Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Đoàn ĐBQH TPHCM giám sát việc thực hiện Luật Nhà ở trên địa bàn TP

Quang cảnh buổi giám sát

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 9/8, đoàn giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM do đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát tại Quỹ phát triển nhà ở TPHCM, Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh TPHCM và Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TPHCM về “Việc thực hiện Luật Nhà ở trên địa bàn TPHCM giai đoạn 1/1/2016 - 31/12/2021”.

Tham gia cùng đoàn giám sát có các ĐBQH: Bí thư Quận ủy Quận 1 Tô Thị Bích Châu; Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH TP Hà Phước Thắng.

Giải ngân 1.794 tỷ đồng cho vay để tạo lập nhà ở

Báo cáo tại buổi giám sát, Phó Giám đốc phụ trách Quỹ phát triển nhà ở TPHCM Ngô Tấn Phát cho biết về cho vay đối tượng có thu nhập thấp để tạo lập nhà ở, trong giai đoạn 2016 - 2021, Quỹ phát triển nhà ở đã thực hiện giải ngân 1.794 tỷ đồng cho 5.459 đối tượng có thu nhập thấp vay tiền để tạo lập nhà ở, vượt 5,55% kế hoạch. Lũy kế từ khi thành lập đến ngày 17/5/2022, Quỹ phát triển nhà ở đã giải ngân cho 5.594 đối tượng có thu nhập thấp vay tiền để tạo lập nhà ở, với số tiền 2.842 tỷ đồng.

Về hoạt động quản lý quỹ nhà ở xã hội, nhà tái định cư, đồng chí Ngô Tấn Phát cũng cho biết, trong quá trình quản lý, khai thác, Quỹ phát triển nhà ở thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan, Ban Quản trị các chung cư và chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác quản lý chung cư, bảo đảm an ninh trật tự địa bàn, thu tiền nhà nộp ngân sách TP theo đúng quy định.

“Do hoạt động quản lý quỹ nhà chung cư xã hội, nhà ở tái định cư, vừa không phát sinh lợi nhuận vừa phức tạp, nên hầu hết các Công ty Dịch vụ công ích quận, huyện và doanh nghiệp nhà ở của TP đều không muốn tiếp nhận, quản lý và khai thác.”- đồng chí Ngô Tấn Phát cho hay.

Theo đồng chí Ngô Tấn Phát, do nguồn vốn của Quỹ phát triển nhà ở còn hạn chế, nên nhiều lĩnh vực hoạt động của Quỹ bị hạn chế, không phát triển, thậm chí phải tạm dừng triển khai; cụ thể như: Đối với hoạt động cho vay đối tượng có thu nhập thấp để tạo lập nhà ở còn giới hạn trong phạm vi đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực hưởng lương ngân sách TP, lực lượng vũ trang và cơ quan thuế TP. Hiện Quỹ chưa đủ nguồn vốn để mở rộng cho các đối tượng khác có khó khăn về nhà ở trên địa bàn TP vay tạo lập nhà ở…

Báo cáo về chính sách cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở trên địa bàn TP đem lại hiệu quả thiết thực, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh TPHCM Bùi Văn Sổn cho biết, chi nhánh NHCSXH TP tập trung phối hợp các sở, ngành liên quan, cấp uỷ, chính quyền địa phương và các hội - đoàn thể nhận uỷ thác thực hiện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chính sách cho vay trên các phương tiện truyền thông để mọi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn được tiếp cận chính sách nhanh chóng, thuận lợi và hiệu quả nhất; kịp thời phản ánh đầy đủ, chính xác kết quả triển khai thực hiện chính sách cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở trên địa bàn để các cấp, các ngành giám sát đảm bảo thực hiện chính sách công khai, minh bạch.

Tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục hành chính, vay vốn

Nêu kiến nghị với đoàn giám sát, đồng chí Bùi Văn Sổn kiến nghị đoàn ĐBQH TP có ý kiến kiến nghị Chính phủ cho phép chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp, khu chế xuất được vay vốn tín dụng ưu đãi theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Đối với Sở Xây dựng TP, cần đôn đốc các chủ đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội phối hợp NHCSXH trong việc cung cấp thông tin về tiến độ bàn giao nhà, thời gian cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho khách hàng đã vay vốn tại NHCSXH để mua nhà ở xã hội. Tiếp tục phối hợp cung cấp thông tin cho chi nhánh NHCSXH TP về danh sách các dự án nhà ở xã hội đang triển khai xây dựng trên địa bàn TP.

Đối với cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp của TP, đồng chí Bùi Văn Sổn đề nghị tiếp tục quan tâm đến hoạt động của NHCSXH, tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục hành chính cũng như việc xác nhận về thực trạng nhà ở cho người dân đủ điều kiện vay vốn theo Nghị định 100/2015/ND-CP và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Đối với Luật Nhà ở, Phó Giám đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh TPHCM Trần Đình Cường kiến nghị xem xét điều chỉnh, bổ sung quy định về nhà ở hình thành trong tương lai theo hướng thống nhất với các quy định pháp luật liên quan (Bộ Luật dân sự). Theo đó, cần xem nhà ở hình thành trong tương lai bao gồm cả nhà ở đã hình thành, bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu cho chủ sở hữu nhằm đảm bảo phù hợp với bản chất giao dịch; đồng thời bổ quy định quyền, trách nhiệm của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại.

Đối với các quy định pháp luật khác liên quan đến nhà ở, đồng chí Trần Đình Cường kiến nghị quy định thống nhất về cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm đối với nhà ở, bảo vệ quyền lợi cho bên nhận bảo đảm.

Đối với xử lý tài sản bảo đảm là nhà ở xã hội, đồng chí Trần Đình Cường kiến nghị Nhà nước cập nhật, điều chỉnh các quy định về chuyển nhượng, xử lý tài sản bảo đảm là nhà ở xã hội còn trong thời gian cam kết theo hướng hỗ trợ các tổ chức tín dụng được mở rộng đối tượng chuyển nhượng nhà ở xã hội, phối hợp với các cơ quan liên quan để xử lý tài sản bảo đảm là nhà ở xã hội được nhanh chóng để thu hồi nợ.

Về công chứng và đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai, đồng chí Trần Đình Cường kiến nghị cơ quan ban ngành liên quan nghiên cứu, xem xét ban hành các quy định, hướng dẫn rõ ràng và thống nhất trong cách triển khai thực hiện.

Đồng chí Bùi Văn Sổn phát biểu tại buổi giám sát Đồng chí Bùi Văn Sổn phát biểu tại buổi giám sát

Tại buổi giám sát, các ý kiến cho rằng, hiện nay nhu cầu về nhà ở xã hội và nhà ở công nhân trên địa bàn TP là rất lớn. Tuy nhiên, nguồn cung về nhà ở xã hội và nhà ở công nhân còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân TP. Do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19, nhiều dự án nhà ở xã hội hoàn thành theo tiến độ còn chậm và một số dự án còn gặp một số vấn đề về mặt pháp lý nên chưa thể khởi công xây dựng được theo kế hoạch.

Bên cạnh đó, với cơ chế đặc thù từ việc quy định thủ tục hành chính trên địa bàn TP, thủ tục hoàn công sau khi công trình đã xây dựng xong đòi hỏi phải cung cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong khi Giấy chứng nhận đã nộp ngân hàng để làm thủ tục bảo đảm tiền vay; từ đó phát sinh thêm thủ tục từ phía ngân hàng nhưng các quy định của pháp luật cho thấy thủ tục này còn khó khăn, phức tạp.

Đối với đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn TP, các đại biểu cho rằng do được hưởng hỗ trợ thêm tiền lương từ ngân sách địa phương theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, Nghị quyết số 03/2018/NQ HĐND của HDND TP về ban hành quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do TP quản lý, do đó về cơ bản đều thuộc diện nộp thuế thu nhập thường xuyên, nên không đủ điều kiện vay vốn theo quy định.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo