở thành triết lý kinh doanh của cả thế hệ công thương Việt Nam. Đây cũng là bài học cho nhiều doanh nhân Việt Nam hiện nay.

Tại Đại hội VI, Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới, thừa nhận nền kinh tế nhiều thành phần, coi các doanh nghiệp tư nhân là những thực thể kinh tế bình đẳng trước pháp luật. Đặc biệt luật doanh nghiệp ra đời và có hiệu lực từ năm 2000 đã tạo khuôn khổ pháp lí bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Vị trí vai trò của doanh nghiệp và doanh nhân đã thay đổi. Sự phân biệt đối với doanh nghiệp dân doanh cũng được khắc phục.

Đại hội X (2006) tiếp tục hoàn chỉnh quan điểm của Đảng về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân. Đội ngũ doanh nhân từ vị trí cuối trong các lực lượng xã hội đã được đặt ở vị trí cao hơn, “doanh nhân” xếp sau công nhân, nông dân, trí thức và đặt ở vị trí thứ 4 trong tổng số 8 lực lượng được nêu. Vai trò của đội ngũ doanh nhân tiếp tục được đề cao khi lần đầu tiên Đảng khẳng định “tôn vinh các doanh nhân có tài, có đức và thành đạt”.

Hiện nay, doanh nhân Việt Nam (bao gồm doanh nhân hoạt động kinh doanh ở nước ngoài) góp phần quan trọng vào hình thành cơ cấu xã hội và quan hệ xã hội mới, hệ giá trị và lối sống phù hợp với điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đây là lực lượng chủ lực thực hiện liên doanh, hợp tác kinh tế, tranh thủ vốn đầu tư nước ngoài, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; quảng bá các sản phẩm, hàng hóa, hình ảnh và giá trị văn hóa Việt Nam. Họ là mắt xích không thể thiếu trong các liên kết, hợp tác kinh tế - xã hội, trong đó có liên kết “5 nhà” (nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà băng và nhà nông). Ngoài ra, đội ngũ doanh nhân còn góp phần hình thành lối sống sáng tạo, tự lập, tự chủ, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, dám chấp nhận rủi ro, có chí làm giàu, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội. Doanh nhân giàu có, thành đạt trở thành mục tiêu, khát vọng phấn đấu của nhiều người, nhất là giới trẻ. 

Để phát huy vai trò, truyền thống của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội trong việc góp phần xây dựng và phát triển doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, theo đề nghị của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội doanh nghiệp, ngày 20/9/2004 Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg về Ngày Doanh nhân Việt Nam, hằng năm lấy ngày 13/10 là Ngày doanh nhân Việt Nam.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định việc tổ chức ngày Doanh nhân Việt Nam hàng năm phải thiết thực, tiết kiệm, có hiệu quả, tránh hình thức, bảo đảm các yêu cầu: 1. Giáo dục truyền thống yêu nước, tự cường, chủ động sáng tạo của đội ngũ doanh nhân, động viên phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, nâng cao kỷ luật, đạo đức, văn hóa kinh doanh của các doanh nghiệp, doanh nhân. 2. Biểu dương khen thưởng bằng các hình thức thích hợp đối với các doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh giỏi, thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc xây dựng và phát triển doanh nghiệp.

Đánh giá sự phát triển và những đóng góp của đội ngũ doanh nhân vào quá trình xây dựng cũng như kiến thiết đất nước, ngày 9/12/2011, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 09-NQ-TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nghị quyết nêu rõ quan điểm chỉ đạo, mục tiêu phương hướng, nhiệm vụ trong xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam.

Vai trò của đội ngũ doanh nhân cũng đã được hiến định trong Hiến pháp năm 2013, thể hiện sự quan tâm, ghi nhận và đánh giá cao của Đảng, Nhà nước đối với lực lượng này. Tháng 6/2017, Hội nghị Trung ương 5 khóa XII của Đảng ta xác định: “Phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại…”.

Quyết định số 990/QĐ-TTg ngày 20/9/2004 và Nghị quyết 09-NQ-TW ngày 9/12/2011 đã cụ thể hóa đường lối, chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của doanh nhân; hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển mạnh mẽ, tự tin góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước và hội nhập quốc tế.

Nhấn mạnh về vai trò của doanh nhân, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: “Đội ngũ doanh nhân Việt Nam là đại diện cho sức sản xuất mới trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định để thực hiện mục tiêu chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là bước đột phá góp phần thúc đẩy phát triển đất nước, đẩy lùi nguy cơ tụt hậu, nâng cao vị thế của Việt Nam trong thời đại mới”.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến năm 2020, nước ta có khoảng 810.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trên thị trường chứng khoán có 13 doanh nghiệp tư nhân có vốn hóa trên 1 tỉ USD. Tốc độ tăng trưởng các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn trong 5 năm vừa qua (2015-2020) đạt khoảng 4-5%, các doanh nghiệp này đang tạo nhiều việc làm và đóng góp lớn cho ngân sách. Đây là “đội quân chủ lực” phát triển cả số lượng và quy mô nhằm hướng tới mục tiêu 1,3 - 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025 và 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030.

Hơn 10 năm qua, nhiều tỷ phú người Việt được thế giới công nhận, những doanh nhân có tầm như ông Phạm Nhật Vượng (Vingroup), ông Trần Bá Dương (Thaco), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Vietjet), ông Nguyễn Đăng Quang (Masan Group), ông Trần Đình Long (Hòa Phát Group), ông Trương Gia Bình (FPT)… Không chỉ truyền cảm hứng cho phong trào khởi nghiệp ở giới trẻ, cộng đồng doanh nhân đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu sản xuất, kinh doanh sang những lĩnh vực sản xuất, công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Họ đã có những đóng góp lớn lao cùng Đảng, Nhà nước phòng, chống dịch Covid-19. Hàng năm, nhiều giải thưởng được tổ chức nhằm khuyến khích, tôn vinh doanh nhân như: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu “Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu”, “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu”, giải thưởng Sao Đỏ “Doanh nhân trẻ Việt Nam tiêu biểu”, thành lập “Hội đồng Doanh nhân và gia đình Việt Nam”. Trong tương lai, môi trường xã hội, môi trường pháp lý thuận lợi hơn sẽ tạo điều kiện để doanh nhân Việt Nam ngày càng phát huy mạnh mẽ sở trường và tiềm năng của mình, vươn ra tầm thế giới.

Trải qua 35 năm đổi mới, đội ngũ doanh nhân xuất hiện và ngày càng phát triển, đang trở thành một lực lượng quan trọng trong công cuộc phát triển đất nước. Doanh nhân luôn tham gia tích cực vào sự phát triển kinh tế đất nước, từ đó hình thành một đội ngũ doanh nhân là những “chiến sĩ trên mặt trận kinh tế” - những “chiến sĩ thời bình”.

Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng

(Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM)


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo