Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã và đang từng bước hiện hữu trong cuộc sống, được cụ thể hóa bằng những công trình, phần việc cụ thể

“Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” phục vụ công nhân tại Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh). (Ảnh: Thanhuytphcm.vn)

(Thanhuytphcm.vn) - Việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là chủ trương mới mẻ, chưa có tiền lệ trong lịch sử tại TPHCM, song thực tế cho thấy đã thu hút sự quan tâm, triển khai, thực hiện hiệu quả của nhiều tổ chức, cá nhân, đơn vị trên địa bàn. Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã và đang từng bước hiện hữu trong cuộc sống, được cụ thể hóa bằng những công trình, phần việc cụ thể.

Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là một công việc đồ sộ để TPHCM là nơi tỏa sáng tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Công việc này đòi hỏi phải chú trọng cả việc hình thành các không gian văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể để vừa phát huy vẻ đẹp truyền thống về đạo đức, nếp sống, phong tục, phong cách của người dân thành phố vừa gắn với giá trị nhân văn của tinh thần học và làm theo Bác hiện nay. Mà những bước đi đầu tiên là quan tâm xây dựng các không gian vật thể của không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại thành phố năng động này.

Mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi khu phố là một không gian văn hóa Hồ Chí Minh thu nhỏ

Thời gian qua, thành phố Thủ Đức và các quận huyện, đơn vị, cơ quan trên địa bàn TP đã nỗ lực hướng đến mục tiêu xây dựng mỗi tổ chức cơ sở đảng, mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi khu phố… phải thực sự là một không gian văn hóa Hồ Chí Minh thu nhỏ. Qua đó, đã lần lượt hình thành không gian văn hóa tại công viên, các cơ sở tôn giáo, trong khuôn viên các cơ quan, tổ chức trên địa bàn. Nhiều cơ quan, đơn vị đưa những câu nói, lời dạy của Bác Hồ lên các bảng treo tại trụ sở, phòng làm việc, phòng tiếp dân để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, phong cách sống và làm việc theo gương Bác một cách tự nhiên. Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, triển lãm hình ảnh, tổ chức các hội nghị chuyên đề, các hoạt động trồng cây nhớ ơn Bác...

Có nơi triển khai xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại các điểm đến du lịch, nhà truyền thống; xây dựng khu vực trưng bày, triển lãm hình ảnh, tư liệu về Bác, thành lập “Tủ sách Hồ Chí Minh”. Có địa phương đưa mô hình “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại Nhà Truyền thống quận với nhiều hoạt động trưng bày, giới thiệu các tác phẩm của Bác, triển lãm “Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”...

Điển hình là công trình Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Quận 10 với các nội dung về thân thế, sự nghiệp, cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác gắn với hoạt động sưu tầm hình ảnh của Bác tại các nước, những mẩu chuyện về Bác… đã trở thành nơi giao lưu, tu dưỡng, rèn luyện bản thân của cán bộ, đảng viên, người lao động. Hay Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại cơ quan Quận ủy Quận 10; Không gian triển lãm cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Trung tâm Văn hóa Hòa Bình cũng trở thành điểm nhấn, thu hút được nhiều người dân đến tìm hiểu.

Quận Đoàn 6 tổ chức triển lãm trực tuyến “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” 3D tại trang mạng điện tử Tuổi trẻ Quận 6 (tháng 11/2021), truyền tải những thông tin chính thống, các hình ảnh, thơ, nhạc, tác phẩm văn học, phim tài liệu, quá trình hoạt động cách mạng của Bác gắn với đất nước. Quận Đoàn Quận 6 còn triển khai nhiều hoạt động như tuyên truyền xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên không gian mạng; xây dựng trang mạng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” trên mạng xã hội tuyên truyền về cuộc đời sự nghiệp cách mạng của Bác.

Giáo viên và học sinh Trường THPT Nguyễn Công Trứ (quận Gò Vấp, TPHCM) tham quan tìm hiểu “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại Thư viện của nhà trường. Giáo viên và học sinh Trường THPT Nguyễn Công Trứ (quận Gò Vấp, TPHCM) tham quan tìm hiểu “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại Thư viện của nhà trường.

Thành đoàn TPHCM hướng đến xây dựng bảo tàng tương tác thông minh, tiếp đó là Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên mạng với hình thức song ngữ Anh - Việt, để kiều bào, người nước ngoài cũng có thể tiếp cận thông tin, tư liệu quý về Bác.

Tại Đường sách thành phố đã có tủ sách “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật và Công ty TNHH Đường sách thành phố phối hợp thực hiện, với số lượng trưng bày hơn 100 đầu sách, độc giả đến với tủ sách sẽ tiếp cận được những trang sách, tài liệu quý về Bác vừa ở dạng sách truyền thống, vừa có phiên bản sách điện tử.

Tương tự quận Bình Thạnh, Quận 7 cũng tích cực phát động xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên địa bàn và có tính lan tỏa rộng rãi hơn. Là đơn vị trong lĩnh vực báo chí truyền thông, tòa soạn Báo Phụ Nữ TPHCM đã hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh qua việc trưng bày 400 đầu sách và nhiều hình ảnh, tư liệu quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với các hoạt động khác. Quận đoàn quận Phú Nhuận cũng xây dựng công trình “Không gian Bác Hồ với thiếu nhi”. Nơi đây được trưng bày, triển lãm về Bác Hồ với thiếu nhi cho đội viên, học sinh, thiếu nhi tham quan, sinh hoạt…

Hiện thực hóa việc mang không gian văn hóa Hồ Chí Minh đến với các cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân tộc

Một số địa phương có nhiều thành phần dân tộc, nhiều tôn giáo cũng đã hiện thực hóa việc mang không gian văn hóa Hồ Chí Minh đến với các cơ sở tôn giáo, đồng thời chú trọng tiếp cận đồng bào người Hoa, người Chăm, cùng với chủ trương trưng bày triển lãm trong khoảng thời gian giáo dân tập trung sinh hoạt tín ngưỡng để văn hóa Hồ Chí Minh đến gần hơn, làm cho những giá trị của tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng người có đạo.

Điển hình như, “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại Tịnh xá Trung Tâm ở quận Bình Thạnh trưng bày nhiều tư liệu, sách quý về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại đây cũng có nhiều hình ảnh cuộc sống đời thường, trong công việc, với thiếu nhi, với người dân của Bác Hồ để người dân tìm hiểu, học tập. “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” được đặt tại thư viện tịnh xá càng giúp tăng ni, bà con phật tử dễ dàng tiếp cận, nghiên cứu, thấm nhuần lời dạy để học tập theo phong cách của Người.

Tại Quận 6, với sự đa dạng về các tôn giáo, quận đã tổ chức các không gian văn hóa Hồ Chí Minh theo mô hình “không gian văn hóa đọc” tại các cơ sở tôn giáo như Islam, Tin lành, và Phật giáo.

Tại Quận 11, tính đến nay, đã có 5 cơ sở tôn giáo trên địa bàn quận xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”. Mới đây nhất, một Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được triển khai thực hiện tại Tổ đình Phụng Sơn, qua đó góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động đồng bào có đạo, các chức sắc tôn giáo thực hiện tốt trách nhiệm xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Các tăng ni quét mã QR để xem tài liệu triển lãm “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại Ni viện Phước Long, TP Thủ Đức. (Ảnh: Thanhuytphcm.vn) Các tăng ni quét mã QR để xem tài liệu triển lãm “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại Ni viện Phước Long, TP Thủ Đức. (Ảnh: Thanhuytphcm.vn)

Các cơ sở tôn giáo còn ứng dụng chuyển đổi số vào xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, đã số hóa công tác xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh và truy cập bằng mã điện tử QR, truy cập ứng dụng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” với phiên bản tiếng Việt và nhiều ngoại ngữ khác là có thể truy cập thông tin, tập tin ghi âm nội dung giới thiệu cuộc đời, biên niên sự kiện, quá trình hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nhiều tác phẩm kinh điển như bản Di chúc của Bác, Hồ Chí Minh toàn tập…

Hiện nay, các đơn vị, địa phương đang tích cực mở các chuyên mục “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” trên trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội, bản tin nội bộ và thường xuyên đăng tải các bài viết, đoạn phim ngắn giới thiệu, chia sẻ những mô hình, cách làm trong học tập và làm theo Bác; những lời Bác dạy; các giải pháp, hiến kế việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh nhằm lan tỏa sâu rộng đến khắp các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn thành phố. Các địa phương còn sáng tạo, nâng cao hiệu quả các phương thức tuyên truyền, nhất là cổ động trực quan tại các khu vực công cộng, nơi tập trung đông người, trụ sở cơ quan, đơn vị hướng đến nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trên địa bàn, hưởng ứng xây dựng nếp sống tốt, hành động đẹp.

Có thể khẳng định, việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã được triển khai sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân thể hiện ở các không gian trưng bày, sinh hoạt chính trị - xã hội ở không gian vật lý và trên cả không gian mạng. Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã dần hiện ra sống động, đa sắc màu, ngày càng lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân thành phố. Thời gian tới, mặc dù còn nhiều việc phải làm, nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn cần phải tiếp tục được tổng kết và làm sáng tỏ, song chúng ta có cơ sở để tin vào kết quả tốt đẹp của chủ trương này, xây dựng thành công không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên thành phố mang tên Người, làm cho tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh trở thành nhận thức, tinh thần làm việc của các giới, ngành, thành phần trên địa bàn thành phố.

Hữu Ngọc


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo