Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Phát huy giá trị truyền thống trong tiến trình xây dựng chính quyền đô thị tại TPHCM

PGS.TS Lâm Nhân phát biểu tại hội thảo.

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 14/12, Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ phối hợp Đại học Văn hóa TPHCM tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Phát huy giá trị truyền thống trong tiến trình xây dựng chính quyền đô thị tại TPHCM”.

Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống

Báo cáo đề dẫn, PGS.TS Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ cho biết, ngày 24/1/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết 06-NQ/TW đã thể hiện rõ chủ trương, đường lối và định hướng của Đảng trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị Việt Nam trong xu thế và bối cảnh mới hiện nay. Với những định hướng trên của Nghị quyết đã khẳng định đô thị hóa và việc xây dựng chính quyền đô thị là một xu hướng tất yếu trong xu thế phát triển của Việt Nam và thế giới.

Theo PGS.TS Vũ Tuấn Hưng, TPHCM là một TP trẻ, hiện đại, với hơn 300 năm lịch sử hình thành, phát triển. Nơi từng có một thời được mệnh danh là “hòn ngọc Viễn Đông” và hiện nay vẫn là một đô thị phát triển quy mô lớn nhất Việt Nam. Khi nói đến TPHCM luôn gắn với một TP với mô hình chính quyền đô thị luôn tiên phong, năng động, sôi động và sáng tạo thu hút các nguồn đầu tới sáng tạo hàng đầu của Việt Nam. TP luôn đi đầu trong lĩnh vực phát triển kinh tế và là một trong những trung tâm văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật và chính trị lớn.

Trên phương diện văn hóa truyền thống, TP cũng là nơi hội tụ nhiều dòng chảy văn hóa đa dạng, lắng động, hội tự, tạo dựng bản sắc và phát triển với sự kết tinh của nhiều dân tộc, tôn giáo gắn với các bản sắc của nhiều tộc người, là mảnh đất màu mỡ cho sự du nhập, hội tụ, lan tỏa, lắng đọng mang lại những nét văn hóa truyền thống riêng có của đô thị hiện đại nhưng bản sắc - TPHCM.

Trong bối cảnh và xu hướng phát triển đô thị hiện nay, để góp phần thực thi tốt, hiệu quả Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị với tầm nhìn chiến lược, có tính thời đại về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, cần phải xác định rõ lộ trình, bước đi và các giá trị định hình lên thương hiệu TPHCM.

PGS.TS Vũ Tuấn Hưng khẳng định qua hội thảo, sẽ đóng góp thực tiễn vào việc xây dựng, hoàn thiện chủ trương, đường hướng phát triển và tổ chức thực thi các chủ trương, chính sách của Đảng, của TP vào thực tiễn sinh động của dời sống, từ đó góp phần thực hiện thành công các Nghị quyết, chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước trong việc phát triển chính quyền đô thị tại TP hiện đại, sinh thái, bản sắc và là một TP đáng sống, đáng đến trong hành trình cuộc đời của nhiều người dân Việt Nam và quốc tế.

Quang cảnh hội thảo. Quang cảnh hội thảo.

Công tác quản lý cấp địa phương sẽ do chính các địa phương chịu trách nhiệm

Tại hội thảo, các đại biểu chia những kinh nghiệm thực tiễn về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống như: di tích lịch sử, các di sản vật thể, phi vật thể, các giá trị lịch sử cách mạng... tạo nên bản sắc, sắc thái định hình văn hóa đất và người Sài Gòn - TPHCM,... trong tiến trình xây dựng chính quyền đô thị tại TP trong bối cảnh mới hiện nay.

PGS.TS Lâm Nhân, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Văn hóa cho rằng việc xây dựng chính quyền đô thị trong bối hội nhập quốc tế về văn hóa là rất cần thiết, cần phải chuẩn bị càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, muốn hội nhập, muốn tiếp thu được tinh hoa của người khác thì bản thân giá trị văn hóa truyền thống của mỗi con người, khu vực cần xác định rõ. Ngoài những giá trị riêng, cần xác định những chuẩn giá trị của khu vực, vùng miền, dân tộc. “Để mỗi con người, ở khu vực khác, kể cả hiện tại ở người nước ngoài, khi đến nơi này phải học tập và tôn trọng làm theo. Nếu không, không những ta không tiếp thu được cái hay cái tốt mà bị đồng hóa, hòa tan và mất dần đi cái mà cha ông ta đã dày công xây dựng” - PGS.TS Lâm Nhân bày tỏ.

Chia sẻ về phân quyền trong xây dựng chính quyền đô thị, PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa, Hội Quy hoạch phát triển TP cho rằng, phân quyền trong tổ chức chính quyền đô thị là một trong những chủ đề "rộng và khó". Việc này mới được đặt vấn đề và bàn luận nhiều thời gian gần đây. Cụ thể, Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM là một trong những ví dụ cụ thể nhất cho vấn đề phân cấp, ủy quyền được áp dụng ở Việt Nam. Nghị quyết này đã mở ra cho TP quyền tự quyết trong các lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư, phí, lệ phí, tài chính và thu nhập tăng thêm.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa đánh giá, kể từ khi có hiệu lực, Nghị quyết này mang lại kết quả rất thấp, chưa tương xứng với kỳ vọng. Lý do chính là dù đã có cơ chế, chính sách đặc thù nhưng quy trình ra quyết định vẫn không thay đổi. Cụ thể, dù có Nghị quyết 54, TP muốn thu phí cảng biển, thu phí xe hơi vào khu vực trung tâm thì phải lập đề án trình nhiều bộ, ngành liên quan. Chỉ cần một bộ không đồng ý thì sẽ bị bác, hoặc đi lòng vòng cả năm mới đến đích" - PGS.TS Nguyễn Minh Hòa dẫn chứng.

Để thực hiện hiệu quả này, theo PGS.TS Nguyễn Minh Hoà, TPHCM cũng như các địa phương tuân thủ quy chế vận hành của các cơ quan quản lý, nhưng cần thay đổi mặt kỹ thuật trong khâu thực hiện. Cụ thể, TP có thể nghiên cứu về hình thức tổ chức không gian hành chính, khai báo hải quan, dịch vụ công... Đồng thời, các bộ, ngành Trung ương chỉ làm công việc quản lý Nhà nước, tức là xây dựng văn bản dưới luật, đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình, giám sát thực hiện. Công tác quản lý cấp địa phương sẽ do chính các địa phương chịu trách nhiệm và chủ động thực hiện.

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa phát biểu tại hội thảo. PGS.TS Nguyễn Minh Hòa phát biểu tại hội thảo.

Xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ hộ dân làm du lịch ở nông thôn

Để đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp, TS. Trần Hải Hà, Học viện Cán bộ TPHCM cho rằng, TPHCM tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá, giới thiệu du lịch nông thôn đến các thị trường trong nước và quốc tế; tăng cường đẩy mạnh công tác kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm giữa TP và các tỉnh, chuyên doanh, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, dịch vụ du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung, thích ứng an toàn, linh hoạt, thực hiện có hiệu quả mục tiêu “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng cần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp. Xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ hộ dân làm du lịch ở nông thôn được tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư phát triển du lịch. Chú trọng đẩy mạnh sự liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành, các khách sạn, nhà hàng, khu du lịch và các hãng vận chuyển,... để xây dựng nhiều chương trình du lịch, tour, tuyến với giá cạnh tranh, thu hút nhiều đối tượng du khách; tăng tính liên kết vùng để phối hợp ra mắt các tour du lịch nội địa đa dạng, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu du lịch của nhiều phân khúc du khách.

Bên cạnh đó, xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp dựa trên những tài nguyên du lịch đặc thù của địa phương. Các sở, ngành liên quan hỗ trợ các huyện phát triển các làng văn hóa du lịch đặc trưng của từng huyện, để tạo nên điểm đến hấp dẫn và giới thiệu bản sắc văn hóa gắn với đặc trưng của từng địa phương. Cùng với đó, quan tâm đến phát triển du lịch nông nghiệp gắn với khai thác thực phẩm ngon sạch và không gian sinh hoạt của các nông hộ, các gia trại, các cộng đồng nông nghiệp, tạo ra không gian sống thoáng đạt mang tính đồng quê, có sức lôi cuốn đặc biệt với du khách trong và ngoài nước với mọi lứa tuổi khác nhau.

Ngoài ra, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tăng cường kết nối với các công ty lữ hành…

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo